Giảm khoảng cách về giới trong lĩnh vực lao động, việc làm: Tạo vị thế mới cho phụ nữ
Thay đổi quan niệm của phụ nữ và số đông về giá trị của sự độc lập, tự chủ về kinh tế, xóa dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực lao động, việc làm là một trong nhiều giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới. Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ nữ giới, nhất là phụ nữ nông thôn, vùng sâu vùng xa trong lao động việc làm đã được triển khai.
Thông qua chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhiều lao động nữ trở thành chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ.
- Trong ảnh: Lao động học nghề may tại Trung tâm GDNN - GDTX An Nhơn.
Hỗ trợ giới nữ trong tạo việc làm
Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, giai đoạn 2011- 2015, toàn tỉnh đã tư vấn, tuyên truyền việc làm bình quân mỗi năm được khoảng 23.540 người; giới thiệu việc làm và cung ứng lao động khoảng 4.095 người. Trong đó, tỉ lệ cân bằng nam nữ trong tổng số người được tạo việc làm mới mỗi năm duy trì từ 50%.
Hoạt động dạy nghề cũng được đầu tư, hướng đến các đối tượng lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, lao động hộ nghèo, lao động nữ. Bình quân mỗi năm tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng nghề được gần 25.000 người; tỉ lệ lao động nữ khoảng 40%. Trong 2 năm 2016, 2017, tỉ lệ lao động nữ được hỗ trợ dạy nghề trong tổng số lao động nữ trên địa bàn chiếm tỉ lệ 37,7%.
Thông qua chính sách hỗ trợ trong dạy nghề và tạo việc làm, nhiều lao động nữ đã trở thành chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương, góp phần tạo việc làm cho nhiều người khác.
Cơ sở may gia công tại gia của chị Trương Thị Mỹ Tú (41 tuổi, ở thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) là một ví dụ. Từ một tiểu thương buôn bán quần áo, chị Tú đăng ký học nghề may rồi mạnh dạn xây dựng cơ sở riêng. Sau một năm thành lập, cơ sở của chị Tú đã xây dựng được mối quan hệ đáng tin cậy với bạn hàng, tạo việc làm cho trên 10 lao động nữ.
Cùng với đó, tỉ lệ chủ hộ là nữ được vay vốn giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo chiếm khoảng 60% tổng số hộ được vay. Thông qua kênh tín dụng ưu đãi, nhiều nữ chủ hộ đã được “tiếp sức” trong cuộc chiến vực dậy kinh tế gia đình, nuôi dạy các con trưởng thành. Được hỗ trợ vay vốn hộ cận nghèo 20 triệu đồng, chị Lê Thị Mỹ Lành (41 tuổi, ở thôn Thọ Nghĩa, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) đầu tư vào trồng rau trên 6 sào đất vườn. Sau 3 năm chăm chỉ làm việc, vợ chồng chị đã trang trải một phần nợ nần, bước đầu cải thiện kinh tế gia đình.
Tăng cường sự tiếp cận của nữ giới
Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.
Theo đó, đề ra các chỉ tiêu cụ thể như: bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới trong tổng số người được tạo việc làm mới; tỉ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt từ 35% trở lên vào năm 2020; tỉ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 50% vào năm 2020; 100% lao động nữ ở vùng nông thôn, dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức vào năm 2020.
Nhiều giải pháp đã được triển khai như: phát huy có hiệu quả sàn giao dịch việc làm, các điểm giao dịch vệ tinh nhằm giảm chi phí tiếp cận việc làm và thời gian; thực hiện các biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của nữ giới và nam giới tham gia bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp, nhất là nhóm dễ bị tổn thương (lao động di cư, lao động nghèo ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số).
Đồng thời, bảo đảm các điều kiện để phụ nữ được tiếp cận đầy đủ các nguồn lực kinh tế như đất canh tác, vốn tín dụng, thông tin thị trường, thông tin về luật pháp, chính sách; bình đẳng về cơ hội tham gia sản xuất kinh doanh; khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, phát huy vai trò của Hội Nữ Doanh nhân. Mặt khác, có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là cơ sở thu hút nhiều lao động nữ; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các chính sách đối với lao động nữ...
“Một điểm quan trọng nữa là cần tuyên truyền, giáo dục chuyển đổi nhận thức và tư duy cho chính phụ nữ và những người xung quanh về giá trị của sự độc lập, tự chủ về kinh tế, xóa bỏ tư tưởng và quan niệm phụ nữ trong gia đình chỉ làm việc nội trợ, chăm con. Từ đó, phụ nữ mới có thể mạnh dạn, chủ động tạo chỗ đứng trong lĩnh vực lao động, việc làm, đóng góp cho sự phát triển của gia đình, đất nước và thực hiện bình đẳng giới”, bà Lê Thị Vinh Hương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ.
NGUYỄN MUỘI