Nhớ cỏ
* Tạp bút của ĐÀO TẤN TRỰC
Tuổi thơ, đường tôi đến trường phải qua mấy quãng đồng trống. Từng vạt cỏ xanh vàng theo mùa rõ rệt. Mùa nắng, màu cỏ rầu rầu, đất bụi lấm lem. Mưa về, cỏ mơn mởn như nhung, đám cào cào, châu chấu tha hồ búng nhảy. Tôi biết, cỏ xanh hay vàng úa cũng là cỏ của đồng quê đất mẹ, vin phù sa đợi mùa tươi tốt. Rồi bao lớp xanh, tàn úa cứ dọc dài con đường một thời niên thiếu miên man khó tả.
Miền ký ức (sơn dầu). Tranh của LÊ VĂN DUY
Ngày đó, tôi học một buổi, một buổi giúp gia đình. Dù việc gì cũng không thoát khỏi cảnh ruộng đồng sông nước. Ðại loại như chăn bò cắt cỏ, hái rau hay tắm sông vượt đồng… Tuổi thơ làm không biết mệt, cứ ngong ngóng mau xong rồi chạy ù ra ruộng đá banh, thả diều. Có lúc mắt cứ nhìn sang nhà hàng xóm trông thật ngu ngơ, buồn cười.
Lớn hơn, việc học bắt tôi phải đi xa. Mỗi năm nhớ mấy cũng về thăm nhà có hai bận. Có năm, Tết còn phải ở lại quê người! Giữa thành thị đông đúc, đôi lúc tôi thảng thốt giật mình, “mình nhớ quê không” rồi cứ dằn lòng mà bảo “không” cho mạnh mẽ. Kỳ thực, quê hương như một người tình tạo ma lực có sức hút kỳ ảo kéo tôi phải về dù phía trước chưa biết ra sao. Bỏ bao cơ hội, bao bạn mới… tôi về quê đi dạy.
Học sinh trường tôi ở ngoại ô, hiền và dễ thương. Các em ở rải đều khắp các vùng từ sông nước bãi ngang, đồng bằng và miền núi. Sự đa dạng về hộ khẩu của học trò trong lớp như sự tương quan giữa tôi, phố và quê. Hằng ngày có em phải vượt gần 10 cây số đường dốc đến trường. Nhìn những giọt mồ hôi lăn trên đôi má, tôi nhớ và thương cho tuổi thơ vội vã của trò. Có em nhà ở đồng bằng, cha mẹ là công chức, ngày ngày được người thân đưa đón. Nhìn thế, tôi nhớ cái chất quê giữa lòng phố của mình trong những năm tôi vào phố. Dù phố hay quê, sông nước hay núi cao, khuôn mặt của các em lúc nào cũng sáng trưng, thông minh và lanh lợi.
Chợt nhớ đã lâu, có lần tôi ra đề cho học trò khối 12 làm văn với đề: Em có suy nghĩ gì trước hiện tượng “Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, loài hoa dại vẫn nở những chùm tuyệt đẹp”. Các em than thở. Thế mà khi chấm bài, đọc bài nào tôi cũng thấy có hồn, cảm động. Mỗi em cảm nhận một kiểu: loài hoa muống biển dễ thương trườn mình trên cát chịu nhiều nắng gió sương sa, những chùm hoa không tên không tuổi cũng bất chấp thời tiết vươn mình khoe sắc… Tất cả đều giống nhau ở sự vượt khắc nghiệt thiên nhiên, cho những chùm hoa tuyệt đẹp như các em vượt hoàn cảnh xa quê đặt chân vào trường đại học, thực hiện ước mơ ngày mai tươi sáng.
Từ ngôi trường cấp 3, các em tản ra khắp nơi trên đất nước. Có em mới vào Sài Gòn hôm trước hôm sau đã gọi điện í ới “Thầy ơi, Sài Gòn gì cũng có chuối, có dừa… như ở quê mình thầy ơi…”. Cảm động và chân tình nhất là thư của một em học trò từ một thành phố lớn gửi về cho tôi, trong thư có đoạn “Chủ nhật vừa rồi lớp em đi chơi, công viên thành phố đẹp lắm thầy à, cỏ xanh mướt một màu. Thầy biết không, thấy đám cỏ xanh kia, em nhớ mấy con bò ở nhà quá thầy ơi…”. Tôi thở dài và kêu trời: thật là một ý nghĩ dễ thương trên mức chân tình. Biết nói sao đây!
Một chiều hè không xa, tôi ngồi với mấy bạn văn bên bờ sông Sài Gòn. Nhìn cỏ mọc xanh tốt trên khoảnh đất trống cạnh quán, bạn tôi bảo nhớ tuổi thơ, nhớ cỏ, nhớ bò và nhớ cả đồng quê miền Trung hanh hao của những ngày xa lắc. Ý nghĩ thật đơn giản. Ký ức trong chúng tôi ùa về cũng ran rát như nắng gió miền Trung. Khoảng cách bốn người, bốn quê, bốn tuổi thơ khác nhau bỗng trở nên gần gũi. Giữa một quán lớn, bốn thằng chúng tôi “thi tài” kể chuyện. Người kể chăn trâu cắt cỏ, người câu cá bến sông, người bắt cào cào thấm nước bọt cho chim chìa vôi ăn để nhớ hơi chủ… Bữa nhậu tàn nhanh hơn câu chuyện. Hóa ra, bốn người bốn nơi gặp nhau và sôi nổi cũng bắt đầu từ chuyện của cỏ.
Cỏ tạo một màu xanh, cỏ ghi kỷ niệm, cỏ đánh thức con người trở về nơi núi rừng xanh thẳm, nơi chôn rau một thời xa xôi với biết bao điều đáng nhớ. Trảng cỏ xanh sẽ nói được những gì trong tâm hồn, bạn biết không!
Ð.T.T