Thầy Hải sáng tạo
Anh tự nhận mình sống theo xu hướng luôn nỗ lực tìm kiếm những giải pháp để khắc phục khó khăn hơn là ngồi đó than thở. Vì những vướng mắc trong giảng dạy, nếu không được tháo gỡ, thì người hứng chịu thiệt thòi hơn cả là học sinh. Ðó là thầy giáo Huỳnh Văn Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Phước Hiệp (huyện Tuy Phước).
Thầy Huỳnh Văn Hải (bên phải) nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, thầy Hải là một trong 2 gương mặt tiêu biểu của ngành GD&ÐT vinh dự đón nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Trước đó, anh đã được nhận nhiều bằng khen, danh hiệu: Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (năm học 2011-2012 và 2014-2015), Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ÐT (năm học 2011-2012), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm học 2012-2013)…
SÁNG TẠO LÀ ĐAM MÊ
Liên tục 7 năm học qua (từ năm học 2009-2010 đến nay), thầy Huỳnh Văn Hải đều viết sáng kiến kinh nghiệm, được hội đồng khoa học các cấp đánh giá cao và xét trao giải thưởng. Các sáng kiến của anh chú trọng việc phát triển 4 kỹ năng cần thiết trong học tiếng Anh (nghe-nói-đọc-viết) cho học sinh, ngoài ra còn là những cuộc điều tra việc dạy nói, dạy nghe trên lớp, giúp các cấp quản lý có được những thông tin chính xác, khách quan về thực tế tình hình dạy học.
* Ở ngành GD&ĐT huyện Tuy Phước, nhắc đến tên anh, nhiều người trong ngành bật ra ngay “À, cái cậu Hải sáng kiến kinh nghiệm…”. Hình như anh được nhiều người nhớ?
- (Cười) Tôi cũng không biết nữa. Những sáng kiến tôi viết xuất phát từ khó khăn của bản thân và đồng nghiệp trong thực tế giảng dạy. Như đã chia sẻ, tôi luôn muốn tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ khó khăn, và viết sáng kiến là một trong những cách làm theo hướng đó.
Vui là những sáng kiến của tôi sau đó thường được Phòng GD&ÐT huyện và Sở GD&ÐT triển khai, nhân rộng, hỗ trợ phần nào những đồng nghiệp đang loay hoay với những cái khó khăn tương tự.
* Không chỉ là giáo viên, cán bộ quản lý của Trường THCS Phước Hiệp, anh còn là giáo viên cốt cán của Phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước và của Sở GD&ĐT, hàng năm được phân công bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi các cấp, tham gia nhiều đợt tập huấn, hội thảo các cấp. Tham gia những việc này hẳn tạo điều kiện thuận lợi cho anh trong việc viết sáng kiến?
- Tất nhiên rồi! Ðiều này cũng dễ hiểu như việc nhìn một vật ở nhiều góc, nhiều hướng sẽ toàn diện hơn. Tôi luôn muốn đặt mình vào những thử thách bởi mình còn trẻ, cộng với quan niệm sống hết mình cho nghề nghiệp, tôi luôn sẵn trong mình tinh thần xông pha, tiên phong, không ngại khó khổ. Khi đã “nâng tầm” mắt mình lên, tôi có được cái nhìn toàn cục, mỗi đợt tập huấn, hội thảo rút ra nhiều điều bổ ích cho bản thân để chia sẻ lại với đồng nghiệp.
Thầy Huỳnh Văn Hải (bìa trái) trao quà cho các học sinh nghèo vượt khó học giỏi của trường.
Với tôi, mỗi một sáng kiến kinh nghiệm là một trăn trở, đầu tư tìm cho ra giải pháp, để khi áp dụng thực hiện đạt được hiệu quả mong muốn. Các học sinh thường kháo nhau “thầy Hải có nhiều mẹo lắm”. Tôi nghe thấy vui lắm bởi môn Tiếng Anh là một ngôn ngữ cần được hướng dẫn cách ghi nhớ từ vựng, cấu trúc câu, cả cách làm bài hiệu quả. Dù dạy cấp THCS, nhưng tôi đã nghiên cứu kiến thức THPT và sách học thi các chứng chỉ quốc tế như TOEFL, IELTS… để tìm tòi, xem có gì hay để áp dụng vào công việc của mình, và giúp ích cho học sinh mình.
Dần dà, tôi xem việc viết sáng kiến như công tác chuyên môn hàng năm. Tìm kiếm, sáng tạo ra cách dạy học mới trở thành niềm đam mê. Không làm những việc ấy, tôi thấy mình kém dần, tụt lùi dần.
HẠNH PHÚC KHI GẮN BÓ VỚI TRƯỜNG
Mỗi buổi sáng, 6 giờ kém là anh rời nhà ở Quy Nhơn đến trường cách 21 cây số. Chiều tối mịt anh mới về tới nhà. Mùa mưa, anh thường xuyên ở lại trực trường. “Cực gì, có phải mình tôi đi đâu, bao nhiêu cán bộ, giáo viên dạy ở vùng trũng của huyện còn cực hơn nhiều. Đó là chưa kể đến những vùng khó khăn ở Tây Nguyên, Tây Bắc mà truyền hình đưa tin. Nếu ngại khó, ngại khổ thì ai sẽ dạy học sinh ở vùng khó! Thật đấy!”, anh chân thành chia sẻ.
* Nhiều giáo viên sau khi khẳng định được năng lực về chuyên môn đã tìm cách chuyển về trường vùng thuận lợi. Còn anh?
- Gia đình tôi ở Quy Nhơn đang rất khó khăn. Ba tôi thường xuyên bị bệnh, mẹ tôi lớn tuổi vẫn phải tảo tần mua bán. Vợ tôi cũng là giáo viên dạy tiếng Anh, việc trường việc nhà tất bật lại phải chăm hai con nhỏ. Vợ chồng tôi vẫn đang ở chung với bên nội. Nhưng chị tin không? Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ như chị vừa nói.
Tôi hạnh phúc vì ngôi trường này đã giúp tôi dần hoàn thiện mình hơn. Hội đồng sư phạm nhà trường sống rất chan hòa, luôn phát huy dân chủ, nội bộ đoàn kết, thầy trò yêu thương nhau. Tôi rất hạnh phúc khi công tác ở đây và thật sự không muốn rời xa nơi này!
* Nhiều giáo viên trong trường mách, anh rất khéo thuyết phục học sinh bỏ học trở lại trường?
- Họ bảo vậy có lẽ là nhìn vào một số trường hợp tôi làm được. Chẳng hạn, năm học trước, có em Thắng học lớp 9, cha thương binh hạng 2/4, mẹ bị ung thư giai đoạn cuối. Nhà khó khăn quá nên dịp nghỉ lễ 30.4, em vào TP Hồ Chí Minh chơi rồi tìm được việc làm và không trở lại trường nữa. Mặc dù giáo viên chủ nhiệm và gia đình ra sức thuyết phục, em vẫn quyết không về thi học kỳ II.
Tôi đã xin số điện thoại, gọi trực tiếp cho em, nói chuyện gần nửa tiếng đồng hồ, phân tích mọi lẽ thiệt hơn và hứa sẽ cho tiền xe để em về. Sau đó một ngày em đã về dự thi, nhà trường đã tìm nhiều nguồn để hỗ trợ em một số tiền. Ðược động viên đúng lúc, đúng cách em ấy khá lên! Giữ lại một học sinh muốn học mà thiếu điều kiện là giữ lại cho xã hội được nhiều lắm đấy!
Những chuyện như vậy khiến tôi rất trăn trở. Phần lớn học sinh của trường có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều phụ huynh khoán trắng việc học của con cho trường. Tôi thuyết phục được các em có lẽ bởi đã tỏ bày bằng những lời lẽ từ tận đáy lòng và tôi tin các em quay về trường vì cảm nhận được tình thương, tấm chân tình mà tôi và các thầy cô dành cho mình.
KHÓ - DỄ CÒN BỞI DO MÌNH
Hỏi anh có nhiều trăn trở về nghề không, câu trả lời thật bất ngờ là “không”. “Các cấp lãnh đạo đều nhìn thấy cả, và họ cũng đang mong muốn làm cho ngành GD&ĐT tốt hơn lên. Tôi nghĩ bản thân mình phải cố gắng tốt hơn, thực hiện mọi nhiệm vụ được giao, hoàn thành đúng chức trách của mình thì sẽ tốt hơn việc chăm chăm đề xuất, kiến nghị…”, anh thẳng thắn trao đổi.
* Nhưng trên thực tế, vẫn có những việc lực bất tòng tâm hoặc không theo mong muốn của mình chứ?
- Có nhiều chứ, nhất là ở công tác quản lý trường, có những mục tiêu đề ra làm thành công, nhưng cũng có nhiều thứ không thể như mong muốn. Dù vậy, ở vị trí một người quản lý, tôi đã đưa ra những giải pháp cải tiến lề lối làm việc, nâng cao chất lượng giáo dục và cùng toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường ra sức thực hiện hiệu quả.
Ðể nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, tôi yêu cầu giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới cách đánh giá kết quả học tập của học sinh.Với xuất phát điểm là một đơn vị nhiều năm liền không có thành tích học sinh giỏi môn Tiếng Anh, thông qua việc thực hiện các giải pháp tôi đưa ra, trường bước đầu xây dựng được đội ngũ học sinh giỏi, và đến năm học 2015-2016, trường đã có 58 học sinh đạt giải Olympic tiếng Anh qua mạng cấp huyện và cấp tỉnh.
Nhiều lần chuyện trò với anh, tôi được nghe anh chia sẻ bận bịu bao việc ở trường nhưng vẫn cố thu xếp thời gian để ăn cơm tối với gia đình, hay chở con đi học, đi chơi. “Mừng là vợ hết sức ủng hộ việc tôi làm”, anh cười - nụ cười thật rạng rỡ, nói mọi việc khó hay dễ phần nhiều do bản thân mình cố gắng nhiều hay ít. “Trường tôi số lượng học sinh giỏi đang tăng, tỉ lệ học sinh lớp 9 vào lớp 10 THPT công lập năm nay đến 46,6%, chất lượng giáo dục đại trà đang được nâng lên…!”, anh chia vui.
Những giải pháp trong các sáng kiến kinh nghiệm của thầy Huỳnh Văn Hải khi đem áp dụng ra toàn huyện luôn mang lại hiệu quả tốt. Về bản thân, thầy có đạo đức tốt, tác phong sư phạm chuẩn mực, sống chan hòa thân ái với đồng nghiệp. Thầy là một cán bộ trẻ, có nỗ lực phấn đấu, có ý thức vươn lên, đã và đang đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát triển của ngành GD&ÐT huyện nhà”.
Ông Khưu Đại Lợi, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ÐT huyện Tuy Phước
NGỌC TÚ