Xét tặng giải thưởng văn học nghệ thuật: Nhiều nút thắt cần tháo gỡ
Sau rất nhiều bất cập trong việc xét tặng và trao Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT), ngày 22.8 tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi nghị định xét tặng phù hợp hơn với thực tế.
Trao tặng giải thưởng công bằng, chính xác là chất xúc tác lớn đối với người sáng tác
Nghệ thuật không thể đong đếm
Một trong những sửa đổi lớn được đưa ra hội thảo lần này là chỉ tiêu về việc phải có các giải thưởng cao tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp toàn quốc… mới được xét tặng, đã bổ sung thêm trường hợp tác phẩm, công trình thiếu giải thưởng thì phải được hội đồng các cấp xem xét và đề nghị Thủ tướng xem xét quyết định. Việc góp ý thay đổi quy định phải đạt ít nhất 90% tổng số thành viên hội đồng bỏ phiếu đồng ý, cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp.
Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường cho rằng, quy định đạt đủ 90% phiếu bầu của hội đồng khi xét tặng giải là bất cập, bởi lẽ thành viên của hội đồng vẫn có những người không làm chuyên sâu. Thêm nữa nghệ thuật không thể đong đếm bằng số đông, bởi cá tính của nghệ sĩ lớn, không phải cứ ít người thích, ít người cảm được tác phẩm là chất lượng của tác phẩm yếu.
Theo ông, để đạt được 90% số phiếu có lẽ cũng là nhờ “bảo nhau”. Cùng chung ý kiến này, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành cũng cho rằng, cần phải nghiên cứu lại cơ cấu của hội đồng xét giải cấp Nhà nước chuyên ngành, bởi thực tế ít ai có sức đọc hết tác phẩm văn học, tuồng, chèo, công trình nghiên cứu văn hóa dân gian… Khi bỏ phiếu đồng ý hoặc không đồng ý mà không hiểu rõ giá trị của tác phẩm, công trình ấy thì không công bằng. Ông đề xuất thay vì bỏ phiếu nên chuyển qua chấm điểm để đảm bảo tính công bằng, chính xác.
Trước ý kiến thay đổi tỷ lệ đồng thuận từ 90% còn 75%, nhà văn Chu Lai cho là xác đáng. Ông nói: “Tình trạng yêu, ghét nhau khi bình bầu và không bỏ phiếu cho nhau do cảm tính thì ở nước nào cũng có. Những người không vượt qua sự đố kỵ, sẽ đặt câu hỏi, tại sao cùng thế hệ với mình, hay hơn mình chỗ nào mà được thông qua. Hơn nữa 90% là quá cao, chỉ cần cái nhìn yêu - ghét thôi là mất đi một đời sáng tác, nên hạ ở mức 75% là vừa phải. Tôi nghĩ, giải thưởng là chất xúc tác lớn cho tâm tưởng, tư duy sáng tạo nhưng đòi hỏi phải chuẩn xác, phải nhân tình, còn nếu không thì đó chính là giọt a xít phá hoại những tư duy, sáng tạo của người làm nghệ thuật”.
Không nhất thiết đến hẹn lại lên
Nhiều ý kiến cho rằng, việc một số tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh lại không có giá trị và sức lan tỏa bằng Giải thưởng Nhà nước khiến nhiều nghệ sĩ, nhà quản lý vô cùng trăn trở.
Nhà văn Chu Lai thẳng thắn: “Ban đầu, bao nhiêu tác phẩm tinh túy nhất đều đưa vào Giải thưởng Nhà nước. Sau đó, đến Giải thưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi cao hơn thì tìm đi, tìm lại, gạn đục khơi trong không thấy tác phẩm nào cao hơn. Cuối cùng sẽ phải đưa một tác phẩm, công trình không “vạm vỡ” bằng Giải thưởng Nhà nước vào Giải thưởng Hồ Chí Minh và cuối cùng vẫn đạt giải. Điều này sẽ khiến nhiều người nghĩ Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh đến một lúc nào đó sẽ bị cạn dần, đến không còn gì để trao giải”.
Chia sẻ bất cập này, ông Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ phân tích: “Hiện tượng này là do những tác phẩm, công trình hay nhất, tinh túy nhất đã được chọn để xét Giải thưởng Nhà nước đợt đầu, để ăn chắc. Ở những đợt sau, đối với những tác giả không sáng tác nữa hoặc sáng tác chưa chắc đã đạt được đỉnh cao thì các tác phẩm xét sau lại khập khiễng, giá trị lại không phải tiêu biểu nhất. Với những khập khiễng như vậy, cần phải tìm sách suy nghĩ, điều chỉnh, tháo gỡ. Bên cạnh việc xét tác phẩm, nên chăng xét tính tới thành quả tích lũy, xem xét cả một sự nghiệp khi xét Giải thưởng Hồ Chí Minh. Cùng chung suy nghĩ này, ông Chu Chí Thành đề xuất việc trao giải cho một tác giả nên đánh giá công lao của tác giả đóng góp đối với nền VHNT. Việc tác phẩm - cụm tác phẩm này đã được Giải thưởng Nhà nước rồi, sau một thời gian thấy xứng đáng Giải thưởng Hồ Chí Minh thì xét công nhận cũng không có gì là trái tự nhiên.
Dưới góc nhìn khác, NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh cho rằng, để tránh hiện tượng này, cần siết lại tiêu chí xét giải. Tránh tuyệt đối việc tác phẩm “đuối” hơn lại xét tặng giải thưởng cao hơn. Chia sẻ với quan điểm này, nhà văn Chu Lai nói, đã đến lúc cần cân nhắc tạm dừng xét giải thưởng, không nhất thiết phải có bằng được, không nhất thiết cứ đến hẹn lại lên.
Cùng chia sẻ những vướng mắc này, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu, cũng cho rằng, song song với việc giảm thiểu các thủ tục hành chính, gây khó cho nghệ sĩ, tác giả, cũng cần siết chặt tiêu chí xét giải đối với các tác phẩm, tránh tình trạng cào bằng, giảm giá trị, uy tín của giải thưởng. Theo ông Phùng Huy Cẩn, Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ VH-TT-DL, mọi ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được lắng nghe làm cơ sở tham mưu xây dựng dự thảo sửa đổi nghị định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước sắp tới.
Theo MAI AN (SGGP)