Cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa: Mong được giám định lại thương tật
Sau nhiều lần bị vết thương cũ hành hạ, cựu binh Lê Minh Thoa (49 tuổi, ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) từng tham gia Chiến dịch CQ-88 chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) vào năm 1988, đi tái khám và phát hiện vẫn còn một số mảnh đạn trên người. Thế nhưng dù mất rất nhiều thời gian, công sức đi lại giữa đơn vị cũ và chính quyền địa phương đề nghị giám định lại thương tật để hưởng chế độ thương binh, đến nay ông Thoa vẫn chưa được giải quyết.
Mong giám định lại kết quả thương tật
Ông Lê Minh Thoa nhập ngũ vào tháng 2.1985, sau khi huấn luyện tân binh được biên chế về Hải đội 1, Lữ đoàn 125 Hải quân Nhân dân Việt Nam. Đầu năm 1988, ông được tăng cường sang tàu HQ 604 làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Tối 13.3.1988, các chiến sĩ tàu HQ 604 đã xây dựng, đặt mốc, cắm cờ Tổ quốc và cử một nhóm chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác trên đảo Gạc Ma. Rạng sáng ngày 14.3.1988, Trung Quốc dùng vũ lực tấn công vào đảo và bắn chìm tàu HQ 604.
Cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa trình bày nguyện vọng mong muốn được giám định thương tật.
Khi tàu HQ 604 bị chìm, ông Thoa thoát ra ngoài và bị cháy bỏng ở lưng, trúng nhiều vết đạn trên người. Lênh đênh trên biển gần một ngày, ông Thoa cùng với 8 đồng đội ở các tàu HQ 605, HQ 505 bị Trung Quốc bắt, tra tấn, giam giữ tại đảo Lôi Châu (Trung Quốc) suốt 3 năm 7 tháng mới được trả về Việt Nam. Sau thời gian an dưỡng, ông Thoa tiếp tục phục vụ trong trạm sửa chữa của Phòng kỹ thuật Lữ đoàn 125 Hải quân. Tháng 11.1996, do sức khỏe suy giảm, ông ra quân với quân hàm trung úy. Cuối năm 2013, sau nhiều lần bị vết thương cũ hành hạ, ông đi tái khám, bác sĩ phát hiện vẫn còn mảnh đạn ở trên đầu và bả vai. Mất rất nhiều thời gian, công sức đi lại giữa đơn vị cũ và chính quyền địa phương để xin giám định lại thương tật, tuy nhiên đến nay, nguyện vọng của ông Thoa vẫn còn dang dở.
Ông Lê Minh Thoa cho biết: “Tôi tham gia quân đội 12 năm, nhưng hiện tại tôi chỉ nhận chế độ tù đày 791 ngàn đồng/tháng. Lần khám sức khỏe mới đây, bác sĩ phát hiện thêm 2 mảnh đạn còn găm trong người tôi (ở đầu và bả vai), luôn hành hạ, khiến tôi đau nhức. Trước đây, có lẽ do máy móc chưa hiện đại nên không phát hiện được những vết thương này, khi làm hồ sơ giám định lúc ấy chỉ xác nhận thương tật 11%, chế độ chỉ nhận 1 lần. Tôi rất muốn đi giám định lại kết quả thương tật của mình”.
Chờ đến bao giờ?
Trao đổi vấn đề trên, ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho rằng: “Hồ sơ bệnh án ban đầu của ông Lê Minh Thoa không thể hiện có vết thương (mảnh đạn - PV) ở bả vai trái và ở đầu. Sau này, ông Thoa đi khám thì mới phát hiện còn sót 2 vết thương này. Nhưng, các vết thương đó không phải giám định sót, mà hồi đó chưa phát hiện được. Song cái khó hiện nay, chưa có quy định cụ thể để giải quyết vấn đề này.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Người có công Sở LĐ-TB&XH, cho biết thêm: Trường hợp ông Thoa trong lúc làm nhiệm vụ chiến đấu xây dựng, bảo vệ đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa) bị thương và sau đó bị Trung Quốc bắt. Đến tháng 8.1991, ông Thoa được Trung Quốc trao trả về Việt Nam và được Bộ Tư lệnh Hải quân xác lập hồ sơ cấp chứng nhận bị thương (ngày 3.1.1992) với 3 vết thương (gồm mắt cá chân phải, bỏng lưng và gãy 2 răng) được Hội đồng giám định Y khoa của Bộ Tư lệnh Hải quân xác định tỉ lệ thương tật 11%. Theo giấy xác định thương tật số 05 ngày 6.1.1992, ông Thoa được hưởng chế độ 1 lần theo Quyết định số 05/QĐ ngày 14.1.1992 của Lữ đoàn 125. Sau đó, ông Thoa có làm đơn đề nghị giám định vết thương còn sót. Trường hợp này, ngày 10.5.2016, Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản số 953/SLĐ-TB&XH-NCC gửi Cục Người có công của Bộ LĐ-TB&XH để xin ý kiến giám định lại vết thương còn sót, nhưng đến nay, Bộ LĐ-TB&XH chưa có văn bản trả lời.
Cũng theo ông Thắng, theo Thông tư 925 về hướng dẫn giám định vết thương còn sót và hướng dẫn của Cục Người có công có ghi “vết thương còn sót là những vết thương có ghi trong Giấy chứng nhận bị thương, nhưng giám định còn sót hoặc vết thương đó đã giám định rồi, nhưng chưa có kết luận trong biên bản giám định thì được giám định bổ sung. Trường hợp ông Thoa, kết quả chụp phim có ghi nhận còn sót 2 mảnh đạn ở bả vai trái và đầu, nhưng 2 vết thương đó không có ghi cụ thể trong giấy chứng nhận bị thương được Hội đồng giám định Y khoa của Bộ Tư lệnh Hải quân xác định. Do đó, Sở LĐ-TB&XH phải gởi văn bản ra Trung ương để xin ý kiến”.
Thế nhưng, theo Khoản 3, Điều 30 Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9.4.2013 Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, nêu rõ: “Người bị thương đã giám định thương tật nhưng còn sót vết thương chưa giám định thì được giám định bổ sung và tổng hợp tỉ lệ suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ ưu đãi”.
Ông Lê Minh Thoa chia sẻ: “Tôi rất mong được giám định lại thương tật. Còn nếu không được thì đề nghị các cơ quan liên quan có văn bản trả lời chính thức để tôi không phải mất nhiều thời gian, công sức đeo đuổi việc này”.
TRỌNG LỢI