Ngăn ngừa sự lây lan của bệnh lao:
Hiểu để phòng tránh đạt hiệu quả cao
Bệnh lao chủ yếu lây lan qua đường hô hấp. Người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn trong đờm có nguy cơ bị lây nhiễm khá cao.
Đề tài “Khảo sát nồng độ Interferon-gamma và nguy cơ mắc bệnh lao ở người nhà tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi ở Bình Định” (do bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Phúc Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh làm chủ nhiệm đề tài) đã khảo sát 200 người nhà tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi. Kết quả cho thấy, người nhà bệnh nhân lao phổi diễn tiến thành mắc lao thật sự sau 18 tháng tiếp xúc chiếm tỉ lệ 7%. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm sẽ được hạn chế đáng kể nếu bệnh nhân và người nhà hiểu biết, tuân thủ các quy định phòng tránh.
Cần người đồng hành
Trong số bệnh nhân lao phổi đang điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, ông Phạm Đình Tùng - ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn - là người có “thâm niên” nhất, với 16 năm chống chọi căn bệnh này. 9 năm qua, ông đã nhập viện không dưới 30 lần (mỗi lần kéo dài khoảng 3 tuần), với 9 ca phẫu thuật. Giờ, bệnh đã đến giai đoạn cuối, người đàn ông 57 tuổi này chỉ còn da bọc xương. Vậy nhưng, ông không hề tỏ vẻ bi quan: “Từng ấy năm bệnh tật, bà nhà tôi vẫn luôn ngày đêm túc trực chăm sóc, tôi cũng như được tiếp thêm sức mạnh”.
Vẫn không ngừng tay quạt, bà Nguyễn Thị Thành - vợ ông Tùng - cười thật tươi: “Nhà đông con lắm cháu, nhưng tôi chỉ muốn tự mình chăm sóc ổng. Ổng cũng không muốn làm phiền con cháu, chứ giờ cũng qua giai đoạn có thể lây bệnh rồi”. Ngay từ những ngày đầu ông vào viện, bà Thành đã được bác sĩ tư vấn kỹ về việc giữ gìn để không bị lây bệnh từ chồng. Bà chăm chút cho ông từ chén cháo ăn khuya, đến khăn mát lau người khi trời nóng, rồi động viên, giải thích để ông bớt phần mặc cảm.
Bình Định là một trong những địa phương đầu tiên ứng dụng kỹ thuật IGRA (nuôi cấy tế bào và ELISA định lượng Interferon-gamma) để theo dõi, chẩn đoán lao tiềm ẩn, xác định nguy cơ nhiễm lao trên đối tượng thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân dương tính vi trùng lao. Hiện nay, IGRA chỉ được thực hiện tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS. Thời gian tới, kỹ thuật này sẽ được triển khai ở một số đơn vị y tế có đầy đủ điều kiện cần thiết.
Vậy nhưng, không phải ai cũng được may mắn như ông Tùng. Anh L.V.M - 34 tuổi, ở xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn - mắc lao đã gần 9 năm nay. Từ người thợ hồ khỏe mạnh, giờ anh nặng chưa đầy 33kg. Cứ trở trời là anh ngứa cổ, ho ra máu, lại phải nhập viện. Như hiểu cái nhìn ái ngại của tôi khi thấy anh nằm chòng queo một mình ở phòng cấp cứu Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, anh gượng cười: “Vợ phải chăm 2 đứa nhỏ ở nhà, mình tự lo, riết thành quen”.
Theo bác sĩ điều trị của phòng cấp cứu Đinh Văn Thông, bệnh lao của anh M. đã gây ra nhiều di chứng, trong đó nguy hại nhất là giãn phế quản, thời tiết thay đổi lại ho ra máu. Những bệnh nhân có vi trùng lao dương tính được điều trị chừng 3-4 tuần là đã cắt nguồn lây, nhưng nhiều người vẫn lo lắng. Như anh M., đã lâu lắm rồi, anh chẳng dám ôm hôn 2 đứa con, bởi vẫn sợ lây bệnh cho chúng.
“Chúng tôi tư vấn kỹ cho bệnh nhân và người nhà về thời điểm lây bệnh và cách phòng tránh. Nhiều bệnh nhân không còn nguồn lây, nhưng vẫn bị chính người thân của mình cách ly”, bác sĩ Thông tâm tư.
Hiểu để phòng tránh
“Người thân và cộng đồng không nên cách ly, xa lánh bệnh nhân lao đã được cắt nguồn lây. Tâm lý người bệnh có ổn định thì hiệu quả điều trị mới đạt cao”.
Bác sĩ ĐỖ PHÚC THANH, Phó Giám đốc Bệnh viên Lao và Bệnh phổi tỉnh
Theo bác sĩ Đỗ Phúc Thanh, những người sống chung hoặc sống gần người bị mắc lao phổi có vi khuẩn trong đờm thì khả năng hít phải vi khuẩn lao của người bệnh thải ra không khí sẽ nhiều hơn những người khác. Bên cạnh nhân viên y tế hằng ngày khám bệnh, điều trị và chăm sóc bệnh nhân, người nhà cũng có nguy cơ nhiễm lao rõ rệt. “Càng ở lâu trong môi trường có nguồn lây trực tiếp là bệnh nhân lao ho khạc ra vi khuẩn thì khả năng nhiễm lao càng cao. Chỉ một vi khuẩn lao đã có thể gây nhiễm nên hít vào bất cứ một giọt khí dung chứa vi khuẩn lao nào cũng có nguy cơ. Sự lây truyền chỉ có thể xảy ra khi tiếp xúc với bệnh nhân lao tiến triển”, bác sĩ Thanh phân tích.
Để hạn chế nguy cơ lây bệnh, trong giai đoạn ho ra vi trùng lao, bệnh nhân phải mang khẩu trang khi tiếp xúc với người khác. Vi trùng lao sống rất lâu, thậm chí đến vài tháng trong môi trường ẩm, nên người bệnh không được khạc nhổ bừa bãi, không hắt hơi trực tiếp vào người đối diện, xử lý đờm đúng theo quy định.
Bác sĩ Thanh cũng lưu ý, trong giai đoạn đầu phát bệnh nên để người bệnh sinh hoạt riêng, khi ăn uống nên dùng bát đũa riêng, hạn chế tiếp xúc với trẻ em. Khi chăm sóc, người nhà phải mang khẩu trang thường xuyên. Đồng thời, cần xử lý chất thải của người bệnh đúng quy cách, phải phơi nắng hoặc là nóng quần áo của bệnh nhân.
NGUYỄN VĂN TRANG
Bên mình cung cấp sản phẩm airocide là giải pháp hữu hiệu ngăn ngừa lây nhiễm lao cho người thân và hỗ trợ khám chữa bệnh nhờ khả năng loại bỏ vi khuẩn lao trong không khí bằng "ti tan đi ô xít" (TiO2). Sản phẩm đã được khẳng định, kiểm tra về tính hiệu quả và tin dùng tại Bệnh Viện Phổi Trung Ương, và nhiều đơn vị bệnh viện khác. Liên hệ 0942.911.668 ( Mr. Linh ) để được tư vấn.