Công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại CCN Gò Ðá Trắng: Vẫn còn buông lỏng
Trong những năm qua, cụm công nghiệp (CCN) Gò Ðá Trắng (phường Ðập Ðá, TX An Nhơn) được thành lập và đi vào hoạt động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, cùng với đó thì tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng, trong khi công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại CCN này còn nhiều tồn tại, hạn chế, đòi hỏi các ngành chức năng của TX An Nhơn sớm có biện pháp khắc phục.
Nhựa phế thải và nước thải của các DN trong CCN Gò Đá Trắng tràn ra đường, gây ô nhiễm môi trường.
Môi trường bị ô nhiễm
Tại CCN Gò Đá Trắng có 52 DN đang hoạt động trên các lĩnh vực, ngành nghề: Sản xuất, chế biến nhang có 9 DN; đúc kim loại có 18 DN; mua bán phế liệu, sơ chế nhựa có 8 DN; các ngành nghề khác như sản xuất ống nhựa, in, bao bì, nông sản có 17 DN... Trong đó, các DN mua bán phế liệu, sơ chế nhựa thường xuyên lấn chiếm hành lang các tuyến đường bên trong CCN để làm nơi tập kết nguyên vật liệu. Việc làm này không những gây cản trở giao thông, mất mỹ quan mà còn khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm do các loại nhựa phế thải, túi nhựa, bao bì ni lông gây ra. Đặc biệt, hầu hết các DN sơ chế nhựa chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ bên trong cơ sở; xả trực tiếp vào hệ thống thu gom nước thải chung của CCN, làm đường ống thường xuyên tắc nghẽn, gây tràn nước thải ra đường, khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo khảo sát của chúng tôi vào thời điểm cuối tháng 8.2017, dù trời không mưa nhưng tại một số cơ sở xay nhựa, sản xuất bao bì ni lông tồn đọng rất nhiều nước thải có màu đen quánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Một người dân có nhà gần các cơ sở này, than thở: “Các cơ sở rửa và xay nhựa suốt ngày, nước thải phần chảy xuống hệ thống thu gom, phần tràn thẳng ra mặt đường giao thông; lâu ngày tồn đọng thành vũng lớn, bốc mùi rất khó chịu. Những hộ có nhà gần đây liên tục hít mùi hôi thối từ nước thải nhựa nên hay mắc các triệu chứng khó thở, đau đầu và các bệnh về đường hô hấp”.
Ngoài ra, mới chỉ có 6 DN hoạt động trong lĩnh vực đúc kim loại ký hợp đồng với đơn vị chuyên môn thực hiện việc thu gom, xử lý xỉ than và chất thải rắn. 12 DN còn lại chưa thực hiện, khiến việc xử lý xỉ than và chất thải rắn trong quá trình đúc, tái chế kim loại không đảm bảo quy trình kỹ thuật, gây ảnh hưởng môi trường xung quanh.
Cần quản lý chặt, kiểm tra thường xuyên
Bên cạnh tồn tại, hạn chế trong việc bảo vệ môi trường, những năm gần đây, do gặp khó khăn trong hoạt động, sản xuất nên một số DN ngưng hoạt động, sau đó tự ý chuyển nhượng tài sản trên đất, quyền sử dụng đất cho cá nhân, DN khác. Các cá nhân, DN sau khi nhận chuyển nhượng đã bố trí ngành nghề sản xuất không đúng với ngành nghề được cho thuê đất ban đầu tại CCN, gây nhiều khó khăn cho ngành chức năng trong việc quản lý, kiểm tra. Một số trường hợp chuyển nhà xưởng qua hoạt động xay xát nhựa, không những sai mục đích sử dụng đất ban đầu mà còn khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm.
Mặt khác, một số DN có cơ sở sản xuất nằm ở phía Bắc CCN Gò Đá Trắng còn thực hiện hành vi lấn chiếm một phần diện tích đất hành lang cây xanh thuộc CCN để xây dựng công trình nhà xưởng trái phép. Mặc dù các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý, đề nghị tháo dỡ, nhưng đến nay các DN chưa thực hiện, tiếp tục hoạt động sản xuất tại khu vực xưởng xây dựng trái phép.
Ngoài ra, lượng xe tải ra, vào CCN khá nhiều; một số tài xế thiếu ý thức cho xe chạy và đậu trên vỉa hè, làm vỉa hè nhiều tuyến đường nội bộ xuống cấp, hư hỏng. Ô tô tải chạy trên vỉa hè còn khiến nhiều hố thu gom nước thải và hệ thống cống thoát nước bên trong CCN hư hỏng, cản trở việc thu gom, thoát nước.
Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng Ban Quản lý các CCN TX An Nhơn, thừa nhận: CCN Gò Đá Trắng nằm gần khu dân cư, không có tường rào, cổng ngõ bao quanh riêng biệt nên việc ảnh hưởng môi trường khu vực dân cư là khó tránh khỏi. Mặt khác, nhiều DN chưa chấp hành nghiêm các quy định về sản xuất, kinh doanh; thiếu tinh thần, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường; việc xử lý các DN có hành vi sai phạm chưa nghiêm minh nên thường dẫn đến tình trạng vi phạm và tái phạm.
“Tới đây, Ban Quản lý các CCN thị xã làm việc với các DN hoạt động trong lĩnh vực đúc kim loại và các DN, cơ sở thu mua phế liệu, xay xát nhựa cam kết và thực hiện đảm bảo môi trường trong quá trình sản xuất, không để xảy ra ô nhiễm như lâu nay. Đồng thời, Ban Quản lý kiến nghị UBND thị xã và các ngành chức năng liên quan có biện pháp xử lý đối với các trường hợp tự ý chuyển nhượng tài sản, quyền sử dụng đất; các trường hợp chiếm dụng đất hành lang cây xanh xây dựng nhà xưởng trái phép để đưa công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại CCN này được chặt chẽ, hiệu quả hơn”, ông Tùng cho biết thêm.
VĂN LỰC