Làm dâu xứ người
Ở Bình Ðịnh, có nhiều phụ nữ đã yêu và kết hôn với những người đàn ông ngoại quốc. Ðể có được hạnh phúc trọn vẹn, bên cạnh tình yêu thương, họ đã tìm cách hòa nhập về văn hóa, môi trường sống để tạo nên sự hòa hợp, đồng điệu giữa hai người và cả gia đình, cộng đồng ở xứ người.
1. Cách đây 3 năm, chị Nguyễn Thị Thúy Phượng, quê ở phường Đập Đá, TX An Nhơn vào học và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Vốn nhỏ nhắn, “đen như than”, lại có cá tính mạnh mẽ nên Phượng tự cho mình khó “lọt mắt xanh” của nam giới. Thế mà, tình cờ chị làm quen với một chàng trai ở Pháp khi kết bạn trên mạng. “Tình yêu sét đánh” diễn ra. 9 tháng sau, Phượng nhận lời cầu hôn và bay qua Pháp gặp gia đình người yêu, sau đó cả hai nên duyên vợ chồng.
Chị Nguyễn Thị Thúy Phượng cùng chồng và con gái tại Pháp. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cùng chồng về sinh sống tại thị trấn Inzinzac-Lochrist phía Tây Bắc nước Pháp, thuộc vùng Bretagne, chị lo lắng nhiều thứ, nào là văn hóa khác nhau, ngoại ngữ, môi trường… Và chưa kịp hòa hợp cuộc sống mới, Phượng đã làm mẹ. Song, chị may mắn khi ở riêng nhưng cha mẹ chồng lại ở gần đó. Phượng kể: “Mẹ chồng rất tâm lý. Bà biết tôi còn nhiều bỡ ngỡ, chồng đi làm cả ngày nên thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ tôi, chăm sóc tôi suốt thời gian thai ghén, sinh con như con ruột của bà. Cách sống của người Pháp khá độc lập và tôn trọng nhau. Bà giúp tôi mọi việc mà không hề phiền hà, phật ý gì cả. Hiện tại, tôi lo việc nhà, nội trợ, học thêm tiếng Pháp, học lái xe, trồng rau, hoa và làm bất cứ gì mình thích. Tôi thường xuyên cùng con qua nhà ông bà chơi. Mẹ chồng rất vui và quý mến vì tôi thường xuyên qua lại trò chuyện, ăn cơm và chăm sóc bà”.
Sau 2 năm, Phượng thích nghi khá tốt với môi trường sống mới. Vào mỗi cuộc gặp mặt với gia đình chồng, Phượng tự tin nấu các món ăn họ thích hoặc các món ăn Việt Nam như phở, bánh xèo… “Tôi thầm cảm ơn anh đã cho tôi cuộc sống mới đầy hạnh phúc và biết ơn gia đình chồng đã xem tôi như người thân trong nhà”.
2. Năm 2007, chị Hoàng Thủy, 36 tuổi, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, quen biết một kỹ sư người Nhật. Sau gần 1 năm gặp gỡ, họ làm đám cưới và chị Thủy “xuất giá tòng phu”. Gia đình chồng có tới 6 anh chị em nhưng chỉ có chồng Thủy ở cùng ba mẹ chồng. Vừa học tiếng Nhật, chị Thủy vừa phải học nội trợ, nấu ăn theo truyền thống của người Nhật suốt cả năm. Ba mẹ chồng của chị dù ngoài 70 tuổi vẫn đi làm. Còn chị phải dậy sớm lo cơm nước cho gia đình.
Lúc đầu, chị Thủy buồn vì ở nhà cả ngày và chỉ mong hết giờ làm để được đón mọi người trở về. Người Nhật ít thể hiện tình cảm ra bên ngoài. Khi ba mẹ và chồng về nhà, họ cũng chỉ hỏi han vài câu rồi việc ai người nấy làm, phòng ai người đó ở. Thủy thấy bức bối, cô đơn… Rồi chị quyết định bày tỏ mọi suy nghĩ với chồng. Anh đã trò chuyện và quan tâm đến vợ nhiều hơn. Vào những dịp cuối tuần, anh đưa chị đi chơi hoặc tổ chức các bữa tiệc dã ngoại cùng gia đình để mọi người hiểu nhau hơn. Vượt qua cú sốc, Thủy nhận ra rằng, mình phải trải lòng và quan tâm đến mọi người nhiều hơn thì mới đón nhận được tình cảm của gia đình nhà chồng.
3. Gặp và yêu một chàng trai người Đức, nhưng chị Nguyễn Thùy Dung, ở TP Quy Nhơn, chỉ biết tiếng Anh. Khi cùng chồng về Đức sống, chị vô cùng khó thích nghi với môi trường sống mới vì không thể học tiếng Đức. Dung kể: “Tôi vốn học không tốt môn ngoại ngữ, vốn tiếng Anh cũng chỉ đủ để nói chuyện với chồng, giờ phải học tiếng Đức đúng là cực kỳ khó khăn. Tôi không thể giao tiếp ở Đức”. Chồng của chị Dung thấu hiểu nỗi cô đơn, khó khăn của vợ khi hòa nhập với cuộc sống mới, nhưng vì công việc, anh phải đi làm suốt ngày. Khi con trai được hơn 2 tuổi, chồng chị đã nhờ mẹ đến ở cùng để hỗ trợ việc học tiếng Đức cho con dâu và cháu trai. Dung chia sẻ: “Cũng may mẹ chồng chịu khó chứ người Đức ít khi chịu ở chung với con cháu lắm. Bà lại vốn là giáo viên nên có phương pháp khi dạy ngôn ngữ cho tôi. Giờ con trai đã đi học mẫu giáo, tôi tìm được việc làm thêm cũng nhờ sự chịu khó của mẹ chồng”.
***
Với những cô gái đã tìm được hạnh phúc ở xứ lạ, họ phải vượt qua rất nhiều khó khăn: đó là nỗi nhớ nhà, tinh thần hòa nhập, tiếp nhận văn hóa mới. Họ vượt qua nỗi cô đơn nhờ may mắn tìm được tình yêu thương của chồng, sự thấu hiểu và chia sẻ của gia đình chồng để rồi tìm được tiếng nói chung và trở thành người vợ, người mẹ tốt. Thúy Phượng bộc bạch rằng: “Để vượt qua khủng hoảng bản thân, mỗi người vợ cũng phải hiểu rằng, chồng mình đang gánh vác vai trò mới là làm chồng, làm cha. Chồng tôi hiểu vợ hơn và đặc biệt tôn trọng khi thấy vợ không những chăm sóc gia đình một cách chu toàn, kèm con cái học bài, học tiếng Pháp mà còn tỉ mẩn, kiên trì dạy tiếng Việt cho con”. Giờ chị Phượng sắp có thêm đứa con thứ hai và đang kinh doanh thêm các mặt hàng mỹ phẩm, quần áo từ Pháp về Việt Nam. Đó là một niềm vui mới đối với chị và được gia đình chồng ủng hộ. Sự nghiệp của chị dù mới là những bước đi ban đầu nhưng cũng đã khẳng định về nỗ lực không ngừng của một phụ nữ trẻ khi làm vợ, làm dâu ở nước ngoài.
HẢI YẾN