Trên hành trình của ký ức
Phủ trên mình lớp bụi thời gian, nhưng những kỷ vật thời chiến vẫn lấp lánh yêu thương tích tụ. Kỷ vật trao đi, kỷ vật nhận về, hành trình của ký ức mãi tiếp nối dù những năm tháng lửa đạn ngày một lùi xa.
Trao đi ký ức
Cuối tháng 7.2017, gia đình anh Võ Ðình Kha (TP Quy Nhơn) có chuyến đi đặc biệt đến Khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Ðặc biệt là bởi, đó là dịp diễn ra lễ giỗ tập thể chiến sĩ hy sinh tại Phú Quốc lần thứ 5. Giữa không khí tất bật, lãnh đạo Khu di tích vẫn dành cho anh Kha một cuộc đón tiếp trọng thị. Anh mang theo và trao tặng một kỷ vật thiêng liêng: quyển hồi ký của cha - cựu tù binh Võ Cường, tức Võ Phi Hùng (1927 - 2005).
Ông Võ Cường nguyên là Bí thư Huyện ủy Phù Cát, bị địch bắt đày ra nhà tù Phú Quốc năm 1967, giam giữ tại khu B2. Trong tù, ông tiếp tục là Bí thư Chi bộ khu B2, là một trong những người tổ chức, chỉ huy đào hầm vượt ngục ngày 12.2.1969. Sau khi ra tù, ông được tổ chức phân công làm phó ban nghiên cứu nhà tù Phú Quốc. Ông viết hồi ký tù binh chiến tranh Phú Quốc, với nội dung chính là lịch sử hình thành nhà tù Phú Quốc, các hoạt động đấu tranh của tù binh, các hình thức, thủ đoạn tra tấn rất dã man của Mỹ - Ngụy; cùng hoàn cảnh hy sinh của từng chiến sĩ…
“Sinh thời, ba giữ rất kỹ quyển hồi ký. Sau khi ba mất, tôi mới được cầm tận tay, đọc tận mắt từng dòng chữ. Nhận thấy đây là các thông tin rất quý giá, tôi quyết định tặng lại cho Ban Quản lý Khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc để làm tài liệu nghiên cứu. Sự đón nhận nghiêm cẩn của các anh chị làm tôi rất xúc động, không kìm được nước mắt. Lần này ra Phú Quốc, tôi còn may mắn được gặp nhiều đồng đội cùng đào hầm vượt ngục với ba, được nghe để hiểu hơn về những tháng ngày khổ ải nhưng đầy vinh quang của ba tôi và các chú, các bác”, anh Kha kể lại.
Nhận về yêu thương
Chiều ngày 6.7, UBND xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát tổ chức lễ trao kỷ vật đi B cho đại diện 16 gia đình trên địa bàn xã. Năm nay đã 68 tuổi, lại là thương binh, nhưng bà Trần Thị Ngọc còn hoạt bát lắm. Bà trực tiếp lên nhận hồ sơ của cha Trần Công Cứ. Hồ sơ tập hợp đầy đủ giấy tờ tùy thân, sơ yếu lý lịch, bằng khen, giấy khen của người chiến sĩ cách mạng từng vào Nam ra Bắc suốt chiều dài cuộc chiến.
Bà Trần Thị Ngọc xem lại hồ sơ đi B của người cha Trần Công Cứ.
Cha đi Bắc lúc bà Ngọc mới 6 tuổi. Ký ức về cha là đôi lá thư gửi về từ xa xôi. Năm 1962, ông về Nam, đóng quân ở K18 (Hoài Ân), thỉnh thoảng lén về thăm nhà. Rồi cả nhà bị lộ, bà Ngọc và mẹ Dương Thị Cút cũng phải rút lên núi hoạt động. Mẹ Cút hy sinh năm 1966. Cũng năm này, chồng bà Ngọc là Trần Ngọt cũng hy sinh. Còn bà thì bị địch bắt giam khắp các nhà tù ở Quy Nhơn, Nha Trang. Trong thời gian con gái biệt tăm tích trong trại giam, ông Cứ lại bị trọng thương, phải ra Bắc điều trị. Cảm động trước sự chăm sóc tận tình của cô y tá Cao Thị Thanh, ông cùng bà nên nghĩa vợ chồng, về Phù Cát sinh sống sau ngày giải phóng.
“Tôi nhớ mãi, má hy sinh 2 ngày sau ba mới về chịu tang được. Khi ông bị thương nặng thì đứa con gái duy nhất lại trong tù không liên lạc được. Sau này, khi đoàn tụ đến lúc qua đời cách đây 5 năm, ba luôn dành cho tôi nhiều sự quan tâm, chăm sóc. Ngay cả hồ sơ thương binh của tôi cũng tự tay ba nắn nót viết lấy. Nhận hồ sơ đi B của ba, tôi nhận ra ngay nét chữ đẹp, thong thả không lẫn vào đâu được, nhìn chữ mà nhớ người”, bà Ngọc xúc động tâm sự.
Ðặc biệt hơn, sau khi được bà Ngọc tiếp nhận, hồ sơ đi B của ông Cứ được gia đình người vợ sau (hiện ở thị trấn Ngô Mây) lên mượn về. Ðể con của ông (có người sinh sau giải phóng) có được hình dung về người cha của một thời dọc ngang chinh chiến...
Và chuyện của những người kết nối
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017), Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh (thuộc Sở Nội vụ) đã tiếp nhận, sắp xếp khoa học, hệ thống lại toàn bộ Danh mục hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B theo địa chỉ và giao cho các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức trao trả cho thân nhân của họ. Theo đó, đã có 4.258 hồ sơ cán bộ đi B được giao; cụ thể, huyện Phù Mỹ 882 hồ sơ, huyện Hoài Nhơn 838 hồ sơ, huyện Tây Sơn 702 hồ sơ, huyện Tuy Phước 632 hồ sơ, huyện Phù Cát 625 hồ sơ, huyện Hoài Ân 491 hồ sơ, TX An Nhơn 426 hồ sơ, TP Quy Nhơn 62 hồ sơ, huyện Vĩnh Thạnh 26 hồ sơ, huyện Vân Canh 22 hồ sơ, huyện An Lão 7 hồ sơ.
Nghe qua thì đơn giản, nhưng trên thực tế, để hồ sơ đi B đến được tay của người nhận không hề dễ dàng. Theo anh Nguyễn Minh Nhật - Trưởng phòng Lưu trữ lịch sử (Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh), khó khăn lớn nhất là quá trình chia tách địa giới hành chính khiến các địa danh trên hồ sơ không còn chính xác trên thực tế. Thêm vào đó, thân nhân của nhiều cán bộ đi B đã nhiều lần chuyển chỗ ở, tìm đúng địa chỉ mới thật gian nan.
“Hiện còn 82 hồ sơ được các địa phương chuyển trả để rà soát, xác minh lại. Dù khó khăn thế nào, chúng tôi quyết tâm cũng phải sớm tìm ra chính xác người nhận. Bởi, hơn ai hết, chúng tôi được chứng kiến rất nhiều câu chuyện xúc động khi con cháu được nhận kỷ vật của cha ông. Có người tìm được bức ảnh cha để thờ, mừng đến phát khóc. Có người ở tận Cao Bằng, qua kỷ vật của cha mà tìm được anh em máu mủ ở Hoài Ân. Hạnh phúc của họ cũng chính là động lực của chúng tôi”, anh Nhật chia sẻ.
NGUYỄN VĂN TRANG