Giảm nghèo giai đoạn 2016-2020: Chuyển mạnh từ “cho không” sang hỗ trợ có điều kiện
Chú trọng chuyển đổi từ “cho không” sang hỗ trợ có điều kiện, tích hợp các chương trình liên quan, mở rộng hỗ trợ sang đối tượng cận nghèo, mới thoát nghèo... là những điểm mới, tích cực của chính sách giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Hộ nghèo ở huyện Vân Canh phấn khởi trong nhà ở mới khang trang.
- Trong ảnh: Đoàn giám sát của HĐND tỉnh khảo sát nhà ở của hộ nghèo được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở.
1.
Hội nghị triển khai giảm nghèo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020 vừa được tổ chức vào cuối tháng 8.2017.
“Chuyển mạnh từ hỗ trợ trực tiếp, “cho không” sang hỗ trợ có điều kiện là phương án của chính sách giảm nghèo từ năm 2016 đến 2020. Giải pháp này nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh để từng bước vươn lên thoát nghèo”
Điểm đáng chú ý của Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là khả năng tích hợp các chính sách giảm nghèo đặc thù trước đó như chương trình 30a (dành cho các huyện nghèo), chương trình 135 (hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn), chính sách hỗ trợ lao động hộ nghèo, huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động... Từ sự tích hợp này, hiện tượng chồng chéo chính sách hỗ trợ thời gian qua, phần nào đã được giải quyết.
Mặt khác, chính sách hỗ trợ không còn tập trung vào đối tượng người nghèo mà mở rộng sang hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhằm góp phần giảm tỉ lệ tái nghèo. Những năm qua, số hộ tái nghèo của tỉnh chiếm tỉ lệ tương đối cao so với số hộ thoát nghèo. Hộ mới thoát nghèo, nếu không được hỗ trợ đúng mức có nguy cơ tái nghèo cao nếu gặp phải khó khăn đột xuất như thiên tai, dịch bệnh. Chính sách tín dụng cho hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm (có hiệu lực từ ngày 5.9.2015) bước đầu đã mang lại niềm vui, động lực cho những gia đình nỗ lực thoát nghèo.
2.
Phân tích về những bất cập trong chính sách giảm nghèo thời gian qua, ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng: Các chính sách hỗ trợ trực tiếp theo kiểu “cho không” làm người nghèo có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước. Không ít hộ nghèo không muốn thoát nghèo, điều này gây ra không ít khó khăn cho công tác bình xét hộ nghèo tại địa phương.
“Chuyển mạnh từ hỗ trợ trực tiếp, “cho không” sang hỗ trợ có điều kiện là phương án của chính sách giảm nghèo từ năm 2016 đến 2020. Giải pháp này nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh để từng bước vươn lên thoát nghèo. Chính sách của Trung ương và tỉnh là sẽ tăng nguồn vốn cho vay ưu đãi để người nghèo có thể tiếp cận nguồn lực thuận lợi. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện trao quyền cho người dân; Nhà nước không làm thay mà chỉ tạo cơ hội nguồn vốn, môi trường pháp lý. Người nghèo tự quyết định việc làm, chủ động hoạt động sản xuất kinh doanh tùy theo năng lực, điều kiện của họ”, ông Quang trao đổi.
Chuyển đổi từ giảm nghèo “đơn chiều” sang “đa chiều”, bên cạnh các yếu tố dễ đo lường như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, nay cả yếu tố tiếp cận về thông tin cũng đòi hỏi các địa phương phải có nhìn nhận đúng đắn để triển khai phù hợp. Trong đó, công tác “giảm nghèo về thông tin” cho người dân cần được chú trọng. Một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các thông tin liên quan đến khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế, môi trường, sản xuất, kinh doanh... Trong bối cảnh đó, Tiểu dự án “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” tại Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được kỳ vọng khá nhiều. Tiểu dự án vừa kể sẽ xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất, nội dung liên quan để phục vụ cho công tác này.
Các chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể của Bình Định giai đoạn 2016-2020:
+ 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 20 - 30% xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi ra khỏi diện này.
+ 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 70% đường trục thôn, làng được cứng hóa.
+ 100% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế.
+ 99% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
+ Thu nhập hộ nghèo tham gia mô hình giảm nghèo tăng 20 - 25%/năm; mỗi năm có 15% hộ tham gia mô hình giảm nghèo thoát nghèo...
NGUYỄN MUỘI