Tuy Phước: Ðẩy mạnh truy quét, xử lý nạn xung điện, xiếc máy
Tình trạng người dân sử dụng xung điện, xiếc máy (XÐXM) để khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt trên đầm Thị Nại thuộc địa bàn huyện Tuy Phước đang tái diễn phức tạp, gây cạn kiệt, suy thoái nguồn lợi thủy sản. Hiện nay, Ðội phòng chống XÐXM của huyện đang tích cực đẩy mạnh việc truy quét, xử lý vấn nạn này.
Ghe gắn XĐXM để khai thác thủy sản trên đầm Thị Nại đang neo đậu tại thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận chờ về đêm để hoạt động.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, toàn huyện đang tồn tại trên 20 ghe máy gắn XĐXM, tập trung chủ yếu ở xã Phước Thuận. Để ngăn chặn, xử lý việc người dân khai thác thủy hải sản theo kiểu tận diệt này, từ đầu năm 2017 đến nay, các đội tuần tra thuộc Đội phòng chống XĐXM của huyện đã phối hợp với nhóm đồng quản lý 4 xã khu Đông là Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng và Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức 27 chuyến tuần tra và truy bắt. Kết quả, đã bắt và xử lý theo quy định 5 ghe máy hành nghề cấm; trong đó, 4 giã cào, 1 XĐXM và 12 bộ rà cầm tay, đề xuất xử phạt trên 27 triệu đồng.
Ông Phạm Quang Ân, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, phân tích: Lợi nhuận từ việc sử dụng ghe gắn XĐXM hành nghề khai thác thủy hải sản mang lại thu nhập cao (từ 2 - 3 triệu đồng/chuyến), nên các đối tượng bất chấp để vi phạm với nhiều hình thức tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng như: Thuê người theo dõi hoạt động của Đội phòng chống XĐXM của huyện để thông tin, cảnh báo cho nhau trốn tránh, hoặc chạy ghe vào neo đậu ở nơi gần nhất và giấu kích điện.
“Ðối tượng sử dụng XÐXM để khai thác thủy sản mỗi ngày có thể kiếm được từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng. Nhưng cái giá phải trả cho việc làm này rất lớn. Tài nguyên thủy sản cạn kiệt và môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sử dụng XÐXM khai thác thủy sản còn rất nguy hiểm đối với người sử dụng, vì chỉ cần thiếu cẩn trọng trong tích tắc, có thể bị điện giật dẫn đến chết người”
Ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, Tuy Phước
Vì vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xử lý XĐXM trên đầm Thị Nại đang tồn tại không ít bất cập. Ông Phạm Quang Ân thừa nhận, chính việc rò rỉ thông tin của các đội trước khi xuất quân tuần tra, truy bắt đối tượng XĐXM đã khiến hiệu quả tuần tra mang lại chưa cao. Ngoài ra, các xã cũng chưa thật sự quan tâm đến công tác tuần tra, truy bắt các đối tượng sử dụng ghe gắn XĐXM để khai thác thủy sản ở mặt nước tự nhiên trên đầm Thị Nại theo phân cấp quản lý ở địa phương; kinh phí hoạt động tuần tra còn hạn chế nên chưa tổ chức lực lượng tuần tra, truy bắt thường xuyên.
Để giải quyết những hạn chế này, ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: “UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát, lên danh sách toàn bộ số người sử dụng XĐXM khai thác thủy hải sản để tiếp tục theo dõi, xử lý; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể hướng dẫn các hộ hành nghề cấm phải chuyển đổi nghề để có thu nhập ổn định và không vi phạm pháp luật; đồng thời, Đội phòng chống XĐXM huyện cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuần tra, xử lý kiên quyết các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, huyện kiến nghị Sở NN&PTNT rà soát, đánh giá, đề xuất UBND tỉnh xem xét đưa ghe có gắn gọng XĐXM vào danh mục cấm để tạo điều kiện cho các lực lượng tuyên truyền, xử lý triệt để, phục hồi nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái trên đầm Thị Nại”.
NHƠN HỘI