Cuộc thi Sáng tác biểu trưng tỉnh Bình Ðịnh: Nhiều ý kiến tâm huyết
Xoay quanh Cuộc thi Sáng tác biểu trưng tỉnh Bình Ðịnh, trong khi một số cổng chính thức tiếp nhận góp ý chưa thật sự thu hút thì qua các kênh khác như mạng xã hội facebook, báo Bình Ðịnh, người dân rất quan tâm đến vấn đề trên. Báo Bình Ðịnh chọn lọc giới thiệu một số ý kiến tâm huyết.
Họa sĩ LÊ DUY KHANH (hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, sống ở TP Quy Nhơn)
Nên gia hạn Cuộc thi
Nhìn lại các cuộc thi biểu trưng của các tỉnh gần đây, thấy phần lớn các tỉnh đều có thời gian dành cho cuộc thi ít nhất là 1 năm. Ví dụ như Ninh Thuận, phát động thi từ 2015 đến nay, qua 2 lần gia hạn vẫn chưa công bố logo chính thức. Vĩnh Long cũng 2 lần gia hạn, Kon Tum tổ chức trong 4 năm với 2 lần gia hạn, Tiền Giang trong 5 năm với 2 lần phát động hay Ninh Bình, Lạng Sơn… đều gia hạn 2, 3 lần.
Bên cạnh đó, hầu như các tỉnh đều chọn đến 5 tác phẩm vào vòng 2, có tỉnh chọn đến 8 tác phẩm. Điều này cho thấy các tỉnh rất quan tâm đến chất lượng của biểu trưng.
Cuộc thi của tỉnh ta chỉ chọn được 2 tác phẩm vào vòng 2, đáng nói hơn là chất lượng không cao. Thời gian tổ chức ngắn, chỉ 6 tháng nên số lượng người tham gia không nhiều - có 119 tác phẩm của 68 tác giả. Điều này phần nào cho thấy cuộc thi của tỉnh ta đã không đạt về mặt tuyên truyền quảng bá. Chẳng lẽ chọn tạm một biểu trưng sử dụng trong thời gian 5 năm rồi tính tiếp?! Tôi nghĩ Ban Tổ chức nên gia hạn cuộc thi.
Ông TRẦN ĐÌNH TRẮC (giáo viên, 79 tuổi, ở TP Quy Nhơn)
Biểu trưng không nên là một bức tranh về lịch sử
Biểu trưng không nên là một bức tranh về lịch sử. Với 2 tác phẩm lọt vào chung kết Cuộc thi Sáng tác biểu trưng tỉnh Bình Định và đang được tổ chức trưng cầu góp ý, tôi cảm nhận trong đó gợi nhắc nhiều về lịch sử và chưa mang tính phổ quát, chưa phải là hình ảnh tiêu biểu, độc đáo nhất của Bình Định. Đó là chưa nói đến tính thẩm mỹ của hình ảnh cũng chưa thật sự đạt.
Tượng Vua Quang Trung cưỡi ngựa từ lâu và hiện nay khá phổ biến tại nhiều địa phương: Huế, Hà Tĩnh, Gia Lai, Hà Nội; và Bình Định là một trong những nơi gắn liền với sự nghiệp của vị anh hùng. Đó không phải là hình ảnh gợi lên điều tiêu biểu, độc đáo nhất của Bình Định. Hãy chắt lọc, lấy một cái đẹp, tiêu biểu và độc đáo của địa phương làm biểu trưng. Rồi từ sự gợi mở của biểu trưng và khi đặt chân đến xứ sở này, tất cả những yếu tố khác như về lịch sử, văn hóa… sẽ tiếp tục được mở ra với sự quan tâm của người muốn tìm hiểu, khám phá.
Cá nhân tôi chọn hình ảnh tháp Dương Long hay tháp Đôi. Đó là những công trình tuyệt mỹ từ đôi tay con người, là văn hóa, là nghệ thuật và mang tính vĩnh viễn.
Chị HUỲNH LỆ NHƯ (quê ở Bình Định, 33 tuổi, họa sĩ, đang sống tại TP Hồ Chí Minh)
Không nên trao giải cho những tác phẩm thiếu tính sáng tạo
Có lẽ trong tâm thức nhiều người Bình Định và cả những người ngoài tỉnh khi nghĩ đến Bình Định, hình ảnh Vua Quang Trung quá sâu đậm và hiện lên trước tiên? Việc tìm ra một biểu trưng cho Bình Định mà không có hình ảnh này là “bài toán khó” và nguy cơ không được chọn cao? Có lẽ vì vậy mà cả 2 tác phẩm vào chung kết đều lấy hình ảnh Vua Quang Trung cưỡi ngựa làm trung tâm.
Bên cạnh đó, đọc thông báo về thể lệ Cuộc thi, Ban Tổ chức có mở ngoặc đơn một câu: được phép sử dụng tượng đài Hoàng đế Quang Trung trong tác phẩm dự thi. Với người dự thi, vượt thoát ra khỏi một hình ảnh ăn sâu vào tiềm thức đã khó, lại được Ban Tổ chức “bật đèn xanh” như vậy, mà muốn tìm ra điều gì mới mẻ, sáng tạo còn khó hơn.
2 tác phẩm chung cuộc, xét về tạo hình, vẫn là những tác phẩm bình thường. Tính sáng tạo lại càng không, vì bản chất là sử dụng lại, tuy có thay đổi chút ít, hình ảnh đã có sẵn. Cá nhân tôi nghĩ nên gia hạn Cuộc thi và mời gọi người tham gia chất lượng hơn nữa, để tìm ra tác phẩm tốt.
Ðược phát động từ ngày 31.10.2016 đến 30.4.2017, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tác biểu trưng tỉnh Bình Ðịnh đã nhận được 119 tác phẩm của 68 tác giả. Cuộc thi đang đi vào chặng cuối, với việc thực hiện trưng cầu ý dân cho 2 tác phẩm lọt vào chung kết (báo Bình Ðịnh đã có bài). Hạn trưng cầu ý kiến đến cuối tháng 8.2017.
SAO LY (ghi)
Theo dõi những cuộc thi biểu tượng trong nước em nhận thấy nổi bật lên có mấy vấn đề như sau: - Chất lượng biểu tượng thấp, tham lam chi tiết vụn vặt và thiếu sáng tạo nếu như không muốn nói thẳng là nhiều biểu tượng được giải tư duy thiết kế rất ngớ ngẩn. - Tác giả những cuộc thi biểu tượng trong nước quanh đi quẩn lại một vài hội viên hội mỹ thuật các tỉnh. Hội đồng nghệ thuật là hội viên hội mỹ thuật ! Vì thế nên có nhiều đồn đoán về khả năng chuyên môn và tính khách quan của các cuộc thi này. - Những cuộc thi thiết kế biểu tượng ở nước ngoài thì lại khác. Giám khảo không biết thí sinh, trách nhiệm cao, chấm bài sát với đề thi nên không bao giờ có chuyện lọt những bài đề ra một đằng bài thi một nẻo. Nhiều bạn Việt Nam trong nước cũng đạt những giải thưởng này và tất nhiên, họ không bao giờ là hội viên hội mỹ thuật trong nước.