Ngư dân Bình Ðịnh & khát vọng vươn khơi, bám biển
Mấy tháng qua, câu chuyện về biển, về ngư dân, về “những con tàu ẩn đầy tai họa”, những mảng sáng tối khác nhau, giúp người ta hình dung đời sống con người và những làng biển đa diện, phong phú và đầy đủ hơn; ở đó nét phóng khoáng, kiên cường đi cùng bi tráng.
Tàu cá của ngư dân ghé thăm đảo Đá Tây.
Gần gũi với ngư dân, tôi cảm nhận được một điều rất quý - họ không những kiên cường, bất chấp mọi hiểm nguy từ thiên tai đến nhân họa để vươn khơi bám biển, mà khát vọng làm giàu trên vùng biển quê hương của họ cũng rất lớn lao.
KHÁT VỌNG VƯƠN KHƠI, LÀM GIÀU
Không nói đâu xa, chuyện đời của lão ngư Nguyễn Văn Ái ở xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ) xứng đáng là một pho tiểu thuyết trường thiên. Xuất thân từ một gia đình ngư phủ đông con, nghèo khổ. Lớn lên, lập gia đình, ông Ái vẫn khổ. Thương cảnh túng bấn của con rể, gia đình phía vợ gom góp cho ông mượn một số tiền để ông mua chiếc ghe nhỏ đi biển kiếm kế sinh nhai. Ông Ái mừng như bắt được vàng, kể từ đó ông bám biển không ngơi nghỉ. Có được ít tiền nào, ông Ái hoán cải nâng cấp con tàu của mình ít đó. Từ tàu nhỏ đến to dần. Tàu to thì ông nâng cấp cho tốt hơn, rồi thì đóng tàu to hơn. Liên tục 10 năm đắm đuối với tàu bè như thế, ông Ái sở hữu 4 chiếc tàu “khủng”, trong đó có chiếc tàu vỏ gỗ mang số hiệu BÐ 94439 TS có công suất 900CV, đây là chiếc tàu cá có công suất lớn nhất suốt một thời gian dài ở Bình Ðịnh.
Chuyện của lão ngư Bùi Thanh Ninh (ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) có đôi chút khác nhưng tựu trung cũng là chuyện về những ngư dân yêu biển, say đắm với tàu thuyền. Ông Ninh cũng xuất thân từ một gia đình ngư phủ nghèo. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông vào nghề buôn cá chuồn và nuôi mộng sở hữu tàu cá. Ông dành dụm từng chuyến buôn, đến khi gần đủ sở hụi, ông vay mượn thêm để được sở hữu giấc mơ - đó là một chiếc tàu cá công suất nhỏ. Tàu rất nhỏ nhưng ước mơ và khát vọng của ông thì to. Rất to!
Biển không phụ lòng người, càng ngày ông Ninh càng ăn nên làm ra. Tiền tích lũy được, ông Ninh biến chúng thành tàu cá. Nay, ông Ninh đang “cầm chịch” 1 đội tàu có đến 16 chiếc tàu cá công suất lớn, trong đó có 10 chiếc là của riêng ông, 6 chiếc kia ông cũng đều có phần hùn. Giờ ông Ninh ở nhà điều hành đội tàu của mình qua hệ thống máy liên lạc tầm xa.
Thế mới biết khát vọng làm giàu của ngư dân mình lớn đến thế nào!
BÁM BIỂN LÀ YÊU NƯỚC!
Bám biển, đối với ngư dân không chỉ là để làm giàu, mà còn là để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. “Ruộng năng canh, biển năng hành”, mọi ngư dân đều ý thức như vậy. Họ liên tục có mặt trên biển. Thậm chí nhiều tháng liền các thuyền viên đi bạn trên những tàu cá không nhìn thấy căn nhà của mình, bởi tàu cập bến ở Cam Ranh, Vũng Tàu bán sản phẩm rồi đi ngay thì thuyền viên không đủ thời gian về thăm nhà. Nhớ lắm, mỗi khi tàu cập bờ là vợ dắt díu con cái đến tận bến cảng thăm chồng. Ngư dân là vậy!
Giữa trùng khơi mênh mông, chiếc tàu cá của ngư dân trông như chiếc lá mỏng. Nhưng ngư dân nước mình chưa bao giờ đơn độc. Bởi, vùng biển ngư dân đánh bắt luôn hiện diện những người lính.
Còn nhớ, trong một chuyến theo tàu ông Nguyễn Văn Ái ra biển Ðông, đánh bắt trên vùng biển Trường Sa. Khi tàu đến gần đảo Ðá Tây, tôi nghe tài công Nguyễn Minh Vương (con trai ông Ái) sai người xuống hầm bảo quản lựa những con cá ngon nhất để mang vào cho lính đảo cải thiện bữa ăn. Khi chiếc thuyền thúng của chúng tôi vừa cập đảo, những người lính đã ra tận bìa đảo đón chúng tôi với tình cảm không thể thân thiện hơn.
Có thể nói lính đảo, lính nhà giàn thức cho ngư dân lao động trên biển. Bởi đã chứng kiến họ mừng vui ra sao khi gặp nhau, tôi nghĩ - Có lẽ chỉ khi cùng vươn khơi, chứng kiến tình quân dân giữa đại dương mới cảm nhận trọn vẹn cái tình ấy khắng khít ra làm sao. Với riêng mình, chỉ riêng những cái ôm mà anh lính ghì lấy bác ngư dân tôi đã thấy đó là sự vĩ đại của chân thành!
“CÓ CHỒNG ĐI BIỂN HỒN TREO CỘT BUỒM!”
Càng gần gũi với ngư dân, trải nghiệm được những gian khổ, hiểm nguy của hoạt động đánh bắt trên biển, tôi càng thấm đẫm nỗi niềm của những người ở nhà.
Lần đầu đến quê biển Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn), một cán bộ xã kể: “Xã Hoài Hương có 699 chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ, hơn 90% trong số đó là tàu có công suất lớn với các nghề câu cá ngừ đại dương, lưới vây rút chì và câu mực khơi. Trên mỗi chiếc tàu như vậy có từ 10-12 thuyền viên. Xã vắng bóng thanh niên trai tráng là bởi họ đang lao động trên biển!”.
Lính đảo Đá Tây kéo ống bơm nước ngọt chia sẻ với ngư dân.
Ðối với người dân miền biển, hình ảnh ngày ngày “đầu ấp, tay gối” là quá xa xỉ trong đời sống vợ chồng. Chị Trương Thị Hồng Ngân - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoài Hương, cũng là một phụ nữ có chồng làm nghề biển, bày tỏ: “Gia đình làm nghề đến mấy đời rồi nhưng chồng con ra biển, ở trong bờ ai cũng lo, mẹ lo cho con, vợ lo cho chồng. Cũng không làm gì được hơn đâu nhưng lo là lo. Vào những ngày trở trời, mưa bão, nỗi lo càng thêm dày. Chuyện vợ ngư dân mất ngủ hàng chục ngày trời là chuyện bình thường!”.
Có không ít trông ngóng của những người vợ bị chìm sâu trong những con sóng biển vô tình. Theo trí nhớ của người dân địa phương, cơn bão số 5 xảy ra vào năm 1997 tại miền Nam đã cướp đi cùng lúc hàng trăm mạng sống của ngư dân sở tại. Người chết cả ghe, cả làng. Năm ấy, Hoài Hương chịu đại tang, nhiều gia đình có đến 4-5 người chết. Từ đó đến nay, đến tháng 10 hàng năm là những bữa giỗ tưởng nhớ người chết diễn ra kín các làng chài Thạnh Xuân, Thạnh Xuân Ðông, Thạnh Xuân Bắc, Ca Công, Ca Công Nam. Phụ nữ góa chồng ở độ tuổi từ hơn 30 đến 55 tuổi ở Hoài Hương không thể tính hết.
Nói về con số thống kê những nạn nhân ở Hoài Hương mất mạng trên biển từ trước đến nay, một lãnh đạo xã Hoài Hương trầm ngâm: “Thiệt tình là hồi giờ không thống kê. Chết vì sóng to gió lớn lật úp tàu. Chết do bị tàu khác tông chìm tàu. Chết vì tai nạn trong lúc đang hành nghề trên biển. Rủi ro luôn bủa vây họ! Nhưng nghề nào mà không có tai nạn? Ăn cơm cả đời mà có lúc răng còn cắn trúng lưỡi kia mà! Phải nhắc nhau gìn giữ cẩn thận hơn thôi!”.
ÐỪNG BAO GIỜ ĐÂM SAU LƯNG NGƯ DÂN
Tiếp xúc, làm việc với ngư dân suốt thời gian dài, tôi nhận ra điều không thể chối cãi là họ vô cùng thật thà. Những người “ăn đằng sóng, nói đằng gió” không điêu ngoa bao giờ. Họ nói như “cóc cắn”, như “đinh đóng cột”; họ làm tận lực, hết lòng. Thế nên thật không thể hiểu nổi vì sao những công ty đóng tàu bề thế là như vậy mà lại nỡ đi lừa những ngư dân chất phác. Ví như Công ty TNHH Ðại Nguyên Dương ở Nam Ðịnh, ký hợp đồng với ngư dân là tàu được đóng bằng vật liệu thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, thế nhưng sau khi báo chí phản ánh tàu vỏ thép mới đóng chưa đầy năm mà đã rệu rã như cục sắt vụn, sau đó ngành chức năng phát hiện ra vỏ thép đã bị đánh tráo từ thép Hàn Quốc/Nhật Bản thành thép Trung Quốc.
Bên cạnh đó, đơn vị cung ứng máy tàu để Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) lắp vào tàu vỏ thép cho ngư dân là Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát (TP Hồ Chí Minh) cũng đánh tráo máy Mitsubishi chính hãng, nguyên đai nguyên kiện thành máy “đểu”, không đồng bộ. Sự thể trên khiến những con tàu vỏ thép có giá trị gần 20 chục tỉ đồng/chiếc mới xuất xưởng, vận hành chỉ vài ba chuyến biển đã phải nằm bờ, gây thiệt hại cho ngư dân cả về tiền bạc lẫn tinh thần, suốt mấy tháng ròng rã tàu neo bờ!
***
Vậy nên xin kết thúc bài viết này bằng tâm sự của một trai bạn đang vươn khơi bám biển: Ngư dân là cột mốc di động khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, xin đừng đâm sau lưng ngư dân!
VŨ ÐÌNH THUNG