Cổng làng xưa và nay
Ngày xưa, cổng làng là điểm trấn đường vào làng, ấn định không gian sống muôn thuở, khép kín, thể hiện nét đặc trưng của văn hóa làng. Giờ, cổng làng xưa đã hầu như mất hết, thay vào đó là những “cổng chào” ở các thôn, làng nghề.
Chỉ còn lại một cổng làng xưa
Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ duy nhất làng Vinh Thạnh (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) còn giữ được cổng làng tồn tại đã gần trăm năm. Nhiều du khách khi về thăm quê hương Đào Tấn đã dừng lại ngắm say mê cổng làng Vinh Thạnh - vốn được xây dựng từ năm 1918. Theo các cụ cao niên trong làng, Đào Tấn có công dạy học cho vua Khải Định, nên sau khi cụ mất, vua ban cho cổng làng Vinh Thạnh để ghi công.
Cổng làng Vinh Thạnh được người dân quan tâm gìn giữ gần 100 năm qua.
Cụ Trần Sáng, 80 tuổi, nhà ở sát cổng làng Vinh Thạnh, kể: “Ngày xưa, cổng chính thường chỉ dành cho các quan khi về thăm làng, cổng phụ hai bên để cho dân làng đi. Tiếc là hai cổng phụ đã bị phá hủy thời chiến tranh, nay chỉ còn lại cổng chính là di sản quý báu của làng. Khoảng 30 năm trước, được sự tài trợ của một Việt kiều là cháu cụ Đào Tấn, tôi có tay nghề nên được dân làng tin tưởng giao thực hiện việc sơn, đắp lại một số họa tiết trang trí trên cổng theo đúng nguyên gốc”.
Cổng làng Vinh Thạnh hiện nằm ở địa phận xóm Vinh Tây, thôn Vinh Thạnh 2. Đến năm 2007, người dân xóm Vinh Bắc, thôn Vinh Thạnh 2 cũng quyết định xây dựng cổng làng theo kiểu dáng giống như cổng làng Vinh Thạnh truyền thống. Ông Cao Văn Ngọc, Trưởng thôn Vinh Thạnh 2, cho biết: “Mỗi hộ dân trong làng tự nguyện đóng góp một ít, đồng thời vận động con em làm ăn thành đạt ở xa ủng hộ được gần 30 triệu đồng xây dựng cổng làng. Tuy tay nghề của người thợ ngày nay chỉ làm đạt được phần nào theo kiểu dáng cổng làng Vinh Thạnh, nhưng mọi người đều vui vì có cổng làng gần gũi, thể hiện được sự tiếp nối truyền thống”.
Làm tốt công tác bảo tồn văn hóa truyền thống như gìn giữ cổng làng là một trong những yếu tố quan trọng giúp thôn Vinh Thạnh 2 được công nhận danh hiệu thôn văn hóa cấp tỉnh từ năm 2004. Đây cũng là thôn văn hóa tiêu biểu giữ vững danh hiệu nhiều năm liền của huyện Tuy Phước.
Đủ kiểu cổng chào
Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư Việt Nam Hoàng Đạo Kính từng nói, cổng làng mang đậm ý nghĩa văn hóa, còn cổng chào lại mang tính thực dụng bình dân. Nhiều nơi biến cổng làng thành cổng chào bằng cách xây hai cái cột xi măng rồi cho quét một lớp vôi vội vã lên, trên gắn một cái biển bằng thiếc. Lại có nơi, người ta thay cổng làng bằng cách dựng lên đó cổng chào được lát đá hoa mà nhìn từ xa trông sáng loáng. Đó là thứ đá lát nhà, lát khu bếp, khu vệ sinh… Vì thế mà cái cổng cũng trở nên vô hồn, vô duyên...
Nhận xét chung này của giáo sư Hoàng Đạo Kính có những điều thật đúng khi “xét riêng” với tình trạng xây dựng cổng chào ở các thôn, làng trên địa bàn tỉnh. Nhiều năm trước, phổ biến loại cổng chào được dựng sơ sài với những cột sắt, gắn lên những tấm bảng thiếc với chức năng chính mang tính chất “thông báo” đã đăng ký hoặc được công nhận danh hiệu thôn văn hóa. Vài năm gần đây, nhiều cổng chào ở các thôn văn hóa đã được xây dựng đẹp hơn theo kiểu dáng khá giống nhau. Hai trụ bê tông được cách điệu hình lá cờ đỏ sao vàng, tấm bê tông phía trên cũng có hai đầu cờ đỏ sao vàng, được cách điệu lượn sóng để mềm mại hơn khi chuyển tải thông tin.
Một số thôn lại xây dựng cổng chào hoành tráng theo kiểu “tân cổ giao duyên”, phía trên mái lợp ngói âm dương theo kiến trúc truyền thống, nhưng hai cột phía dưới được lát gạch granite “cho sang” dù nằm trên đường đi bụi bặm. Một trong những cổng chào như thế có thể bắt gặp ở thôn Hòa Dõng (xã Cát Tân, huyện Phù Cát). Điều đáng nói là thông tin ở mặt trước cổng chào chỉ là dòng chữ đắp nổi bê tông “Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, mặt sau là dòng chữ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chứ không có thông tin gì về thôn.
Ông Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng thôn Hòa Dõng, lý giải: “Hòa Dõng được chọn làm thí điểm đầu tiên trong xã Cát Tân làm cổng chào hoành tráng nằm gần quốc lộ, có trục đường giao thông chính dẫn đi các thôn khác. Việc thiết kế, kinh phí xây dựng cổng chào nghe nói khoảng hơn 80 triệu đồng do UBND xã đầu tư. Do vị trí đặt cổng chào nằm ở đoạn giữa chứ không phải ở vị trí đầu nên không để tên thôn Hòa Dõng”.
Trong khi đó, các cổng làng nghề được xây dựng ở nhiều nơi cũng còn một số điểm cần bàn. Ngay tại thị xã An Nhơn, cổng làng nghề truyền thống nón lá Gò Găng được xây dựng hoành tráng, cột ốp đá granite, mái lợp ngói âm dương theo kiểu truyền thống và chính giữa lại đặt hình quốc huy bằng bê tông(?). Cũng xây dựng với kiểu dáng tương tự và có hình quốc huy trên mái là cổng làng nghề trồng mai cảnh Háo Đức. Các làng nghề bún tươi Ngãi Chánh, làng nghề rèn Tây Phương Danh, làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu có thiết kế na ná nhau, không thể hiện được nhiều tính mỹ thuật và bản sắc riêng trong văn hóa truyền thống làng nghề.
HOÀI THU