Quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh: Nhiều lỗ hổng!
Lỏng lẻo trong thủ tục quản lý đất, để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng kéo dài, không thực hiện nghiêm nghĩa vụ tài chính về đất… Công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh của các công ty lâm nghiệp thật sự “có vấn đề”.
Thanh tra tỉnh vừa kết thúc đợt thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2008-2016 do các công ty lâm nghiệp quản lý. Qua thanh tra, nhiều lỗ hổng đã được chỉ rõ.
Sản xuất cây giống lâm nghiệp tại vườn ươm của Công ty Sông Kôn. Ảnh: XUÂN DŨNG
Quản lý sơ hở, lãng phí đất
Theo kết luận thanh tra, Công ty TNHH Lâm nghiệp (sau đây gọi tắt là Công ty) Hà Thanh, Công ty Sông Kôn nhận bàn giao sau khi chia tách Lâm trường Hà Thanh, Lâm trường Sông Kôn nhưng vẫn chưa làm thủ tục cấp lại quyền sử dụng đất, chưa làm thủ tục đăng ký biến động về diện tích sử dụng đất, tên chủ sử dụng đất cho phù hợp với hiện trạng sử dụng. Tình trạng này kéo dài đến nay ngót nghét đã… 10 năm!
Công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp của 2 công ty này cũng chưa chặt chẽ, để xảy ra tình trạng lấn chiếm kéo dài, nhất là việc lấn chiếm đất rừng sau khai thác ảnh hưởng đến hoạt động trồng rừng của công ty. Tính đến hết năm 2016, tổng diện tích đất bị lấn chiếm của Công ty Sông Kôn là 927,03 ha (huyện Tây Sơn 210,59 ha, huyện Vĩnh Thạnh 716,44 ha); của Công ty Hà Thanh là 2.143 ha (chủ yếu ở xã Canh Liên, huyện Vân Canh).
Về công tác trồng rừng sản xuất, Công ty Hà Thanh chưa quan tâm đúng mức đến chăm sóc rừng trồng, dẫn đến một số công trình trồng rừng cây chết nhiều, cá biệt có công trình diện tích khai thác chỉ bằng một nửa so với diện tích hoàn công rừng trồng. Đáng chú ý, diện tích đất chưa sử dụng của Công ty quản lý còn rất lớn - lên đến 1.000 ha, gây lãng phí quỹ đất lâm nghiệp.
Với Công ty Sông Kôn, kiểm tra hồ sơ trồng và hoàn công trồng rừng cho thấy, nhiều công trình trồng rừng có diện tích giảm nhiều so với diện tích thiết kế. Điển hình là công trình thiết kế 668,1 ha tại xã Bình Thuận, Tây Thuận, Tây Giang (huyện Tây Sơn) trong năm 2003, kết quả hoàn công chỉ thực hiện 444,4 ha. Bên cạnh đó, một số công trình thi công ra ngoài thiết kế, không xây dựng đường ranh cản lửa theo thiết kế, thậm chí trồng rừng lên cả diện tích thiết kế ranh cản lửa.
Lơ là nghĩa vụ tài chính
Thêm vào đó, nghĩa vụ tài chính về đất cũng chưa được các công ty thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, chưa làm thủ tục chuyển sang thuê đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất lâm nghiệp trồng rừng sản xuất của công ty đang quản lý trước đây được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Với Công ty Sông Kôn, diện tích này là 417,97 ha; Công ty Hà Thanh có diện tích lớn hơn rất nhiều - 1.673,6 ha.
Công ty Hà Thanh cũng chưa làm thủ tục miễn giảm tiền thuê đất đối với diện tích 481,1 ha đất công ty đã thuê để trồng rừng sản xuất tại xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh). Còn Công ty Sông Kôn thực hiện chưa nghiêm túc việc kê khai tiền thuê đất đối với diện tích trồng rừng 1.907,1 ha (đã có quyết định và hợp đồng cho thuê đất).
Đặc biệt, Công ty Hà Thanh chưa kê khai và nộp tiền thuê đất với tổng số tiền gần 1,5 tỉ đồng đối với diện tích trồng rừng chưa làm thủ tục thuê đất, công ty đã khai thác rừng trồng - với diện tích 1.472,6 ha trong giai đoạn 2005-2016. Với Công ty Sông Kôn, số tiền và diện tích tương ứng là gần 267 triệu đồng - 417,97 ha.
“Trách nhiệm đối với những khuyết điểm, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh do Công ty Hà Thanh và Công ty Sông Kôn quản lý đã nêu trên thuộc về ban giám đốc và các bộ phận có liên quan của công ty qua các thời kỳ, mà trực tiếp là giám đốc, kiểm soát viên và kế toán trưởng”, Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Văn Thơm nhận định.
Trước tình trạng đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã yêu cầu Giám đốc Công ty Hà Thanh và Công ty Sông Kôn tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý đối với các cá nhân, tập thể có khuyết điểm, sai phạm. Đồng thời, có biện pháp chấn chỉnh, đưa công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất… của đơn vị đi vào nề nếp và đúng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, thu hồi đầy đủ số tiền do kê khai thiếu tiền thuê đất nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh (Công ty Hà Thanh gần 1,5 tỉ đồng; Công ty Sông Kôn gần 267 triệu đồng).
Liên quan đến những khuyết điểm, sai phạm trong quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở TN&MT tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và các cá nhân có liên quan trong việc quản lý đất đai chưa chặt chẽ, còn để xảy ra tình trạng đất chưa được đăng ký biến động, chưa cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa thực hiện cho thuê đất...
MAI LÂM