Vợ chồng GS. Trần Thanh Vân và GS. Lê Kim Ngọc: “Là người Việt thì trở về giúp người Việt mình thôi”
Ðó là tâm nguyện của đôi vợ chồng nay đã ở tuổi “cổ lai hy”. Chưa một lần ngơi nghỉ, họ miệt mài trên chặng đường cống hiến cho quê hương Việt Nam, bằng lòng nhiệt thành và niềm say mê…
Vợ chồng GS. Trần Thanh Vân và GS. Lê Kim Ngọc (đứng giữa) trao đổi cùng Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trong hội thảo khoa học về môi trường diễn ra đầu tháng 3.2017 tại Bình Định. Ảnh: Văn Lưu
Với nhiều người, GS. Trần Thanh Vân là Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam (tại Pháp), còn “nội tướng” của ông - GS. Lê Kim Ngọc - ngược xuôi với Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam (tại Pháp) do bà làm Chủ tịch. Ít ai biết rằng, cả trong khoa học, giáo dục cho đến những hoạt động xã hội, họ luôn song hành.
Khoa học không biên giới
GS. Trần Thanh Vân quê gốc Ðồng Hới (Quảng Bình). Năm 1953, ông qua Pháp học tập, bảo vệ thành công luận án thạc sĩ và sau đó trở thành tiến sĩ về lĩnh vực vật lý hạt cơ bản. Ông đã giảng dạy tại Ðại học Paris, là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, được Viện Hàn lâm khoa học Nga bầu làm Viện sĩ danh dự. Ông đã có trên 300 công trình khảo luận và 115 đầu sách về vật lý.
Nếu GS. Vân là “bậc thầy của các nhà nghiên cứu lý thuyết vật lý nguyên tử” thì vợ ông - GS. Lê Kim Ngọc- được cộng đồng khoa học công nhận là “bậc thầy của các nhà nghiên cứu về thực vật học” khi khám phá quy luật của quá trình nở hoa, nuôi cấy và điều khiển các tế bào biểu bì đã biệt hóa nở hoa theo ý muốn, và là người đầu tiên trên thế giới đưa ra khái niệm “lát mỏng tế bào” (thin cell yayer) - một khám phá tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật.
Song, điều khiến giới khoa học nể trọng ông bà không chỉ nằm ở những thành tựu nghiên cứu. Ông bà nguyện là cầu nối của các nhà khoa học không biên giới, khi sáng lập 3 diễn đàn quốc tế lớn, nơi các nhà vật lý thế giới hội tụ và trao đổi học thuật. Ðó là những hội thảo quốc tế: Gặp gỡ Moriond năm 1966, Gặp gỡ Blois năm 1989, và Gặp gỡ Việt Nam năm 1993.
Tại Chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XI, UBND tỉnh phối hợp với ICISE tổ chức trao học bổng cho các học sinh giỏi tiêu biểu của tỉnh. Ảnh: Văn Lưu
Trong đó, đáng chú ý là chuỗi chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” vô cùng thành công, đến mức ông bà quyết định cần có một địa chỉ cố định để biến Việt Nam thành một “điểm” gặp gỡ khoa học của thế giới. Giấc mơ thành hiện thực, năm 2013, với nỗ lực không mệt mỏi của ông bà, Trung tâm ICISE đã được khánh thành ở Quy Nhơn. Từ đó đến nay, Trung tâm đã đón tiếp rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới, kể cả những chủ nhân của giải thưởng Nobel danh tiếng. Không chỉ là nơi gặp gỡ, các hội nghị được tổ chức trong chuỗi “Gặp gỡ Việt Nam” đã thật sự hun đúc tinh thần ham mê khoa học của giới trẻ trong nước.
Cũng chính vì giới trẻ mà ông bà kết nối với tổ chức Bàn tay nặn bột (Pháp) để phổ biến phương pháp dạy khoa học này đến tất cả bạn trẻ Việt Nam. Bên cạnh đó là rất nhiều chương trình học bổng do chính ông bà tích cóp từ đồng lương hưu của mình, cũng như vận động bạn bè chung tay để tiếp sức cho các thế hệ học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh của Việt Nam tiếp tục con đường học tập trong và ngoài nước. Ðó là Quỹ học bổng Gặp gỡ Việt Nam- Vallet, chỉ riêng năm 2017 đã dành 1 triệu euro (khoảng 26 tỉ đồng) để trao 2.500 học bổng cho học sinh, sinh viên trên toàn quốc; giúp đỡ, tạo điều kiện cho các sinh viên Việt Nam xuất sắc có cơ hội sang Pháp học tập.
“Chúng tôi làm tất cả những điều này chỉ với một niềm mong mỏi là góp phần đào tạo một thế hệ trẻ Việt Nam có kiến thức và năng lực ngang tầm quốc tế, để trong một tương lai không xa có thể sánh vai với bạn bè trên thế giới”, GS. Trần Thanh Vân cho hay.
Giữa những hội thảo khoa học quốc tế diễn ra tại ICISE, tôi vẫn thấy hai dáng nhỏ nhắn của vợ chồng GS. Trần Thanh Vân và GS. Lê Kim Ngọc - một người lo cho những hoạt động chính của hội thảo, một người xắn tay vào những khâu “hậu cần”, chăm chút cho từng bữa ăn, cẩn trọng trong từng trang ghi chép của quyển sổ lưu kỷ niệm của các nhà khoa học…
Có câu rằng, tài sản quý báu nhất là trái tim. Nhiều nhà khoa học đến với Gặp gỡ Việt Nam phần nhiều đều bằng tấm lòng với vợ chồng GS. Trần Thanh Vân. Nhiều người trong số ấy, khi nói chuyện với chúng tôi về họ, đều thân mật gọi: “Vân - Ngọc là bạn của chúng tôi!”.
“Muốn giúp đất nước mình”
Và xa hơn, sâu hơn, không chỉ dừng lại ở giới học sinh, sinh viên, ông bà giáo sư còn mở rộng vòng tay yêu thương đến những mảnh đời khốn khó nhất với một tâm hồn nhân ái. Bà Lê Kim Ngọc gặp chồng năm 1958, khi đang bán những tấm bưu thiếp cho một tổ chức giúp đỡ người Việt Nam. Trong khi chiến tranh tàn phá Việt Nam, năm 1970, bà sáng lập Hội “Giúp đỡ trẻ em Việt Nam - Aide à l’Enfance du Vietnam” để cứu giúp hàng ngàn trẻ em Việt Nam có thể được “sống tuổi thơ” của mình cho dù bị bạo lực, bị bỏ rơi, nghèo đói.
Ðể huy động được quỹ, ông bà đã bỏ ra nhiều đêm bán bưu thiếp. Chỉ riêng năm 1971, một triệu tấm bưu thiếp như thế đã được bán. Và, các làng SOS Ðà Lạt, Huế, Ðồng Hới mà ông bà đã góp công sáng lập, xây dựng, bảo trợ, giờ đã là nơi nương tựa yên bình và hy vọng của trẻ em bất hạnh. GS. Lê Kim Ngọc tâm sự: “Tiền bạc và danh dự có thể tan như mây như khói, chỉ lòng trắc ẩn và tình yêu thương tha nhân mới có giá trị vĩnh hằng”. Sự nghiệp, cuộc đời bà là một minh chứng.
Những nhà khoa học đang đứng trên đỉnh cao khoa học thế giới khi đến Bình Ðịnh dự các hội nghị khoa học, ngoài mối thâm tình còn là sự ngưỡng vọng tấm lòng của vợ chồng giáo sư người Việt dành cho nước Việt. “Những điều mà những người bạn của tôi - Vân và Ngọc làm, có thể nói là những điều không thể tin được. Năm 2014, tôi và vợ con đã đến thăm làng SOS ở Huế; không riêng gì nơi đây, mà họ tài trợ cho những trẻ em mồ côi trên khắp cả nước. Ðiều đó thật tuyệt vời!” - GS. David Gross (Nobel Vật lý năm 2004) từng nói với chúng tôi trong lần ông đến Bình Ðịnh dự Gặp gỡ Việt Nam 2016.
Ðầu tháng 9.2016, GS. Lê Kim Ngọc được nhận Huân chương hiệp sĩ Bắc đẩu Bội tinh, được chính tay ông François Hollande - Tổng thống Cộng hòa Pháp lúc bấy giờ, trong chuyến công du tại Việt Nam - trao tặng. Hiếm có một gia đình nào tại Pháp có vinh dự cả vợ và chồng đều được nhận huân chương cao quý này. Trong bài phát biểu của mình, ông François Hollande khẳng định thế giới cần những bài học như bài học của cuộc đời bà Kim Ngọc.
Ðứng trên đỉnh cao của sự vinh danh cả về khoa học, hoạt động cộng đồng, và với vợ chồng giáo sư, quay về cống hiến cho quê hương Việt Nam là một sự hiển nhiên, như lời của GS. Trần Thanh Vân: “Phần lớn cuộc đời chúng tôi đã làm cho các nước ngoài. Dĩ nhiên, là người Việt Nam, chúng tôi luôn muốn giúp cho nước mình được chừng nào hay chừng đấy!”.
THU HIỀN