An Lão: Các lò sấy cau nhộn nhịp vào mùa
Thời điểm này, cây cau đang vào vụ thu hoạch chính, cũng là lúc các cơ sở chế biến, sấy cau khô ở An Lão hoạt động hết công suất, kéo dài cho đến đầu tháng Chạp. Các lò sấy cau tập trung ở các xã An Tân, An Hòa và thị trấn An Lão.
Cau khô được loại bỏ những quả già trước khi đóng bao xuất bán sang Trung Quốc. Ảnh: DIỆP THỊ DIỆU
Chị Hồng, chủ một lò sấy cau ở thôn Tân Lập, xã An Tân cho biết, hiện giá cau trái được cơ sở mua khoảng 23.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với trước đây nông dân tự hái cau mang ra chợ bán. “Mùa cau bắt đầu từ tháng 6 - 11 âm lịch, cũng là lúc chúng tôi làm việc cật lực. Trung bình mỗi ngày tôi mua vào từ 2-3 tấn cau tươi, xuất 2 chuyến cau khô/tháng, gần 10 tấn. Vậy mà, lò sấy vẫn đáp ứng không xuể nhu cầu của đối tác, có bao nhiêu họ mua hết bấy nhiêu”, chị Hồng nói.
Tương tự, lò sấy cau của ông Lan, ở thôn Long Hòa, xã An Hòa, cũng đang hoạt động cả ngày lẫn đêm. Mỗi ngày lò sấy có 20 - 30 nhân công làm việc, với thu nhập từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng/tháng (tùy vị trí làm việc).
Anh Nguyễn Bình, một người buôn cau có thâm niên ở thị trấn An Lão, cho biết, trung bình mỗi ngày anh mua được 100 - 200 kg cau bán cho chủ mối, lãi vài trăm ngàn đến cả triệu đồng/ngày.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi lò sấy có công thức chế biến và sấy cau khô khác nhau. Tựu chung là cau thu mua về sẽ được vặt quả rồi luộc chín trong khoảng 1- 2 giờ, sau đó sấy khô thêm nhiều giờ nữa. Tiêu chuẩn cau các lò thu mua là cau non, cắn còn nước, sau khi sấy khô cau teo lại bằng ngón tay cái. Qua công đoạn sấy khô, cau sẽ được đóng bao, bán sang Trung Quốc để chế biến kẹo cau và ăn trầu. Giá cau sấy khô được các lò sấy bán cao gấp hàng chục lần so với mua cau tươi.
Toàn huyện An Lão có 68 ha cây cau đang cho thu hoạch trái, bình quân 1 cây cho thu hoạch khoảng 15 kg trái/ năm. Đây cũng là địa phương có diện tích trồng cau lớn nhất tỉnh.
Cau được giá, người trồng cau ở An Lão có thêm nguồn thu nhập. Đồng thời, với sự xuất hiện của các cơ sở sấy cau khô, cây cau đã có vị trí nhất định trong thu nhập của người dân An Lão, nhất là ở hai xã An Vinh và An Dũng, nơi cây cau được trồng nhiều nhất huyện.
DIỆP THỊ DIỆU