Xây dựng sản phẩm đặc trưng theo vùng miền
Tại hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch” do Tổng cục Du lịch và Báo Lao Động vừa phối hợp tổ chức, nhiều nhà quản lý và các doanh nghiệp đều cho rằng, ngành du lịch nên tham khảo, học hỏi và sáng tạo sản phẩm đặc trưng theo cách riêng dựa trên lợi thế của Việt Nam.
Nhiều món ăn Việt hấp dẫn khách du lịch nước ngoài.
Du lịch Việt Nam trong nhiều năm qua đã gặt hái được nhiều thành công nhất định. Sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tài nguyên, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập…
Sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng quyết định nên vị thế của ngành du lịch - ngành công nghiệp không khói với các quốc gia trên toàn thế giới. Việt Nam có lợi thế rất lớn về sản phẩm du lịch thiên nhiên và văn hóa so với các nước trong khu vực. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước thừa nhận rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ thống tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa tận dụng nguồn tài nguyên này để tạo ra những sản phẩm chủ lực, đặc trưng. Bà Nguyễn Lê Hương - Phó TGĐ Vietravel - cho rằng, sản phẩm du lịch chủ yếu tập trung vào khai thác thiên nhiên, cũng như nền văn hoá lâu đời. Đây cũng là một điểm đưa du lịch Việt Nam nổi trội giữa các nước ASEAN. “Chúng ta khai thác khá tốt sản phẩm du lịch trong khoảng thời gian từ 7 - 18 giờ, còn 18 giờ đến đêm khuya gần như lại bị bỏ trống. Khoảng thời gian “vàng” này sẽ giúp du khách tự khám phá, tìm hiểu văn hóa ẩm thực, cuộc sống hằng ngày của người dân địa phương”.
Mới đây, Viettravel có cuộc trao đổi cùng UBND TP Huế xoay quanh vấn đề "Sáng và Sống", để làm sao Huế có thể “sáng” vào giữa đêm nhằm thu hút du khách và “sống” được khi mà cho du khách thấy sự sống động của một cố đô hết sức yên bình, “đó mới là nét đặc trưng nhất mà du lịch Việt Nam để lại dấu ấn trong lòng mỗi du khách” - bà Hương cho biết thêm.
Đại diện của Công ty Vietravel cũng nhấn mạnh, nên xây dựng sản phẩm đặc trưng theo từng vùng miền, xóa đi thực trạng sản phẩm du lịch Việt Nam bị đánh giá là đơn điệu và trùng lắp. Cụ thể, khu vực miền núi Bắc Bộ có thể xây dựng loại sản phẩm mang đậm chất thiên nhiên, sinh thái, các loại hình du lịch mạo hiểm, tham quan cảnh sắc tự nhiên; đặc thù của khu vực TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ là du lịch về nguồn, giá trị lịch sử và loại hình hội nghị; khu vực đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là du lịch sinh thái miệt vườn, kết hợp nghỉ dưỡng…
Đặc biệt, Việt Nam trải dài từ Bắc đến Nam nên mang theo văn hóa vùng miền, từ đó tạo ra nhiều loại hình ẩm thực khác nhau trong tổng số hơn 3.000 món ăn, như miền Bắc chú trọng vào hương vị tự nhiên, miền Trung đại diện cho ẩm thực cung đình, dân gian, miền Nam mang dư vị của thời khẩn hoang, mộc mạc. Do đó, có thể nói, VIệt Nam là một trong những quốc gia có nền ẩm thực phong phú, đa vị và ẩn chứa cả nghệ thuật và truyền thống dân tộc. Đây thực sự là di sản văn hóa phi vật thể mang tính bền vững, là thế mạnh của du lịch Việt Nam, cần phải được giữ gìn, phát huy, biến nguồn tài nguyên thành tài sản quý giá để khai thác, lấy đó làm cơ sở để định vị thương hiệu, quảng bá xúc tiến hình ảnh du lịch Việt Nam ra nước ngoài.
Theo Thanh Hương (LĐ)