Bộ trưởng GD&ĐT: Chấp nhận đóng cửa
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 đối với những cơ sở giáo dục ĐH chất lượng kém hoặc không tuyển được người học.
Bộ trưởng Nhạ nhận định, do nhu cầu của thị trường lao động đa dạng nên dần dần sẽ có sự phân tầng trong giáo dục ĐH. Bởi vậy, một số trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu phải nhìn nhận cho đúng. Phải làm quen với việc thí sinh đăng ký vào hay không vào có một phần do chính các trường, để từ đó có giải pháp tốt.
Tránh tình trạng không vào lại đổ cho ảo. Ảo trong tuyển sinh là quy luật tất yếu, ngay cả những trường như Harvard cũng có ảo. Thực tế, việc vào học của thí sinh còn phụ thuộc yếu tố thị trường. Nếu chỉ căn cứ vào sở thích của người học, năng lực đào tạo của các trường là chưa đủ. Nếu thị trường đòi hỏi phải có ngành nghề khác, các trường phải điều chỉnh, thậm chí phải đóng cửa.
Với các trường đã “chết lâm sàng” phải cương quyết loại bỏ. Đừng chỉ vì “nồi cơm” của những cơ sở này, vì công ăn việc làm của vài trăm hay vài ngàn cán bộ, giảng viên của những trường đang vơ vét thí sinh bằng mọi giá.
“Chúng ta không cố gắng đào tạo những gì chúng ta đang có. Đặc biệt bối cảnh kinh tế thay đổi mạnh. Phải thay đổi tư duy tiếp cận. Những năm trước các trường chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo và sở thích của học sinh để tuyển sinh. Nhưng hiện nay, ĐH phải đào tạo nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường lao động, thị trường cần gì thì phải điều chỉnh để đáp ứng” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Ông Lương Công Nhớ, Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải thì cho rằng, cần quy hoạch lại các trường đại học bởi thực tế một số trường đã “chết lâm sàng”. “Có thể nhập các trường không tuyển được người học vào các cơ sở đủ mạnh để có thể hỗ trợ được” - ông Nhớ nói.
Đúng vậy, với các trường đã “chết lâm sàng” phải cương quyết loại bỏ. Đừng chỉ vì “nồi cơm” của những cơ sở này, vì công ăn việc làm của vài trăm hay vài ngàn cán bộ, giảng viên của những trường đang vơ vét thí sinh bằng mọi giá mà cho phép họ tham gia sự nghiệp “trồng người” cao quý, đào tạo ra một nguồn nhân lực kém chất lượng, thậm chí làm hỏng cả một thế hệ!
Theo NGHIÊM HUÊ (TP)