Lên đỉnh Olympia rồi các em đi đâu?
Đường lên đỉnh Olympia đã trải qua mùa thứ 17, thế nhưng có tới 13 quán quân đi du học nước ngoài và không trở về nước.
Lại một mùa Đường lên đỉnh Olympia kết thúc. Chúng ta đã tìm được nhà vô địch Olympia năm thứ 17 – Phan Đăng Nhật Minh, học sinh ở Hải Lăng, Quảng Trị.
Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 17
Sau không khí cuồng nhiệt, những phút giây hồi hộp “đứng tim” dõi theo các phần thi, người xem vỡ òa hạnh phúc vì chương trình đã tìm ra chủ nhân vòng nguyệt quế vô cùng xứng đáng. Nhưng rồi ngay sau đó, nhiều người đã phải trùng lòng khi nghĩ “các em đi du học rồi có về nước để làm việc đâu!”.
Đến nay, Olympia đã trải qua mùa thứ 17, thế nhưng có tới 13 quán quân đi du học nước ngoài và không trở về nước. Số còn lại hiện còn đang học tập nên cũng chưa biết các em có trở về hay không. Còn em Nhật Minh, khi được hỏi em có trở về nước làm việc không, em đã rất thông minh nói rằng, “Để tương lai trả lời”. Vậy là chúng ta cũng không dám chắc, vài năm nữa, quán quân Olympia năm thứ 17 sẽ trở về đầu quân xây dựng đất nước.
Quán quân Olympia được nhận một suất học bổng 35.000 USD, một khoản tiền lớn mà không phải em nào học giỏi cũng có thể sở hữu để thực hiện ước mơ của mình. Nhưng để đào tạo được một người có tài tới mức các quốc gia khác phải nhòm ngó thì đó lại chỉ là một khoản rất nhỏ trước mắt. Khối óc, tài năng của các em mới là gia tài khổng lồ mà bất kỳ người khổng lồ nào trên thế giới cũng muốn có được.
Một sân chơi trí tuệ đã giúp chúng ta tìm được những học sinh có tài năng, thông minh. Nhưng cũng chính từ sân chơi này, người tài của chúng ta công khai bị lôi kéo mà tất cả chỉ biết đứng nhìn không biết phải làm gì. Bởi lẽ, chính sách đào tạo, giáo dục, đến đãi ngộ, chiêu mộ nhân tài của chúng ta còn kém, môi trường làm việc không đáp ứng được yêu cầu phát triển của các em. Chính vì thế, việc các em đi du học và tìm hướng đi khác cho mình là điều dễ hiểu.
Đã có những người sẵn sàng bỏ tiền nộp phạt vì sau khi sử dụng học bổng của Nhà nước du học nước ngoài rồi không trở về làm việc như cam kết ban đầu. Những câu chuyện như vậy đã gióng lên hồi chuông về nạn chảy máu chất xám, thế nhưng nhiều khi quan hệ thân hữu trong việc tuyển dụng, xử lý công việc đã đẩy lùi mọi giá trị đích thực. Cơ chế ấy đã khiến nhiều người có tài, có năng lực không muốn ở lại cơ quan Nhà nước để cống hiến, làm việc bởi họ không nhìn thấy cơ hội của mình hoặc môi trường làm việc không phù hợp. Chúng ta đã thẳng thắn chỉ ra một sự thật là đội ngũ nhân lực trong hệ thống các cơ quan Nhà nước rất hùng hậu, cồng kềnh nhưng hiệu quả công việc lại yếu kém. Nhiều cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, hay sách nhiễu, vòi vĩnh, làm khó doanh nghiệp và người dân; cản trở sự phát triển của xã hội.
Môi trường làm việc mà ở đó tất cả cứ “bình bình” trôi qua, nếu có ai đó cấp tiến, muốn bứt phá thì lập tức bị giật trở lại, thậm chí bị trù úm… Nhiều người sau bao năm gắn bó với các cơ quan nhà nước đã bỏ ra ngoài làm việc cho tư nhân, DN FDI hay các tổ chức nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ… Tại đây, họ lại là những hạt nhân quan trọng, và nhiều khi được trọng dụng thành cố vấn cao cấp.
Đó là chưa kể, nhiều nơi, nhiều lúc, cách bổ nhiệm người lãnh đạo đơn vị vẫn theo kiểu “quan hệ, tiền tệ” và trí tuệ thì đứng sau cùng, hoặc “sống lâu lên lão làng”. Thực tế này đã tạo ra nhiều bất mãn, trì trệ, khiến người có tài năng không “có đất dụng võ”, không phát huy được năng lực, sở trường của mình...
Nhiều người tài vẫn đau đáu nỗi niềm với quê hương, đất nước. Họ mong, môi trường làm việc của chúng ta cải thiện sâu sắc để mỗi quán quân Olympia hôm nay hừng hực lên đường du học nhưng vẫn mang quyết tâm trở về quê hương để làm việc, cống hiến.
Theo Vũ Hạnh (VOV)