Sức hút từ miền đất Võ
Danh tiếng của những võ đường, những võ sư và cả những giai thoại về miền đất võ Bình Ðịnh tạo nên sức hút mãnh liệt, khiến những người yêu võ thuật ở nhiều vùng miền trong cả nước lặn lội hàng trăm, hàng nghìn cây số về quê hương vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ để “tầm sư học võ”.
DẠY VÕ VÀ THƯƠNG HỌC TRÒ NHƯ CON CHÁU
Sinh thời, võ sư Phan Thọ (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) chính là người có nhiều học trò ngoại tỉnh nhất, họ đến từ các tỉnh, thành như Hải Phòng, Hải Hưng, Hà Nội, Lạng Sơn, Phú Thọ, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang... Ông mất cách đây hơn 3 năm, nhưng danh tiếng, uy tín về chất lượng đào tạo của võ đường Phan Thọ tiếp tục thu hút nhiều người đam mê võ thuật ở phương xa đến xin ở lại luyện tập.
Biểu diễn võ cổ truyền Bình Định. Ảnh: HOA KHÁ
“Cha tôi thường nói những người trẻ ở xa tìm đến bái sư đã thể hiện tấm lòng, sự hâm mộ võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Ðịnh, nên mình phải coi trọng, cho ăn ở, truyền dạy kỹ càng như con cháu trong nhà. Khắc ghi điều này, nên khi một số học trò ở trong Nam ngoài Bắc tìm đến võ đường xin học, gia đình tôi vẫn giữ nếp cũ mà cha tôi đã kỳ công tạo thành. Trong đó có việc sửa sang lại nơi luyện tập, nghỉ ngơi cho các cháu...”, võ sư Phan Hữu Ðức, con trai võ sư Phan Thọ, chia sẻ.
VÌ SỰ PHỔ BIẾN CỦA VÕ CỔ TRUYỀN BÌNH ÐỊNH
Từ nhiều năm qua, căn nhà nhỏ của lão võ sư Phi Long Vịnh (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) luôn mở rộng cửa chào đón các học trò phương xa, nhất là từ các tỉnh phía Bắc. Võ sư Phi Long Vịnh cho biết học trò của ông có người học xong phổ thông, chuyên tâm theo đuổi niềm đam mê võ cổ truyền ấp ủ lâu nay; có người lại muốn học võ cổ truyền Bình Ðịnh để trở về truyền dạy tại quê nhà; nhưng cũng có người làm nghề chạy xe ôm nhưng cất công lặn lội cả ngàn cây số tìm vào Bình Ðịnh học võ để phòng thân, để rồi hiểu ra phòng thân không chỉ có đòn thế...
Thuộc hàng võ sư cao tuổi và nổi tiếng nhất Bình Ðịnh, lão võ sư Phi Long Vịnh (82 tuổi) hiện vẫn minh mẫn, dẻo dai, đủ ra đòn thị phạm đầy uy lực. Ông tâm sự: “Vài năm gần đây, tôi thường tập trung kèm cặp cho các huấn luyện viên võ cổ truyền ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang... đến học hỏi, tìm hiểu chuyên sâu hơn về võ cổ truyền Bình Ðịnh. Ðây là những người đã có trình độ võ cổ truyền nhất định, nên khi truyền dạy mình kết hợp phân tích cặn kẽ cả về lý thuyết lẫn thực hành, như tại sao phải đánh như thế này, khi nào cần sử dụng đòn nhá, đòn hư hư thực thực... Phải hết sức trân trọng những người như vậy vì khi năng lực của họ thăng tiến, võ cổ truyền Bình Ðịnh cũng phổ biến sâu rộng hơn!”.
HỌC VÕ Ở CHÙA ĐỂ CÒN TU TÂM DƯỠNG TÍNH
Những năm gần đây, CLB võ thuật cổ truyền chùa Long Phước (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) ngày càng thu hút thêm nhiều người ngoài tỉnh đến học. Ðiều này là nhờ bề dày truyền thống đào tạo các thế hệ võ sư, huấn luyện viên, võ sinh tài năng đã được khẳng định qua nhiều cuộc giao lưu, thi tài võ cổ truyền, khiến phái võ chùa Long Phước ngày càng vang danh.
Ðại đức, võ sư Thích Vạn Nguyên, Phó Chủ nhiệm phụ trách chuyên môn của CLB võ thuật cổ truyền chùa Long Phước, cho biết: “Người dân ở nhiều tỉnh, thành trong nước tìm đến chùa xin học võ thì hầu như quanh năm. Có những người ở lại gắn bó luyện tập đến 1-2 năm, cùng ăn chay, tụng kinh niệm Phật, sinh hoạt theo nội quy của chùa để vừa luyện võ vừa tu dưỡng tâm tính. Ngoài ra, hằng năm cũng có các đoàn của các môn phái võ cổ truyền Việt Nam ở Thụy Sĩ, Pháp, Nga đến giao lưu, học hỏi thêm trong thời gian hàng chục ngày...”.
Từ các vùng miền khác cách xa nhau, ba chàng trai trẻ Bùi Văn Khiết (22 tuổi, ở Hải Dương), Tạ Ngọc Thiện (20 tuổi, Hà Nội), Lê Công Duy (19 tuổi, Gia Lai) đã hội ngộ tại chùa Long Phước trong mùa hè năm nay. Ðiểm chung của họ là tìm hiểu thông tin về đào tạo võ cổ truyền tại chùa Long Phước vốn ngưỡng mộ từ lâu, nay “cơ duyên” đã đến...
Ðều đặn cứ 5 giờ sáng hàng ngày, những thanh niên trong độ tuổi ăn ngủ lại tự giác thức dậy, ra quét sân, gánh nước tưới cây, bổ củi... phụ giúp cho chùa. Ðến chiều, họ hăng hái ra khoảng sân rộng của chùa để luyện tập cùng đông đảo võ sinh CLB võ thuật cổ truyền chùa Long Phước.
“Anh em phương xa chúng tôi đã tìm về xin ở lại chùa thì không chỉ đơn thuần là cái thích nhất thời của tuổi trẻ, mà đã thực sự là đam mê, muốn được luyện tập đến nơi đến chốn. Trước đây tôi có thời gian tập một vài môn võ khác, nay được luyện tập võ cổ truyền Bình Ðịnh, thấy có nhiều điều cuốn hút, sâu sắc. Tôi thích không khí luyện tập võ thuật luôn tràn đầy hứng khởi tại chùa!”, anh Tạ Ngọc Thiện tâm tình.
“Chọn mặt gửi vàng”
Ðối với những người ở xa, khi chưa biết rõ về nhân thân, tâm tính, để tránh việc truyền dạy cho người sử dụng vào mục đích xấu, các võ đường trong tỉnh đều yêu cầu người học phải có lý lịch rõ ràng có xác nhận của địa phương nơi sinh sống; gia đình, hoặc bản thân làm cam kết chấp hành theo đúng quy định “võ đạo”. Sau đó, các bậc võ sư còn dành nhiều thời gian chú ý quan sát những cử chỉ, ứng xử của học trò để quyết định nên truyền dạy ít hay nhiều.
Võ sư Phi Long Vịnh chia sẻ: “Người có tâm tính xấu ở xa muốn tìm đến học võ để phục vụ cho những mưu đồ của họ thì bình thường có thể giả bộ hiền lành, nhưng khi tập luyện xong mệt mỏi ngủ say, lúc đó dáng nằm, cách duỗi chân, gác tay... đều để theo tự nhiên, nên tôi quan sát bộ hình khi ngủ của học trò kết hợp với những biểu hiện khác để phán đoán tính cách theo những bí quyết riêng mà các bậc cha ông cũng là bậc thầy dạy võ truyền lại. Nếu cảm thấy học trò nóng nảy, có tâm tính xấu, tôi lựa lời chỉ bảo, trong trường hợp thấy không có kết quả thì ít nhất không bao giờ truyền cho những đòn đánh có thể gây sát thương cao...”.
Nhiều võ đường nổi tiếng vùng đất võ Bình Ðịnh trước giờ vẫn giữ được sức hút đối với nhiều học trò phương xa không chỉ đơn thuần là dạy các bài võ đặc sắc, những đòn thế lợi hại, mà còn là nhờ có được các thầy võ đức độ, tận tâm truyền dạy và luôn hướng học trò đến những giá trị đạo đức cao đẹp, khí phách mạnh mẽ, trượng nghĩa của người học võ.
Anh Lương Trường Sinh (18 tuổi), võ sinh võ đường Phan Thọ, bộc bạch: “Bố mẹ tôi chiều theo mong muốn của con, nhưng trước khi cho tôi chuyển từ Hải Phòng vào nhà thầy Phan Thọ để vừa học văn hóa vừa luyện võ, họ đã vào tận nơi để tìm hiểu. Qua đó, bố mẹ tôi hoàn toàn yên tâm về môi trường sống, cách truyền dạy. Dù xa nhà trong 2 năm qua nhưng tôi cảm thấy hài lòng khi có điều kiện tập luyện nhiều hơn với sự kèm cặp tận tình của thầy. Ngay cả khi đến Tết cổ truyền, tôi muốn được thi đấu võ đài ngày xuân ở Tây Sơn nên xin phép không về quê thì bố mẹ cũng vui vẻ đồng ý...”.
MAI THƯ
HOÀI THU