Khi ta ký thác, gởi gắm ước mơ
Ðông - cháu tôi là một đứa ngoan, hiền, học giỏi. Cũng vì cháu ngoan quá nên vừa rồi, khi trò chuyện vui vẻ, tôi hỏi cháu: Chú nghe nói, con quyết định chọn học đại học Y-Dược hả? Ðông vui vẻ đáp: Dạ! Tôi liền hỏi tiếp: Thế đó là ước muốn của con hay là của ba mẹ vậy?
…Ngày xưa, anh tôi - tức là ba của Ðông - cũng có tiếng là học giỏi. Ngay từ nhỏ, anh tôi đã biết cha tôi ao ước có người nối nghiệp. Phải nói là ao ước bởi trước anh tôi, các anh chị lớn hơn đều không có thiên hướng này. Và anh tôi quyết chí làm cho ba mình vui. Trong những năm tháng là học sinh phổ thông, dần dần anh càng lúc càng thêm yêu hình ảnh, công việc của người thầy thuốc. Nhưng anh tôi không đỗ vào trường Y. Sau mấy lần thi không đậu, anh tôi chuyển ngành và lập tức đậu ngay. Hiếm có ai đậu đại học mà lại buồn như anh ấy, tôi còn nhớ vậy!
- Dạ, con biết chuyện này. Con cũng vậy, ban đầu con cũng muốn hướng việc học của con như ý ba muốn, để ba mẹ vui, ông nội thỏa nguyện. Nhưng rồi sau mấy lần bị đau, khi đi khám bệnh, điều trị, tự nhiên con thích làm thầy thuốc. Bây giờ, trước tiên, đó - là - ước - mơ - của - con! - Ðông vui vẻ đáp.
Ðại học Y - Dược là trường danh giá. Nghề thầy thuốc là nghề được cả xã hội tôn vinh. Dù hết sức tin vào điều này nhưng anh Thanh - bạn tôi - lại rất muốn con mình trở thành một chuyên gia công nghệ thông tin. Kết quả thi cử của con trai anh, đủ điều kiện để cháu lựa chọn bất cứ trường đại học nào cháu muốn. Khổ nỗi, cháu cũng thích và lấn cấn giữa Y-Dược và Công nghệ thông tin. Phía ủng hộ cháu học Y-Dược gồm cả hai bên nội ngoại và đặc biệt là mẹ cháu. Phía còn lại chỉ có mỗi bạn tôi - anh Thanh. Sau khi tham vấn bố, “ông con” vui vẻ “chống” lại cả họ để đi học Công nghệ thông tin.
Anh Thanh nói với tôi: Mình muốn thì muốn vậy. Nhưng quyết định vẫn là của con cái. Thằng bé sống sôi nổi, thích khám phá và giữ vai trò tiên phong, lại có khả năng làm việc nhóm rất tốt. Nó thấy lập luận của mình là có lý nên nó không chọn nghề thầy thuốc. Thế rồi…
- Rồi sao? Nó thấy không hợp với lĩnh vực ấy hả anh? - tôi hỏi vội.
- Hợp chứ. Nhưng có lẽ khác với phương Tây, dân Á Ðông mình khi ra quyết định cá nhân thường tính cả vào đó những dữ kiện của gia đình, dòng tộc, thầy cô, bạn bè… Tức là làm sao cho hài hòa giữa nhu cầu cá nhân với những người họ thương yêu. Thằng bé sau một thời gian đã rút lại và dứt khoát học Y-Dược. Thôi thì khỏi nói, không chỉ mẹ nó mà cả chú bác cô dì cùng vui cứ như thể chính họ đi học ấy!
- Thế anh, anh có buồn không?
- Không. Mình vui! Rất vui nữa là khác, bởi tất cả đều là quyết định của thằng bé chứ không phải của người khác. Vả lại vốn nó thích cả hai mà!
Ông bà, cha mẹ thường ký thác, gởi gắm ước mơ không thực hiện được của mình vào con cháu. Ðiều này không có gì là sai, nhưng rất cần tính đến nhiều yếu tố liên quan, như: đầu tiên là năng lực, thứ đến là thiên hướng, tố chất, kế tiếp là điều kiện, môi trường… Một số thường định hướng cứng rắn từ đầu; số khác lại tạo sức ép bằng nhiều nguồn, nhiều cách thức mà ít quan tâm đến chủ thể then chốt - người đi học!
Khi vạch lộ trình tương lai cho con cháu, không ít người đã cố định thay vì tính đến yếu tố phù hợp, cách thức uyển chuyển, cập nhật. Và cả các bạn trẻ nữa, có một điều các bạn nên nhớ: Ngay cả khi sai lầm mà đó là do quyết định của ta thì vị đắng sai lầm cũng dễ chịu hơn là sai lầm bởi quyết định của người khác, dù có thân thiết đến mấy. Thế nên, hãy chọn làm sao để quyết định đó là của chính mình!
Ð.A