Cuộc thi Sáng tác biểu trưng tỉnh Bình Ðịnh: Truyền thống và văn hóa là tiêu chí cốt lõi
Sau 10 tháng phát động, Cuộc thi Sáng tác biểu trưng tỉnh Bình Ðịnh đang đi vào chặng cuối, với việc trưng cầu ý kiến cho 2 tác phẩm lọt vào chung kết. Sau khi hết thời hạn trưng cầu vào cuối tháng 8.2017, Cuộc thi sẽ khép lại nếu chọn được biểu trưng từ 1 trong 2 tác phẩm, hoặc sẽ gia hạn để tìm ra những tác phẩm tốt hơn.
Tỉnh Bình Định hy vọng sẽ tìm được biểu trưng đẹp để phục vụ tốt hơn cho công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại.
Điều có thể thấy rõ là tỉnh ta rất quan tâm đến vấn đề xác lập hình ảnh đặc trưng, tìm biểu trưng cho Bình Định. Và trong hành trình đi tìm, tạo lập hình ảnh làm đại diện cho địa phương, yếu tố truyền thống và văn hóa luôn là tiêu chí cốt lõi.
1. Trong xu thế hội nhập ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng và để phục vụ tốt hơn cho công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, những năm qua, Bình Định rất quan tâm đến việc xây dựng, quảng bá hình ảnh của tỉnh. Và Cuộc thi Sáng tác biểu trưng tỉnh Bình Định, được phát động trên toàn quốc, dành kinh phí khá lớn cho giải thưởng để tạo sức hấp dẫn tham gia, thực hiện trưng cầu dân ý về tác phẩm… góp thêm một dẫn chứng cụ thể và sinh động về sự quan tâm này.
Cuộc thi nhằm tìm ra tác phẩm đồ họa thể hiện nét đặc trưng, tiêu biểu của vùng đất Bình Định để làm biểu trưng của tỉnh Bình Định; phục vụ hiệu quả các hoạt động giới thiệu, giao lưu về kinh tế, văn hóa, xã hội; quảng bá trên các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang thương hiệu Bình Định, đặc biệt là công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư thương mại, dịch vụ, du lịch.
Để đáp ứng chức năng trên, Ban tổ chức yêu cầu tác phẩm dự thi biểu trưng Bình Định phải có hình thức đẹp, ý tưởng sáng tạo độc đáo, khái quát cao về tạo hình, dễ nhớ, thuận tiện cho in màu và đen trắng, dễ thể hiện trên mọi chất liệu. Đồng thời, thông qua hình ảnh nghệ thuật được thể hiện qua ngôn ngữ đồ họa, biểu trưng có tầm khái quát cao những giá trị tiêu biểu về địa phương và con người Bình Định.
2. Được phát động từ ngày 31.10.2016, đến 30.4.2017, Ban tổ chức đã nhận được 119 tác phẩm của 68 tác giả. Trải qua nhiều vòng tuyển chọn, hiện 2 tác phẩm lọt vào chung kết - trước đó có chỉnh sửa theo yêu cầu của Ban tổ chức - đang trong quá trình được giới thiệu công khai, thu thập góp ý của nhân dân làm cơ sở cho việc chọn lựa.
Việc trưng cầu ý kiến biểu trưng tỉnh Bình Định được thực hiện song song trên 2 hình thức: qua cổng thông tin điện tử của tỉnh: binhdinh.gov.vn, qua thư điện tử: bieutrungbinhdinh@gmail.com và bằng phiếu góp ý (tác phẩm và nội dung giới thiệu ý tưởng 2 logo được đặt tại Bảo tàng tỉnh và Thư viện tỉnh).
Song song với việc trưng cầu ý kiến về biểu trưng, Ban tổ chức đã gửi thư mời góp ý đến 2 hội đồng hương lớn của tỉnh là Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh và Hội đồng hương Bình Định tại Hà Nội.
3. 2 tác phẩm vào chung kết Cuộc thi Sáng tác biểu trưng tỉnh Bình Định là tác phẩm mã số AT1203 của tác giả Lý Anh Tuấn và tác phẩm mã số SH1379 của tác giả Hồ Sỹ Khải, đều ở TP Hồ Chí Minh. Điểm chung của 2 tác phẩm là đều khai thác vào yếu tố truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa của Bình Định, lấy đó làm lõi, linh hồn cho biểu trưng.
Mẫu AT1203, phần chính giữa là hình ảnh vua Quang Trung cưỡi ngựa được phác họa đơn giản từ tượng đài vua Quang Trung. Hai bên biểu trưng là hình ảnh tàu lá dừa được cách điệu thành đôi bàn tay hướng lên. Bên dưới biểu trưng là cây cầu Thị Nại, cây cầu hiện đại vượt biển dài nhất Việt Nam… Tương tự mẫu SH1379 cũng đặt hình ảnh tượng đài Hoàng đế Quang Trung ở vị trí trọng tâm, ngọn cờ đào tung bay trước gió biểu trưng cho hào khí Tây Sơn…
Như đã nói ở trên, biểu trưng chỉ có thể hữu dụng và ý nghĩa trước tiên khi công chúng nhìn vào ít nhất đã thấy thích, muốn tìm hiểu. Khi thích rồi, các cá nhân và đơn vị, tổ chức sẽ có nhu cầu sử dụng, phổ biến và tự họ sẽ giúp biểu trưng lan tỏa. Nếu người dân không thích hoặc thờ ơ, không thấy có tình cảm với biểu trưng thì có thể nói ngay biểu trưng đó thất bại, bất chấp có được Ban tổ chức chọn và trao giải. Khi đó, thật khó nói đến khả năng lan tỏa, phổ biến.
SAO LY
Tôi đồng ý là hình tượng Hoàng đế Quang Trung đã in sâu vào tâm trí nhiều thế hệ người Bình Định nhưng với tầm vóc logo của một tính, nó phải được cách điệu sáng tạo, tạo nên sự khác biệt đặc trưng và có tính hiện đại trong đó. Cả 2 mẫu logo bình chọn này vẫn chưa thoát khỏi việc “bê nguyên” tượng đài Hoàng đế Quang Trung đặt vào logo. Nó không có tính sáng tạo, không cách điệu khái quát, quá nhiều đường nét và trông giống như tranh cổ động, trong khi một logo phải sáng sủa, gọn gàng phục vụ tốt việc chế tác và nhận diện. Về mặt ứng dụng thực tế: Ở kích thước thu nhỏ 2x2cm để làm huy hiệu, quà tặng hay in ấn trên tiêu đề văn bản, bì thư,… sẽ mất rất nhiều chi tiết, không đảm bảo tính nhận dạng. Đó là chưa kể đến việc chế tác cực kì khó khăn (ví dụ đường nét gương mặt Quang Trung, nếp áo, ngựa… sẽ mất hoàn toàn). Khi làm logo dạng đèn LED tại các không gian đô thị thì hầu như không thể thi công nổi do quá nhiều đường nét phức tạp, không đảm bảo nhất quán như bản gốc.
Theo tôi biểu trưng Bình Định lấy hình tượng vua quang Trung cưỡi ngựa là hợp lý rồi, vì đây là nét đặc trưng của tỉnh, để mang tính đơn giản. Biểu trưng không nhất thiết phải có hình ảnh Tháp Chăm, vì nói tới Tháp Chăm thì nên dành cho Ninh Thuận.
Tôi thấy cuộc thi này giống như mọi cuộc thi vừa thiếu khách quan vừa thiếu thẩm mỹ khác, mà kết quả của nó là 2 tấm pano hình tròn chứ khó có thể gọi là logo được. Cả 2 bài dự thi đều cùng một lối tư duy: cố gắng đưa thật nhiều hình tượng vào trong một diện tích giới hạn bất chấp sự rời rạc của bố cục cũng như sự khiên cưỡng của nội dung. Điều này đi ngược lại hoàn toàn tư duy thiết kế biểu trưng hiện đại cũng như yêu cầu ban đầu của cuộc thi. Làm thế nào để phân biệt được hình tượng kỵ sỹ vung gươm trong bài thi là Quang Trung Nguyễn Huệ hay bất cứ hình tượng kỵ sỹ nào khác? Làm thế nào để phân biệt được hình tượng 2 khối nhọn kia là tháp hay là bất cứ chiếc cột nào?...Nếu bỏ phần chữ liệu có ai biết đó là những hình ảnh đại diện cho Bình Định hay không? Tất cả những điều này đã nói lên khả năng chuyên môn của các giám khảo, của 2 thí sinh cũng như bài thi của họ.
Đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi: * Về màu: Màu chủ đạo của 2 logo là đỏ, và trắng. Màu đỏ đem lại cảm giác "hơi nóng", không dịu mắt. Ít màu, tone màu sáng quá. * Chỉ có biểu tượng vua Quang Trung thì người ta mới có chút suy nghĩ rằng đây là một cái logo gì đó nói về Bình Định. * Chữ Bình Định thì mặc định rồi không phải bàn Logo AT nhìn có vẻ hùng hồn hơn * Biểu tượng thứ cấp như Tháp Đôi, lá dừa hoặc cầu Nhơn Hội nó mang biểu tượng đơn lẻ của một huyện đại diện, chứ còn sông Côn cũng vào thơ ca thì không thấy trong 2 logo này. Có khả năng nào kết hợp 2 logo hoặc bỏ đi các biểu trưng thứ cấp. Xin cảm ơn.
Theo ý kiến cá nhân tôi thì trong cả 2 mẫu logo trên đều chưa đạt đến tầm của một logo đại diện cho tỉnh Bình Định, vì nó chưa thoát ra được khỏi những logo đang được sử dụng nhan nhản của logo các công ty, đơn vị ... trên khắp tỉnh Bình Định. Nó cần phải có cái gì đó đặc biệt hơn thế, phải có sự đột phá trong việc cách điệu hình ảnh vua Quang Trung sao cho thật đơn giản,khác biệt nhưng vẫn gần gũi,thân quen, chứ không phải là bê nguyên xi tượng đài vào trong logo như vậy là thiếu sự cách điệu sáng tạo trong nghệ thuật. Nếu như đây là logo của một quận huyện nào đó thì được nhưng là logo của một tỉnh thì tôi thấy chưa xứng tầm và giả sử một trong hai logo vẫn được lựa chọn thì quả thật đây là điều hết sức đáng tiếc .