Tổng kết năm học 2016-2017: Nhiều chuyển biến đáng mừng
Bất chấp khó khăn do 5 trận lũ lụt lớn gây ra vào cuối năm 2016, thầy và trò ngành GD&ÐT toàn tỉnh đã nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng dạy - học, đạt được những thành tích đáng khích lệ.
Nhiều tín hiệu tích cực
Năm học qua, ngành học mầm non đã duy trì, ổn định và nâng cao kết quả phổ cập, giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã đạt được trong năm học trước. Đồng thời đã quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ 3 - 4 tuổi bằng sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; tăng số lượng giáo viên mầm non và nâng cao trình độ đào tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; đổi mới, sáng tạo trong việc tổ chức hoạt động chăm sóc - giáo dục trẻ; xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Đình Thú trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho học sinh giỏi cấp quốc gia tại Lễ tuyên dương học sinh giỏi năm học 2016-2017. Ảnh: VĂN LƯU
“UBND tỉnh đã công nhận thêm 10 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Tổng số trẻ ra lớp là 64.363 (tăng trên 5.200 trẻ so với đầu năm học 2016-2017). Tỉ lệ trẻ ăn bán trú và học 2 buổi/ngày tăng khoảng 3% so với năm học trước” - báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 của Sở GD&ĐT nêu rõ.
Ở bậc tiểu học, công tác kiểm tra chuyên môn, kiểm tra nội bộ trong trường học được tăng cường. Các trường đã chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, hoạt động giáo dục. Bậc tiểu học đã khắc phục tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” bằng những giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là với học sinh có hoàn cảnh khó khăn (học sinh dân tộc thiểu số, trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ em khuyết tật).
Các trường tiểu học trong toàn tỉnh đẩy mạnh thêm một bước việc dạy các môn Ngoại ngữ và Tin học. Năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 241 trường tổ chức dạy ngoại ngữ với 2.585 lớp và gần 73.400 học sinh (so với năm học 2015-2016 tăng 4 trường, 61 lớp và gần 2.000 học sinh), trong đó triển khai dạy thí điểm Tiếng Anh theo chương trình mới (4 tiết/tuần theo Đề án ngoại ngữ) được 187 trường, 1.376 lớp, trên 37.900 học sinh.
Trước khai giảng năm 2017 - 2018, đến thăm các trường THCS, THPT từng ngập chìm trong nước lũ, chúng tôi thấy vui với cơ sở vật chất khang trang và nụ cười tươi tắn của học sinh vùng lũ. Cùng nhắc lại quãng thời gian đó, cô Dương Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Tuy Phước, chia sẻ: “Lúc đó là cuối học kỳ 1, học sinh trường này phải nghỉ học tránh lũ lụt hơn 20 ngày, bài vở “ngập đầu”. Lũ rút, thầy trò động viên nhau ráng dạy bù, học bù, dạy - học cả ban đêm cho kịp chương trình. Mừng là sau bao nỗ lực, tỉ lệ học sinh lớp 12 đỗ tốt nghiệp THPT là 97,35%, số đỗ vào đại học cũng cao hơn năm trước”.
“Năm qua, có rất nhiều khó khăn bất khả kháng - mà thiên tai là vấn đề nóng nhất. Mưa to, lũ lớn đẩy bao gia đình học sinh lâm vào cảnh khó khăn, nhưng nhờ tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ cùng sự vận động, hỗ trợ kịp thời về tinh thần lẫn vật chất mà tỉ lệ học sinh bỏ học trong năm học qua chỉ còn 0,41% (giảm 0,31% so với năm học trước), Phó Chánh Văn phòng phụ trách Sở GD&ĐT Nguyễn Xuân Trang vui mừng cho biết.
Tích cực đổi mới, sáng tạo
Năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT đã triển khai thực hiện kịp thời các quy định của Bộ GD&ĐT về chuẩn nghề nghiệp và chuẩn hiệu trưởng, tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
“Nổi bật là việc Sở đã phối hợp với Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh bồi dưỡng nghiệp vụ cho 100 cán bộ quản lý, cử 100 cán bộ quản lý học trung cấp lý luận chính trị, tổ chức bồi dưỡng đại trà các chuyên đề Bộ GD&ĐT đã mở qua hình thức tập trung và qua hệ thống trường học kết nối”, Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn trao đổi.
Trong năm học qua, một số trường trung học đã tổ chức thực hiện việc định hướng nghề nghiệp dưới các hình thức: tham quan các mô hình sản xuất kinh doanh tại địa phương, giao lưu với các nghệ nhân, doanh nhân… Một số trường tiểu học, THCS, THPT đã triển khai dạy thí điểm môn Toán bằng tiếng Anh. Nhiều trường đã vận dụng định dạng đề thi tiếng Anh theo chương trình của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.
Sở GD&ĐT đã đẩy mạnh thực hiện giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục. “Sở và các địa phương tích cực thực hiện kiên cố hóa trường lớp học bằng nhiều cách vận động sáng tạo các nguồn lực trong xã hội và đạt được những hiệu quả đáng khích lệ”, ông Tuấn chia sẻ.
NGỌC TÚ