Bừng sáng Phương Mai
Không quá chút nào nếu nói bán đảo Phương Mai đang khoác lên mình chiếc áo mới bằng năng lượng nội sinh mạnh mẽ. Một vùng đất hội tụ nhiều thế mạnh của du lịch biển đảo đang chuyển mình từng ngày. Những cái tên như Hòn Khô (xã Nhơn Hải), Kỳ Co, Eo Gió, Bãi Dứa, Hòn Sẹo (xã Nhơn Lý), thuộc TP Quy Nhơn, hay Trung Lương (xã Cát Tiến, Phù Cát)… không ngừng tạo sức hút trên bản đồ du lịch Việt Nam và đang vươn xa ra tầm quốc tế.
Nếu như cách đây chừng hơn 3 năm thôi, Quy Nhơn - Bình Ðịnh vẫn là cái tên khá mới mẻ với giới chuyên du lịch thì nay đã là một trong những điểm đến hấp dẫn và thú vị nhất tại Việt Nam. Ở bình diện chung, sức hút từ cảnh quan, ẩm thực và con người thân thiện hiền hòa đã tạo được rất nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Xứ đất võ trời văn đã khiến người ta “phải lòng” từ những điều có thật như thế.
“Lên đời” nhờ du lịch
Theo thống kê của UBND xã Nhơn Hải, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có khoảng 18.000 lượt khách đến tham quan du lịch tại Hòn Khô. Tuy chỉ là một hòn đảo khô cằn đất đá nằm cách làng chài Nhơn Hải chừng 5 - 10 phút đi thuyền, nhưng nơi đây nước luôn trong vắt và có nhiều bãi san hô tuyệt đẹp. Hơn hết, du khách có thể đặt suất ăn với giá khá bình dân nhưng đều là sản vật tươi ngon tại địa phương. Ông Ngô Ðức Tình, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: “Nhơn Hải là một trong những điểm đến hấp dẫn hiện nay của TP Quy Nhơn. Lượng khách thời gian gần đây tăng đột biến so với các năm trước khiến địa phương nhiều lúc quá tải vì cơ sở hạ tầng còn thô sơ, đường sá nhỏ…”.
Kề Nhơn Hải là Nhơn Lý khách du lịch cũng đông gấp bội. Nơi đây được xem là trung tâm du lịch biển đảo tại Bình Ðịnh với nhiều điểm đến hấp dẫn như Kỳ Co, Eo Gió, Hòn Sẹo, Bãi Dứa, quần thể du lịch FLC… Lượng khách đến đây năm 2016 là hơn 225 ngàn lượt và đang tăng dần theo thời gian. Nơi này sở hữu những “viên ngọc” được xem là long lanh nhất tại Bình Ðịnh nói riêng và Việt Nam nói chung về du lịch biển đảo. Eo Gió được mệnh danh là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam; còn Kỳ Co được ví như một Madives của người Việt với dòng nước màu ngọc bích trong vắt. Ðó là chưa kể những cảnh quan tuyệt đẹp trên đường đến Kỳ Co bằng đường bộ và đường biển. Bên cạnh đó, Nhơn Lý còn thu hút du khách bởi vẫn giữ được nhịp sống của một làng chài dung dị với những con người hồn hậu như bao đời vẫn thế. Ông Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, tự hào chia sẻ: “Khách đến ở trong FLC nhưng ăn uống, vui chơi vẫn về với làng chài. Chúng tôi có một lối ẩm thực riêng với toàn đồ biển tươi sống ngon lành như ốc, mực, cá, bào ngư, tôm… được chế biến thơm ngon và giá rẻ”.
Xa hơn chút nữa, cách Quy Nhơn chừng 30 km là biển Trung Lương. Ðây lại là một điểm dừng chân đặc biệt nữa ở Bình Ðịnh, nổi tiếng như một điểm dã ngoại lý tưởng dành cho du khách. Nơi này vừa có biển xanh trong vắt vừa có núi đá sừng sững, vừa có một bãi cỏ xanh êm ái để khách dừng chân.
Một trong những điều nhìn thấy rõ nhất từ đổi thay của bán đảo Phương Mai khi du lịch phát triển là sự tăng trưởng vượt bậc về kinh tế, và sự chuyển đổi cơ cấu lao động từ nghề biển sang dịch vụ du lịch. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã Nhơn Lý là 22 triệu đồng, năm 2017 đạt mức 34,2 triệu đồng - tăng hơn 50% và là mức thu nhập khá ấn tượng của lao động ở làng chài.
Không thể phủ nhận sự tác động của quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC, với những cái nhất từ trước đến nay tại Bình Ðịnh, đã góp phần làm Nhơn Lý thay da đổi thịt từng ngày, đặc biệt là tạo việc làm cho người dân địa phương. Bình quân có khoảng 300 lao động làm việc thường xuyên cho FLC và 500 lao động thời vụ. Rất nhiều ngư dân nay đã chuyển dần qua làm dịch vụ du lịch, đưa đón khách du lịch tham quan các đảo, mở nhà hàng, quán ăn thay vì bám biển như trước. Nếu năm 2015, Nhơn Lý chỉ có khoảng từ 5 - 10 chiếc thuyền chở khách thì năm 2016 là 39 chiếc và nay đã tăng lên 52 chiếc (của 30 hộ gia đình).
Mở rộng cửa đón tương lai
Bán đảo Phương Mai xưa chỉ toàn cát là cát thì nay đang nhiều thêm những con đường nhựa trải dài thẳng tắp. Sinh khí của một vùng đất được nhìn thấy rõ rệt ở sự nhộn nhịp thuyền bè đưa đón, phục vụ, giới thiệu với khách những cảnh đẹp quê mình. Người dân miền biển bao đời nay vẫn “ăn sóng nói gió”, song trước sự phát triển của du lịch - dịch vụ, đã tự điều chỉnh mình “mềm” hơn để vui lòng khách đến vừa lòng khách đi.
Ông Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Nếu như trước đây, xã chỉ có khoảng chục hộ trong diện thu thuế thì nay đã 105 hộ. Năm 2015, xã chỉ thu thuế được 175 triệu đồng, đến năm 2016 thì 446 triệu và mới 7 tháng đầu năm 2017 đã hơn 500 triệu. Giá đất ở đây trong 2 năm qua cũng tăng chóng mặt. Năm 2015 khoảng 1 triệu đồng/m2, còn nay thấp nhất cũng 5 triệu/m2. Những vị trí đắc địa có thể mở nhà hàng thì phải trên 15 triệu/m2”. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngư nghiệp sang dịch vụ cũng được nhìn thấy rõ ở xã bán đảo Nhơn Hải. Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải Ngô Ðức Tình nói: “Khoảng 58% dân số Nhơn Hải hiện làm nghề biển trong khi năm 2015 là 70%. Sự chuyển dịch này cũng hợp lý thôi vì việc khai thác hải sản ngày càng bấp bênh, phương tiện lại không đảm bảo”.
Chính quyền xã Nhơn Hải và xã Nhơn Lý xác định tiếp tục phát triển du lịch tuyến biển với các dịch vụ đi kèm. Tại Nhơn Hải, hàng năm, tỉnh, thành phố đều làm việc với xã để đào tạo lao động cho con em địa phương trong ngành nghề dịch vụ du lịch như nấu ăn, hướng dẫn viên… Tại Nhơn Lý, xã cũng đang có sự điều chỉnh quy hoạch thành xã du lịch để năm 2020 trở thành địa phương phát triển riêng về du lịch.
Và sắp tới lại thêm những dự định, dự án đầu tư để cụm du lịch ở bán đảo Phương Mai này ngày một phát triển như kéo điện ra Hòn Khô, xây dựng khu homestay quy mô ở Nhơn Lý, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch để níu chân khách dừng lại lâu hơn ở bán đảo này.
TÂM NGỌC - THU HÀ