Hoài Nhơn với 10 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng:
Thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”
Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc vừa qua, Hoài Nhơn là một trong những địa bàn trọng điểm của cách mạng, là nơi diễn ra nhiều trận đánh lớn, có nhiều người đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Vì vậy, ngày nay công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công đã được địa phương quan tâm chú trọng.
Đồng chí Lê Tự Hồng - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Hoài Nhơn tặng hoa và chúc mừng mẹ Võ Thị Đào ở xã Hoài Châu Bắc tại Lễ phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (3.2017).
1.
Ông Đặng Đức Đạo, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Nhơn cho biết: Toàn huyện hiện có 12.960 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công hằng tháng, với số tiền chi trả hàng tháng là 17 tỉ đồng. 10 năm qua, thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh), Phòng đã đôn đốc các địa phương và hướng dẫn đối tượng xác lập hồ sơ, tổ chức xét duyệt đề nghị công nhận người có công với cách mạng đảm bảo thực hiện chính xác từ cơ sở. Xây dựng và ban hành bộ quy trình thủ tục hành chính về xác lập hồ sơ người có công đối với từng nhóm đối tượng, thẩm định hồ sơ đảm bảo về thủ tục, thời gian đúng quy định. Chi trả tiền chính sách đúng, đủ và chính xác. Có thể nói, hiện nay có 100% xã, thị trấn ở Hoài Nhơn đã thực hiện tốt chính sách đối với người có công.
Ngoài các khoản trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công, việc quan tâm đến các chế độ ưu đãi khác thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, mang ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, cũng được huyện Hoài Nhơn tổ chức thực hiện kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả. Chỉ tính riêng hạng mục điều dưỡng, từ năm 2007 đến nay, huyện đã tổ chức đưa đón hơn 2.000 lượt người đi điều dưỡng tập trung trong và ngoài tỉnh; chi trợ cấp điều dưỡng tại gia đình cho trên 32.000 lượt người, với số tiền trên 25 tỉ đồng.
2.
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, hàng năm, huyện Hoài Nhơn phát động toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện tích cực tham gia và vận động các tầng lớp nhân dân đóng góp.Tính đến giữa năm 2017, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã tích lũy được 550 triệu đồng, huy động mọi nguồn lực góp phần cùng Nhà nước chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho các đối tượng người có công.
Chương trình xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách cũng được đẩy mạnh trong thời gian qua. Đến nay, thực hiện Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định 22 của Chính phủ, huyện Hoài Nhơn đã hỗ trợ xây dựng mới 360 nhà và hỗ trợ sửa chữa 287 nhà ở cho người có công và thân nhân. Huyện đã hỗ trợ kinh phí cho 3.057 hộ chính sách xóa nhà tạm, làm lại nhà ở mới khang trang; hỗ trợ 269 hộ sửa chữa lại nhà ở hư hỏng; vận động xây dựng 217 nhà tình nghĩa.
Vừa qua, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7), huyện tổ chức Lễ phát động Tháng cao điểm vận động toàn dân tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Kết quả có 27 cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài huyện hỗ trợ xây dựng 41 nhà ở người có công với cách mạng, với số tiền hỗ trợ trên 2 tỉ đồng.
3.
Huyện Hoài Nhơn đặt mục tiêu: phấn đấu 100% xã, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Phấn đấu 100% hộ chính sách người có công có mức sống trung bình hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Phấn đấu hết năm 2017 giải quyết xong hồ sơ đề nghị xác nhận là người có công còn tồn đọng.
Theo ông Đặng Đức Đạo, để thực hiện tốt hơn nữa công tác người có công, đền ơn đáp nghĩa, trong thời gian đến, các ngành, các cấp trong huyện tiếp tục quan tâm cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng, bảo đảm cho các gia đình chính sách có cuộc sống ổn định về vật chất, vui vẻ về tinh thần, thân nhân của người có công được quan tâm chăm lo về đời sống, con của người có công được dạy nghề, đào tạo, có việc làm góp phần xây dựng đất nước.
TẤN DŨNG