Phát triển nuôi tôm công nghệ cao
Thực tế cho thấy, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nuôi tôm là một trong những giải pháp nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nghề nuôi tôm bền vững của tỉnh.
HỒ NUÔI TÔM GẮN... MÁY LẠNH
Ðến nay, khu nuôi tôm thương phẩm CNC rộng gần 8 ha của Công ty TNHH Nuôi trồng, chế biến thủy sản xanh ở thôn Tân Thắng, xã Cát Hải (huyện Phù Cát) đã được DN xây dựng tường rào kiên cố; người và phương tiện ra vào đều được tiêu độc, khử trùng. Mọi hoạt động trong khu nuôi tôm được giám sát bởi hệ thống camera và các thiết bị hiện đại khác.
Ông Phan Đắc Uy, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng, chế biến thủy sản xanh kiểm tra tôm nuôi.
Chủ doanh nghiệp, ông Phan Ðắc Uy, đưa chúng tôi tham quan khu nuôi tôm và giới thiệu quy trình đầu tư: Năm 2015 tôi xây dựng 7 hồ và đến nay số hồ nuôi tôm đã tăng lên con số 17. Mỗi hồ rộng 2.500 m2, sâu từ 2-2,6 m đều được xây dựng bằng bê tông xi măng, đáy hồ được trải bạt bằng cao phân tử tổng hợp. Nước trong hồ được xử lý bằng vi sinh và luôn hiện diện vi khuẩn có lợi với mật độ cao. Mỗi hồ được trang bị máy sục khí và hệ thống máy làm lạnh hoạt động liên tục, nhằm đảm bảo nước luôn ở nhiệt độ 280C. Vấn đề môi trường xanh, sạch luôn được đảm bảo, tôm nuôi rất an toàn. Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm công ty có doanh thu từ 6-8 tỉ đồng tiền bán tôm.
Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam – chi nhánh Bình Ðịnh 3 tại xã Mỹ An và Công ty CP Việt - Úc Bình Ðịnh tại xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) cũng đã thành công trong sản xuất giống tôm thẻ chân trắng áp dụng CNC. Ông Chế Thanh Hưng, Giám đốc Công ty CP Việt – Úc Bình Ðịnh, cho biết: Khu nuôi tôm giống CNC khép kín của công ty luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Tôm bố mẹ được nhập từ Mỹ và Australia đạt tiêu chuẩn quốc tế. Công ty đầu tư trang thiết bị hiện đại để xử lý nước trước khi thả tôm bố mẹ và sản xuất tôm giống. Trong quá trình nuôi không dùng bất kỳ một loại hóa chất, kháng sinh nào mà chủ yếu sử dụng tảo, ấu trùng làm thức ăn, đảm bảo môi trường cho tôm post phát triển tốt nhất. Tôm giống do công ty sản xuất và cung cấp đảm bảo chất lượng cao. 6 tháng đầu năm 2017, công ty đã cung cấp cho người dân trong và ngoài tỉnh 609,22 triệu con tôm giống.
Theo các DN, nuôi tôm áp dụng CNC giúp chủ đầu tư chủ động hoàn toàn về lịch thời vụ, con giống, chăm sóc và thu hoạch. Sản lượng tôm nuôi và hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với nuôi tôm truyền thống. Với quy trình xử lý nguồn nước và thức ăn, chất thải tôm nuôi, nuôi tôm áp dụng CNC không gây ô nhiễm môi trường.
HƯỚNG ĐẾN VÙNG NUÔI TÔM CNC
Bình Ðịnh có nhiều lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng, nhưng nghề nuôi chưa đạt kết quả như mong muốn. “Diện tích mặt nước sử dụng nuôi tôm phân tán và nhỏ lẻ; cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi chưa được đầu tư đúng mức. Tại nhiều địa phương, hệ thống thủy lợi được sử dụng chung cho sản xuất nông nghiệp và nuôi tôm, nên môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Kinh phí đầu tư và ý thức cộng đồng trong nuôi tôm cũng như công tác quản lý dịch hại còn hạn chế, nên thu nhập từ tôm nuôi rất bấp bênh. Lượng thức ăn thừa của tôm và chất thải tôm nuôi hàng năm chưa được xử lý đang gây ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi” – ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhìn nhận.
Tỉnh ta đã quy hoạch vùng nuôi tôm CNC tại xã Mỹ Thành (Phù Mỹ), diện tích 460 ha, và tại xã Cát Thành (Phù Cát), diện tích 150 ha; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư tại các vùng nuôi đã quy hoạch. Ðến nay, trong số 6 DN đăng ký thực hiện 6 dự án đầu tư nuôi tôm thương phẩm áp dụng CNC tại 2 vùng nuôi nói trên, có 2 dự án đã được tỉnh chấp thuận và DN đang triển khai thực hiện. Tại xã Mỹ Thành, Công ty CP Việt - Úc Bình Ðịnh đang triển khai dự án nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh CNC khép kín trên diện tích 300 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỉ đồng. Tại xã Cát Thành, Công ty TNHH Thành Ly cũng đã thực hiện dự án nuôi tôm thương phẩm ứng dụng CNC với vốn đầu tư hơn 284 tỉ đồng trên diện tích 48 ha. Ngoài ra, Công ty TNHH Nam Việt Bình Ðịnh, Công ty TNHH Thành Hiệp, Công ty TNHH Thạnh Vân, Công ty TNHH Nuôi trồng, chế biến thủy sản xanh cũng đã hoàn thành các thủ tục cần thiết chuẩn bị thực hiện dự án nuôi tôm thương phẩm CNC tại xã Cát Thành.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Sở NN&PTNT tiếp tục triển khai quy hoạch chi tiết tại các vùng nuôi tôm áp dụng CNC, đồng thời xây dựng tiêu chí nuôi tôm CNC. Sở cũng đang đề xuất, kiến nghị tỉnh triển khai một số chính sách của Trung ương và của tỉnh liên quan đến lĩnh vực đầu tư phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó có việc đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi và hoạt động sản xuất giống thủy sản. Mặt khác, xây dựng chuỗi sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại các vùng đã quy hoạch.
PHẠM TIẾN SỸ