Quy Nhơn thành phố du lịch biển
Theo quy hoạch chung của tỉnh, Quy Nhơn sẽ phát triển thành một trong những thành phố du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng của Việt Nam, dựa trên khai thác thế mạnh đặc thù về cảnh quan tự nhiên và giá trị văn hóa, lịch sử mang bản sắc riêng của Quy Nhơn - Bình Ðịnh.
KHÁC BIỆT TỪ SỰ ĐA DẠNG
“Quy Nhơn tuy nhỏ nhưng may mắn được thiên nhiên ban tặng một khối tài sản lớn: Vị thế khá đẹp và cấu trúc lãnh thổ độc đáo mà ít có đô thị nào sở hữu được. Ðịa hình đồi núi xen kẽ đồng bằng làm nên cảnh quan đa dạng, với bờ biển dài có nhiều bãi tắm đẹp. Ðầm Thị Nại và bán đảo Phương Mai tạo nên một dạng đầm phá nửa mặn với hệ sinh thái phong phú. Hai con sông lớn là sông Côn và Hà Thanh đem lại nguồn lợi phát triển. Ðặc biệt, ngay trong lòng thành phố nổi lên ngọn núi Bà Hỏa giữa khung cảnh sông hồ bao quanh, trông như một hòn non bộ khổng lồ...”. Ðó là nhận xét của ông Phạm Quang Anh, chuyên gia cảnh quan và quy hoạch lãnh thổ, nguyên giảng viên bộ môn Quy hoạch lãnh thổ và quản lý môi trường - Trường ÐH Khoa học tự nhiên (Ðại học Quốc gia Hà Nội), hiện là giảng viên thỉnh giảng Khoa Ðịa lý - Ðịa chính, Trường ÐH Quy Nhơn, khi mở đầu cuộc nói chuyện về quy hoạch Quy Nhơn.
Eo Gió, Nhơn Lý - TP Quy Nhơn. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Ông Anh cũng cho rằng: “Ở tất cả những thành phố có núi trong đô thị, người ta quy hoạch, giữ nó rất kỹ lưỡng và tôn tạo thành điểm dân cư đặc biệt với những con đường, nhà biệt thự, cảnh quan rừng đẹp uốn lượn từng tầng theo triền núi. Trên đỉnh núi đặt một trạm quan sát để du khách ngắm nhìn toàn cảnh thành phố bên dưới”.
Trùng hợp, ông Huỳnh Ngọc Hoàng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng cho hay, Quy hoạch chung TP Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng có ý tưởng hình thành công viên rừng, công viên thành phố cùng với các tuyến đường có các điểm dừng chân ngắm cảnh dọc lưng chừng núi Bà Hỏa; xây dựng công trình điểm nhấn, biểu tượng cho thành phố như tượng đài hay vật thể điêu khắc cỡ lớn trên đỉnh núi; thiết kế trồng cây thành mảng màu nổi bật cho không gian núi. Tỉnh đã thống nhất chủ trương cho lập dự án Bà Hỏa Mountain để hiện thực hóa ý tưởng này. Núi Xuân Vân và Vũng Chua sẽ được khai thác chức năng du lịch nghỉ dưỡng mang tính đặc thù, với công trình kiến trúc hiện đại, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, mật độ xây dựng thấp và nhìn về toàn cảnh thành phố hướng ra biển.
Khu vực trọng điểm phát triển thương hiệu đô thị du lịch biển là vịnh Quy Nhơn. Ông Lê Ðăng Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 không gian du lịch vịnh Quy Nhơn dành một khu vực diện tích khoảng 3,35 ha cho không gian văn hóa nghệ thuật, kéo dài từ Quảng trường Nguyễn Tất Thành đến Quảng trường Chiến Thắng. Ðây sẽ là nơi diễn ra sự kiện đường hoa ngày Tết; triển lãm tác phẩm nghệ thuật; trình diễn võ thuật, bài chòi cổ, âm nhạc đường phố; tổ chức lễ hội ẩm thực biển, trại sáng tác điêu khắc; không gian cho người dân, du khách tập thể dục thể thao, nghỉ ngơi, vãn cảnh... Phần mặt nước ngoài khu vực tắm biển, cách mép 1,5 km, quy mô rộng 500 ha sẽ dành cho hoạt động thể thao, dịch vụ giải trí trên biển. UBND thành phố đang quy hoạch chi tiết không gian vịnh với mục tiêu xây dựng hình ảnh đặc trưng cho biển Quy Nhơn.
ÐÔ THỊ DU LỊCH BIỂN
Ngồi ở quán bar ngầm được thiết kế như mũi tàu từ eo biển Quy Nhơn vươn ra đại dương bao la, du khách vừa tận hưởng gió biển trong lành, vừa ngắm thành phố về đêm rực rỡ ánh đèn. Xa xa bên kia, trên lưng chừng núi Xuân Vân, dãy đèn led “Ghềnh Ráng - Tiên Sa” cao 15 m, dài 250 m hắt ánh sáng lấp lánh xuống vùng biển mênh mông, thoáng đãng.
Quảng trường Nguyễn Tất Thành (Quy Nhơn). Ảnh: HỒ MINH ĐỨC
Ðể thành phố lung linh hơn, Công ty CP Công viên Cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn (QUYPALICO) đã thường xuyên bảo dưỡng và phát triển hệ thống chiếu sáng, đảm bảo tỉ lệ chiếu sáng đạt 98%. Riêng năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, QUYPALICO đã lắp đặt 27.751 bộ đèn chiếu sáng đường phố, 926 khung hoa văn đèn màu trang trí; từng bước phát triển hệ thống chiếu sáng với tốc độ bình quân khoảng 10%/năm.
Theo ông Lê Ðăng Tuấn, thành phố có quỹ đất không lớn, nhưng quy hoạch vẫn dành nhiều đất “vàng” để xây dựng công viên, quảng trường rộng rãi. Cây xanh, thảm cỏ được thiết kế thành 2 tầng: tầng tán rộng trên cao cho bóng mát, tầng hoa cỏ sát mặt đất để không cản trở tầm nhìn ra biển. Các tiện ích công cộng như ghế đá, dụng cụ tập thể dục, nhà vệ sinh công cộng, không gian vui chơi trẻ em được bổ sung nhằm nâng cao chất lượng tuyến đi bộ dọc bờ biển, tăng sức hút đối với cư dân đô thị và khách du lịch.
Tuyến tượng nghệ thuật cũng được bố trí dọc tuyến đường này, vừa tạo thêm mỹ quan vừa giới thiệu những đặc trưng văn hóa - lịch sử của thành phố. Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành là điểm nhấn đặc biệt, thu hút du khách dừng chân tham quan, chụp ảnh kỷ niệm. Hàng loạt đường nội thị ven biển hoặc hướng ra biển được cải tạo, nâng cấp và sẽ được mở rộng, thông tuyến ra biển; kết hợp với đường Xuân Diệu cũng sắp được mở rộng và đường Nguyễn Tất Thành tạo thành trục đi bộ liên hoàn với không gian đa dạng. Sẽ có những công trình điêu khắc trên vách núi. Sẽ có hàng loạt công trình dịch vụ lưu trú bề thế với kiến trúc linh hoạt, độc đáo dọc tuyến đường ven biển.
Minh họa lớp công trình sát biển.
Tất cả nhằm để lại ấn tượng về một thành phố du lịch biển hiền hòa, văn minh, hiện đại mà không trộn lẫn. Theo quy hoạch chung, cùng với cảng biển và thủy sản, ngành công nghiệp không khói sẽ tạo thành thế chân kiềng để Quy Nhơn khai thác hiệu quả kinh tế biển như một xu thế tất yếu: hướng biển để phát triển. Mục tiêu đến năm 2050, thành phố sẽ có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và khu vực Ðông Nam Á, là một trong những trung tâm phát triển lớn của khu vực Trung bộ, có nền kinh tế phát triển theo định hướng du lịch - dịch vụ - cảng biển - công nghiệp, trọng tâm là du lịch - dịch vụ - cảng biển.
TỐ UYÊN