Một gia đình có 4 Mẹ Việt Nam anh hùng
Ở thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn có một gia đình có đến 4 người mẹ được phong tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam anh hùng. Những bà mẹ này có tới 12 liệt sĩ. Đó là gia đình mẹ Đào Thị Châu, 2 con dâu là Trương Thị Điều, Huỳnh Thị Thiềm và cháu nội là Ngô Thị Liệu - nguyên ở thôn An Thái, nay là khối 1 thị trấn Tam Quan.
Mẹ Đào Thị Châu (SN 1878) có 4 người con tham gia cách mạng giai đoạn trước năm 1945 và có 3 người là liệt sĩ. Con dâu cả của mẹ Châu là bà Trương Thị Điều (SN 1914) có 2 con là liệt sĩ, con dâu thứ 2 là bà Huỳnh Thị Thiềm có 6 liệt sĩ gồm chồng và 5 con. Cháu nội của mẹ Đào Thị Châu là bà Ngô Thị Liệu (SN 1924) có 1 con duy nhất và người này cũng là liệt sĩ. Hiện nay, cả 4 mẹ đều đã qua đời và được con cháu thờ phụng tại địa phương.
Tôi đến thăm gia đình cô Đinh Thị Hoa - một người con của mẹ Huỳnh Thị Thiềm. Cô Hoa kể: Gia đình có truyền thống tham gia cách mạng, nên việc lớn lên trong môi trường đó, tiếp thu và phát huy truyền thống đó trở thành một lẽ hết sức tự nhiên. Bản thân tôi cũng sớm tham gia thanh niên xung phong, vác gạo, tải đạn. Tôi là thương binh và được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Anh chị em tôi đều tham gia cách mạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Anh trai tôi là Đinh Quáng và chị gái là Đinh Thị Xá cùng tham gia cách mạng. Chồng cô Xá là liệt sĩ, bản thân cô là thương binh. Đến thế hệ cháu tôi, truyền thống vẫn được tiếp nối, trong đó một cháu rể của tôi là liệt sĩ, hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia.
Đến thăm cụ Đinh Quáng - con trai cả của Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Thiềm ở thôn Cửu Lợi Nam, xã Tam Quan Nam, tôi rất bất ngờ khi biết cụ đã gần 90 tuổi. Tuổi cao nhưng cụ vẫn rắn rỏi, minh mẫn. Cụ Quáng kể: Chưa đầy 5 tuổi, tôi đã chứng kiến mẹ mình bị thực dân, phong kiến đánh đập, tra tấn dã man, nhiều lần tôi cùng mẹ bị giam trong nhà tù của thực dân phong kiến. Vì thế việc tôi đến với cách mạng là tất yếu. Trong gia phả của dòng tộc, tôi ghi rõ ràng ngày tham gia cách mạng, ngày hy sinh, ngày mất, ngày phong tặng các danh hiệu vinh dự của Nhà nước đối với từng thành viên. Tôi luôn tự hào về truyền thống của gia đình, luôn coi việc giáo dục con cháu giữ gìn và phát huy truyền thống ấy là một việc cực kỳ quan trọng. Muốn vậy, trước tiên phải phấn đấu trở thành công dân tốt, làm cán bộ thì phải gương mẫu!”.
Ông Nguyễn Xuân Ảnh - nguyên cán bộ lãnh đạo xã giai đoạn trước năm 1975 cho biết: “Đây là một gia đình cách mạng có một không hai ở huyện Hoài Nhơn. Nhiều thành viên của gia đình đã được ghi danh vào lịch sử Đảng bộ của các xã: Tam Quan, Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc! Cả trong chiến tranh cũng như khi hòa bình, các thành viên trong gia đình luôn gương mẫu và tiên phong trong nhiều việc”.
TẤN DŨNG - THANH THÚY