Võ Bình Ðịnh trong hành trình kiến tạo bản sắc
Từ hành trang văn hóa của nhiều luồng dân cư khác nhau, võ Bình Ðịnh hình thành và phát triển. Võ là văn hóa, đồng thời là phương thức ứng xử của người Bình Ðịnh trước tự nhiên và xã hội, qua đó xác lập cho địa phương một bản sắc riêng trong suốt chiều dài lịch sử. Quá trình kiến tạo bản sắc Ðất Võ không phải là một con đường thẳng, mà trải qua nhiều biến đổi và chuyển dịch để sàng lọc và định vị.
Từ “võ nhà” thành “võ vùng”
Vào thời kỳ trước phong trào Tây Sơn, ở Bình Ðịnh đã có các sân hoặc phòng tập võ tại tư gia của các võ sư hoặc võ sinh. Các sân tập này còn riêng lẻ, chỉ đáp ứng nhu cầu luyện tập của một nhóm người có quan hệ đồng tộc, đồng môn chứ không mang tính cộng đồng. Chỉ khi phong trào nông dân Tây Sơn nổ ra, tập hợp các võ phái đơn lẻ và cả những người chưa hề biết võ dưới một ngọn cờ, mở những bãi tập lớn để luyện quân, thì phong trào học võ, luyện võ mới đại chúng hóa một cách rộng rãi.
Luyện tập võ cổ truyền Bình Định. Ảnh: HỨA THIỆN
Môi trường thao luyện đó chính là võ đàn lý tưởng để các võ nhân giao lưu và học hỏi, đồng thời cũng là môi trường sáng tạo và đại chúng hóa các dòng võ, đưa võ của mỗi dòng họ ra khỏi khung cửa một nhà, thâm nhập vào quần chúng thành võ của một vùng. Ba tiếng “võ Tây Sơn” mặc dù gắn với một địa danh cụ thể là ấp Tây Sơn, nhưng nó biểu đạt khái niệm võ vùng: Võ thuật chủ đạo của cả phủ Quy Nhơn thời Tây Sơn đều gọi là võ Tây Sơn.
Từ “võ vùng” thành “võ quốc gia”
Khởi nghĩa thành công, các lãnh tụ áo vải của phong trào trở thành vương tướng. Trong khi Nguyễn Nhạc với vai trò hoàng đế lo xây dựng kinh thành, củng cố triều đình thì các bộ phận tướng lĩnh dẫn quân vào Nam chặn Nguyễn, ra Bắc diệt Trịnh. Yêu cầu quan trọng hàng đầu lúc bấy giờ là bảo vệ nhà nước Tây Sơn. Võ Tây Sơn phải vừa tiếp tục đại chúng hóa để tạo nền móng vững chắc, vừa chính quy hóa để nâng cao độ tinh nhuệ của đội quân nhà nước, do vậy nó không ngừng mở rộng, trở nên lớn mạnh và thu hút hơn bao giờ hết.
Thời bấy giờ, người luyện võ Tây Sơn không chỉ có dân ấp Tây Sơn hay phủ Quy Nhơn, mà là một đội ngũ trùng điệp đến từ mọi miền đất nước, như Nguyễn Trọng Trì ghi chép trong Tây Sơn lương tướng ngoại truyện: “Ngô Văn Sở Tây Sơn Thanh Hóa nhân hữu dũng lực” (Ngô Văn Sở đời Tây Sơn, người Thanh Hóa, có sức mạnh), hay “Tả quân đô đốc danh Văn Nhậm tính võ thị Quảng Nam nhân, bản Nam hà hào kiệt” (Tả quân đô đốc, tên là Nhậm, họ Võ, người Quảng Nam, vốn hào kiệt Nam hà)...
Từ võ vùng, võ Tây Sơn đã vươn lên gánh vác sứ mệnh tiêu diệt thù trong giặc ngoài, đặc biệt là cuộc chiến thắng quân Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút và chiến thắng quân Thanh ở trận Ðống Ða. Võ Tây Sơn gắn liền với chiến lược chiến thuật quân sự của Quang Trung - Nguyễn Huệ, góp phần làm nên biểu tượng bách chiến bách thắng, lưu lại cùng các chiến công oanh liệt trong lịch sử.
Tuy nhiên, nói tới sự biến đổi từ võ vùng thành võ quốc gia ở đây là sự mở rộng phạm vi, đối tượng, chứ không có nghĩa là bác học hóa hay đại trà hóa làm thay đổi bản chất võ Tây Sơn. Nền tảng của võ thuật Tây Sơn vẫn là các làng võ ở phủ Quy Nhơn, do vậy mặc dù triều Tây Sơn sụp đổ, võ Tây Sơn vẫn được duy trì và lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Bổ sung và củng cố nền móng võ dân gian
Tương truyền, các bài võ tiêu biểu của Bình Ðịnh được chế tác bởi các tướng lĩnh xuất thân dân dã như Nguyễn Lữ với Hùng kê quyền, Nguyễn Huệ với Nghiêm thương, Bùi Thị Xuân với Song phượng kiếm.
Tham gia sáng tạo ra các ngón võ, các bài võ để đời của Bình Ðịnh không chỉ có các tướng lĩnh nổi tiếng, mà còn có nhiều người áo vải chân đất. Chàng Lía khi còn là một trẻ chăn trâu trên cánh đồng Phú Lạc đã tự tập miếng võ Cá lóc, về sau phát triển thành môn khinh công thượng thặng. Một thương gia người Việt gốc Hoa tên Lý Hùng, cụ tổ dòng võ họ Lý đất An Nhơn, sau nhiều ngày quan sát tư thế mèo rửa mặt để tự chế bài quyền Miêu tẩy diện. Thời chống Pháp, theo yêu cầu của quân khu kháng chiến, võ sư Hà Trọng Sơn đã cùng nhóm võ sư Bình Ðịnh khổ công nghiên cứu các bài võ cổ truyền, rút ra 12 miếng võ lợi hại làm thành bài Kiếm mười hai để luyện cho du kích... Quá trình phát triển của võ Bình Ðịnh từ trước đến nay phản ánh một thực tế rằng nó không ngừng được sáng tạo và bổ sung bởi các thế hệ người Bình Ðịnh.
Cố võ sư Hồ Ngạnh đánh roi.
Qua các thời kỳ lịch sử, võ Bình Ðịnh đã từng thăng hoa hoặc trầm lắng, từng được khuyến khích và cũng từng bị giám sát, kìm hãm, thậm chí bị cấm đoán nghiêm ngặt như thời kỳ hậu Tây Sơn và thời kỳ chống Pháp. Trong hoàn cảnh bị dồn nén, dòng chảy của võ vẫn đảm bảo tính liên tục bởi ý chí và nhu cầu mãnh liệt của chủ thể. Dù lắng thành mạch ngầm với phương thức truyền dạy bí mật thời hậu Tây Sơn hay trỗi dậy một cách quyết liệt tìm kiếm vũ khí và hình thức thực hành thích hợp để chống thực dân xâm lược Pháp cuối thời Nguyễn, võ Bình Ðịnh không ngừng được sáng tạo và mài giũa. Bằng chứng là ngay sau khi triều Nguyễn bỏ “cấm vận” với võ Bình Ðịnh, thì người Bình Ðịnh liên tục đăng quang tiến sĩ võ. Trong cuốn Võ cử và các võ tiến sĩ ở nước ta, nhà nghiên cứu Nguyễn Thúy Nga cho biết dưới triều Nguyễn “có 10 người đỗ Võ tiến sĩ và 110 người đỗ Võ phó bảng... Tất cả 10 Võ tiến sĩ này đều có quê từ Quảng Bình trở vào... Bình Ðịnh có 2 người”. Tên 2 vị Võ tiến sĩ Bình Ðịnh là Nguyễn Văn Tứ (đỗ khoa năm Tự Ðức thứ 18 - 1865) và Ðặng Ðức Tuấn (đỗ khoa năm Tự Ðức thứ 22 - 1869).
Ðất Bình Ðịnh còn truyền tụng về hai “thí sinh” làm rúng động trường thi võ thời Nguyễn. Người thứ nhất là cụ Trung Quân, người làng Thọ Lộc, huyện Bình Khê, ra Huế thi cử nhân võ dưới thời Thiệu Trị, một mình lần lượt đấu thắng 9 thí sinh có điểm cao nhất, giành ngôi thủ khoa. Người thứ hai là Bầu Ðê, người Tuy Phước, không đi thi “vì không luyện tập những môn bắt buộc mà ông cho là vô ích” nhưng kỳ thi nào ở Bình Ðịnh cũng xách roi tới trường thi xin ban giám khảo cho đấu với thủ khoa, khiến cho vị chánh chủ khảo tên Lãnh - một tạo sĩ (tiến sĩ võ) trường Thừa Thiên ngày trước, là một cây roi trường có tiếng - tò mò thỉnh giáo. Sách Võ nhân Bình Định của Quách Tấn - Quách Giao chép: “Quan lớn cởi áo dài, cầm roi xuống sân đề nghị Bầu Ðê đấu mươi hiệp”. Ngay sau hiệp đầu tiên, “quan Lãnh cầm ngang cây trường tiên, cúi đầu vái ông Bầu Ðê nói lớn: Thật là cây roi thần. Thật đáng bậc tôn sư!”.
Tiếp nối Trung Quân, Bầu Ðê là Ðội Sẻ, Hồ Ngạnh, Nguyễn Ngạc, Ðinh Hề... những đại danh của nền võ dân gian Bình Ðịnh thời kỳ chống Pháp đầu thế kỷ XX, một thế hệ noi gương Mai Xuân Thưởng, Võ Trứ trong cuộc cách mạng võ khí.
Việc chuyển từ thập bát ban võ nghệ sang côn quyền chính là bước chuyển dịch khôn ngoan nhằm đối phó nguy cơ đứt gãy văn hóa uy hiếp đời sống võ thuật Bình Ðịnh trong bối cảnh đất nước bị xâm lược. Về thực chất, đây là sự chọn lựa phương thức chiến đấu trong thế trận đối đầu với đại địch vừa có vũ khí tối tân hơn ta vừa nắm quyền áp đảo về mặt chính trị. Các làng võ danh tiếng (roi Thuận Truyền, quyền An Vinh, quyền An Thái) ra đời đầu thế kỷ XX, chính là hệ quả của các ảnh hưởng địa – lịch sử, địa - chính trị lên vùng đất này.
Nhìn từ góc độ văn hóa, đó là quá trình “diễn nghĩa” võ Bình Ðịnh dưới một lớp vỏ mới để định vị, một xu hướng thích nghi sáng tạo của cộng đồng Bình Ðịnh nhằm duy trì bản sắc.
Xu hướng sân khấu hóa để lưu giữ di sản
Trong đời sống hòa bình, chức năng chiến đấu của võ tạm thời lắng xuống, thay vào đó võ biểu diễn được khai thác và phát huy trong các nghi lễ, phong tục và lễ hội để phục vụ nhu cầu tinh thần của cộng đồng, đó là nguyên nhân dẫn đến xu hướng sân khấu hóa ngày càng mạnh đối với võ Bình Ðịnh.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, Nhà nước đã nhanh chóng nắm bắt và khuyến khích xu hướng này, thậm chí đẩy mạnh việc kiến tạo bản sắc văn hóa địa phương thông qua võ Bình Ðịnh, đầu tư xây dựng võ thành một giá trị di sản để vừa bồi đắp truyền thống vừa khai thác kinh tế du lịch. Ðiều này thể hiện rất rõ qua lễ hội. Các chương trình võ thuật dưới hình thức sân khấu hóa trong các lễ hội Bình Ðịnh ngày nay là sự tái hiện đan xen lịch sử mở đất và lịch sử đấu tranh xã hội mà võ thuật vừa là phương tiện vừa là cứu cánh.
Tiếp nhận điệp trùng ân huệ và thử thách từ một dải đất lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển, quá trình chinh phục tự nhiên của người Bình Ðịnh là chặng khởi đầu đầy tráng khí còn in hằn trong các thế võ đẫm chất sử thi của các lễ hội, đặc biệt là lễ hội cầu ngư của cư dân vùng duyên hải. Nếu như võ trong các lễ hội tôn vinh nhiên thần phản ảnh quá trình chinh phục tự nhiên của người Bình Ðịnh, thì võ trong các lễ hội lịch sử phản ánh và ngợi ca truyền thống giữ nước của cộng đồng. Về phương diện này, võ thuật đã được huy động một cách đắc lực để tái hiện lịch sử, đúng hơn là để diễn đạt phương thức sống còn và tạo lập bản lĩnh dân tộc, sẵn sàng đối phó và đập tan mọi giấc mộng xâm lăng của ngoại bang. Các lễ hội dân gian truyền thống và hiện đại của Bình Ðịnh vừa thể hiện ước mơ muôn thuở của cộng đồng về sự ấm no, hưng thịnh và khát vọng chinh phục mọi trở lực để phát triển; vừa là những khung cửa để ta quan sát vừa là sự lắng đọng, bồi đắp và biến đổi của văn hóa võ Bình Ðịnh trong sự vận động không ngừng, ở những không gian và thời gian khác nhau.
Trước những tương tác của lịch sử và thời đại, các yếu tố thể hiện bản sắc của miền Ðất Võ Bình Ðịnh không thể không có những biến đổi, thậm chí là bắt buộc phải thay đổi để thích ứng và tồn tại, như chúng ta đã thấy trong võ khí, trong hình thức chiến đấu, hình thức bảo tồn... Tuy nhiên, về cơ bản, truyền thống thượng võ vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong phương vị tinh thần của người Bình Ðịnh xưa nay.
Trần Thị Huyền Trang