Nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo trong người trẻ
Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần IV-2017 vừa khép lại với những sản phẩm chất lượng và những “nhà sáng chế” trẻ tiềm năng. Qua đó, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ giàu đam mê; lan truyền thông điệp: nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo trong người trẻ, ngay từ ghế nhà trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu (bìa phải) và bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (bìa trái) tuyên dương nhóm tác giả Võ Khôi Nam, Trần Thị Ngọc Thu với thiết bị xử lý nước thải do sản xuất tinh bột khoai mì.
Sáng tạo = đam mê + quan sát
Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần IV-2017 thu hút 44 giải pháp dự thi ở 5 lĩnh vực: đồ dùng học tập, phần mềm tin học, sản phẩm thân thiện với môi trường, các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Điểm chung của 33 giải pháp đạt giải là sự yêu thích, đam mê sáng chế của tác giả gắn liền với những quan sát, tò mò về các hoạt động, vấn đề trong cuộc sống thường nhật.
Sinh ra ở vùng đất có nghề sản xuất tinh bột khoai mì và đang đứng trước nạn ô nhiễm môi trường từ chính nghề truyền thống này, học sinh Võ Khôi Nam và Trần Thị Ngọc Thu (lớp 8A1, Trường THCS Đào Duy Từ - xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn) đã nhen nhóm ý tưởng về một thiết bị xử lý nước thải giúp người dân yên tâm “bám nghề”. Từ kiến thức học được tại trường, sự hướng dẫn của thầy cô, khả năng tự tìm tòi, mày mò, hai em đã đưa ra được giải pháp “Xử lý nước thải do sản xuất tinh bột khoai mì” và xuất sắc đạt giải Nhất tại cuộc thi. Hai tác giả nhỏ tuổi đã cải tiến bể lọc bằng thủy tinh, sử dụng 8 bể ráp theo bậc thang nhằm tạo thuận lợi cho quá trình xử lý nước thải, tiết kiệm điện năng và diện tích đặt mô hình. Ưu điểm của mô hình còn nằm ở chỗ tận dụng được nguồn nguyên vật liệu giá rẻ, sẵn có tại địa phương trong công nghệ xử lý như: đá vôi, vỏ sò, xơ dừa, than gáo dừa... làm tăng tính hiệu quả kinh tế của giải pháp.
Trong khi đó, cô học trò của Trường PTDTNT tỉnh Đinh Triệu Vi lại để tâm đến vấn đề chữ viết của các dân tộc thiểu số trên máy vi tính. Từ sự quan sát, để tâm này, em hình thành “Ứng dụng bộ gõ WinVNKey xây dựng kiểu gõ chữ của một số dân tộc thiểu số ở Bình Định như: Bana Kriêm, Chăm H’roi, H’rê. Hay đơn giản như từ việc lau bảng của học sinh tiểu học, bé Trần Đức Nguyên (lớp 4A3, Trường Tiểu học số 1 Cát Tường, huyện Phù Cát), thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi, đã hình thành nên “Gậy lau bảng đa năng” và mang về giải Nhì tại cuộc thi.
Tất nhiên, những quan sát, thắc mắc về thực tế và ước muốn cải thiện thực tế ấy khó trở thành sáng chế nếu tác giả không bắt tay vào thực hiện. Quá trình thực hiện ấy cần rất sự kiên nhẫn, quyết tâm và cả sự say mê. Điều này hiện rõ trong chia sẻ của Đinh Việt Long (12 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn), tác giả của giải pháp đạt giải Nhất “Thiết bị tự động sơn vạch kẻ đường dẫn hướng bằng laser”, người đã 3 lần liên tiếp tham gia Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng.
Long nói: “Em mất 6 tháng để hoàn thành thiết bị. Trong 6 tháng ấy, khó khăn không ít; nhưng vì quyết tâm đi đến cùng với sản phẩm của chính mình, em đã vượt qua được. Vì vậy, em nghĩ, để có thể sáng tạo, trước hết cần phải có đam mê và sự kiên định. Kế đến là luôn tìm hiểu, học hỏi từ xung quanh, cảm hứng sáng tạo có thể đến từ những điều nhỏ nhặt, đơn giản nhất”.
Nhen ước mơ “nhà sáng chế”
“Kích cầu” sáng tạo để tuổi trẻ vận dụng những tri thức, kỹ năng đã học được vào những sản phẩm, những giải pháp hữu ích, góp phần phục vụ sản xuất, đời sống, học tập là mục tiêu lớn. Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh hằng năm đã trở thành sân chơi, quy tụ được các thiết bị, giải pháp chất lượng; là nơi nhen nhóm ước mơ trở thành “nhà sáng chế” của nhiều người trẻ. Song, có lẽ cuộc thi vẫn chưa được đông đảo thiếu niên nhi đồng quan tâm khi số lượng dự thi vẫn còn khá khiêm tốn - dưới 50 sản phẩm. Công tác tuyên truyền hoặc hỗ trợ thanh thiếu niên vẫn còn nhiều hạn chế nên chưa phát huy được hết tiềm năng tư duy sáng tạo của người trẻ.
Để nâng cao số lượng lẫn chất lượng giải pháp dự thi, phát biểu tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần IV-2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho rằng: các đơn vị tổ chức, gồm Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Sở GD&ĐT, Sở KH&CN, Tỉnh đoàn, cần tăng cường sự phối hợp hơn nữa, đúc rút ra những bài học kinh nghiệm trong tổ chức nhằm “giữ lửa” cho phong trào sáng tạo ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng. Mặt khác, chú trọng công tác tuyên truyền đến đông đảo đối tượng dự thi; không ngừng đổi mới công tác tổ chức để tăng sự thu hút, quan tâm của cộng đồng.
Đóng vai trò chủ đạo trong công tác nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo ở độ tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng là những người trong ngành giáo dục. Theo ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT, Sở đã khuyến khích cán bộ, công chức, giáo viên tham gia hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, coi đây là công việc cụ thể hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Vì sản phẩm dự thi hầu hết liên quan đến bộ môn Vật lý nên chuyên viên phụ trách môn Vật lý Phòng Giáo dục Trung học của Sở cũng cung cấp thông tin định hướng, hỗ trợ về mặt kỹ thuật đối với các đơn vị.
NGUYỄN MUỘI