Xã Cát Khánh (Phù Cát): Chú trọng phòng, chống cháy nổ trên tàu cá
Cảng cá Ðề Gi (Cát Khánh, Phù Cát) có lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản cập bến mỗi ngày khá lớn, từ 80 đến 120 lượt. Do đó, công tác phòng chống cháy nổ luôn được địa phương và Ðồn biên phòng Ðề Gi - đơn vị đóng quân trên địa bàn - đặt lên hàng đầu.
Cảng cá Đề Gi có lượng tàu thuyền cập bến mỗi ngày khá lớn, do đó đòi hỏi công tác phòng cháy chữa cháy luôn phải đặt lên hàng đầu.
- Trong ảnh: Tàu thuyền cập bến tại Cảng cá Đề Gi.
Trên hành trình đi biển dài ngày, mỗi tàu, thuyền đánh cá được ví như một ngôi nhà thu nhỏ với đầy đủ vật dụng sinh hoạt hàng ngày như bình ga, dầu chạy máy, ngư lưới cụ, bình ắc quy, hệ thống dây dẫn điện… Đối với các tàu, thuyền vỏ gỗ, việc chứa nhiều thiết bị, đồ dùng nhưng không được sắp xếp, bố trí hợp lý khiến nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao. Thế nhưng, một điều “lạ” là ngư dân ở đây lại có quan niệm để áo phao hay bình chữa cháy trên tàu là không may mắn nên hầu như không trang bị các phương tiện này. Một ngư dân biện minh: “Nếu lỡ xảy ra cháy nổ trên tàu, chỉ việc hất nước từ hai bên mạn thuyền lên là dập được ngay”. Bởi vậy, nhiều chủ tàu, thuyền mua sắm thiết bị phòng chống cháy nổ cũng chỉ nhằm đối phó với các cơ quan chức năng.
Để dần thay đổi nếp nghĩ, thói quen sinh hoạt không phù hợp của ngư dân, UBND xã Cát Khánh đã phối hợp với Đồn biên phòng Đề Gi tăng cường lực lượng và thời gian, tổ chức tuyên truyền cho ngư dân hiểu lợi ích của việc trang bị các phương tiện phòng, chống cháy nổ trên tàu. Ngoài phát tờ rơi, tuyên truyền thông qua các cuộc họp dân ở khu dân cư, cán bộ xã và bộ đội biên phòng đã gặp gỡ, trao đổi với ngư dân về các biện pháp phòng chống cháy nổ sau mỗi chuyến biển hoặc kỳ nghỉ trăng. Nhờ đó, nhiều thuyền trưởng, chủ tàu đã có ý thức phòng chống cháy nổ và chủ động, tự giác chấp hành các quy định an toàn trước khi ra khơi.
Ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết: “Thời gian qua, chính quyền địa phương đã phối hợp với Đồn biên phòng Đề Gi tiến hành kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy trên tàu, nhằm nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy của chủ tàu và ngư dân; yêu cầu chủ tàu trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn trước khi ra khơi. Ngoài ra, chúng tôi còn tham mưu cho UBND huyện phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC số 3 (thuộc Cảnh sát PC và CC tỉnh) tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy cho chủ tàu và ngư dân, góp phần cho mỗi chuyến ra khơi và trở về của ngư dân luôn an toàn”.
THẾ HÀ- VĂN THÝ