Sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập: Hướng đến tinh gọn, hiệu quả
Sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là yêu cầu tất yếu hiện nay. Ðể đạt được yêu cầu này, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của các tập thể, cá nhân được giao nhiệm vụ, từ đó đảm bảo hiệu quả cao nhất trong quá trình thực hiện.
Có thể giải thể đơn vị hoạt động không hiệu quả
Theo Kế hoạch sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) do UBND tỉnh ban hành, hoạt động rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, số lượng người làm việc, tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính sẽ được thực hiện trong tất cả các đơn vị SNCL trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đó là các sở, ban, ngành có đơn vị SNCL; các đơn vị SNCL trực thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các trung tâm dạy nghề trực thuộc Tỉnh đoàn, Hội Nông dân tỉnh, Hội LHPN tỉnh, LĐLĐ tỉnh.
Các trung tâm dạy nghề trực thuộc Tỉnh đoàn, Hội Nông dân tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh là đối tượng rà soát, sắp xếp để tinh gọn các đơn vị SNCL.
- Trong ảnh: Hoạt động truyền thông tư vấn hướng nghiệp với chủ đề “Hiểu mình - Hiểu nghề - Sáng tương lai” của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giới thiệu việc làm Thanh niên (trực thuộc Tỉnh đoàn).
Mục đích là sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, số lượng người làm việc, tự chủ tài chính trong tất cả các đơn vị SNCL trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, thật sự hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Từ đó, tăng cường phân cấp và thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về tổ chức bộ máy, thực hiện nhiệm vụ, nhân sự, tài chính; đẩy mạnh xã hội hóa, giảm chi ngân sách nhà nước.
Để đạt được mục đích đó, phương án tổ chức được đề ra là nghiên cứu đề xuất phương án sáp nhập các phòng, ban chuyên môn trong cùng một đơn vị; sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp trực thuộc nếu có nhiều chức năng, nhiệm vụ giống nhau để giảm đầu mối, thuận lợi trong công tác chỉ đạo điều hành và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đối với những đơn vị hoạt động không hiệu quả, những đơn vị còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ thì đề xuất phương án giải thể hoặc sáp nhập, tổ chức lại trong toàn ngành, địa phương hoặc chuyển giao những nhiệm vụ mà doanh nghiệp hoặc thành phần kinh tế khác thực hiện có hiệu quả hơn, phù hợp với quy định của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương.
Đối với đơn vị sự nghiệp hoạt động có hiệu quả, có chiều hướng phát triển bền vững thì giữ mô hình tổ chức hiện tại. Đồng thời đẩy mạnh tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính để chuyển thành công ty cổ phần theo quy định.
Khẩn trương, trách nhiệm
Để thực hiện kế hoạch này, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị SNCL. Theo đó, Tổ công tác có 9 thành viên, do Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trịnh Xuân Long làm tổ trưởng. Ông Trịnh Xuân Long cho hay, Tổ công tác đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đồng thời, phối hợp, hướng dẫn các sở, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai việc rà soát, xây dựng Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị SNCL.
“Quá trình triển khai phải đảm bảo nội dung và thời gian theo quy định. Tuy nhiên, bên cạnh tiến độ, nhiều yêu cầu khác phải được quan tâm. Trong quá trình rà soát, sắp xếp không được làm ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị. Mặt khác, việc giải quyết chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động sau khi sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy, biên chế phải đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi cho người lao động”, ông Long nhấn mạnh.
Rõ ràng, việc sáp nhập, hợp nhất, đặc biệt là giải thể các đơn vị SNCL không hề đơn giản. Một trong những cơ sở quan trọng để quyết định sáp nhập hay giải thể là hiệu quả hoạt động thực tế của từng đơn vị, nhưng quá trình đánh giá sẽ có nhiều khó khăn, cần “định lượng” cụ thể chứ không “định tính” chung chung. Bên cạnh đó, hoạt động sắp xếp, tinh gọn bộ máy ít nhiều sẽ đụng chạm đến quyền lợi, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của lãnh đạo, cán bộ, viên chức của các đơn vị. Do đó, quá trình triển khai không thể nóng vội, mà cần những bước đi cụ thể, chặt chẽ, hợp lý.
Mạng lưới y tế dự phòng được tinh gọn
Tại Kỳ họp thứ 4 được tổ chức giữa tháng 7.2017, HÐND tỉnh khóa XII đã thông qua Nghị quyết về Ban hành Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Bình Ðịnh đến năm 2025 (điều chỉnh, bổ sung). Một trong những nội dung quan trọng của Quy hoạch này là củng cố và phát triển mạng lưới y tế dự phòng. Theo đó, thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất các đơn vị: TTYT Dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh. Bên cạnh đó, sẽ sáp nhập Trung tâm Da liễu tỉnh về BVÐK tỉnh để thành lập mới khoa Da liễu tại bệnh viện này.
NGUYỄN VĂN TRANG