Những hậu quả không thể khắc phục
Những mâu thuẫn nhỏ nhặt, một cái nhìn khó ưa… cũng có thể khởi nguồn cho tội ác. Nhiều phiên tòa đã phải xử những vụ việc chỉ bắt nguồn như thế. Và khi hậu quả đã xảy ra, nỗi ân hận, cắn rứt lương tâm của bị cáo cũng không thể giải quyết được gì.
Các bị cáo thanh thiếu niên trước vành móng ngựa.
Sự ân hận muộn màng
“Bị cáo chỉ biết xin lỗi gia đình bị hại và cả gia đình mình về hành động nông nổi gây ra hậu quả, bị cáo hối hận lắm, chỉ biết cố gắng cải tạo để sớm trở về làm lại cuộc đời”. Đó là những lời bị cáo Phạm Hữu H. (SN 2001, huyện Phù Mỹ) nói tại phiên tòa xét xử sơ thẩm mà TAND tỉnh mới mở để xét xử H. về tội giết người.
Vốn đã có mâu thuẫn từ trước, nên khi Đặng Ngọc T. (SN 2000) nghe bạn nói vừa thấy H. đang ngồi chơi game, liền rủ thêm vài người để cùng đi đánh H. Sẵn trong người có hơi men nên cả hội đồng ý đi cùng. Khi gặp H., T. nhảy vào đánh, bạn của T. cũng hùa vào đánh. Kết cục, H. đã cầm dao lao vào đâm T. tử vong. Trong vụ án này, H. bị xét xử về hành vi giết người, còn các bị cáo trong nhóm của T. bị xét xử về tội cố ý gây thương tích. Đáng nói, vào thời điểm vụ việc xảy ra, các bị cáo đều đang ở tuổi vị thành niên.
Trả lời câu hỏi của tòa, vì sao lại dùng dao đâm T. khi đã được mọi người can ngăn và bản thân vẫn có thể bỏ chạy, sau một hồi im lặng, H. đáp: “Lúc đó không nghĩ gì ngoài cơn tức, muốn đánh lại cho hả. Hơn nữa, nhóm của T. đông nên dùng dao có thể uy hiếp được và bản thân sẽ không bị đánh nữa”. Tòa chất vấn: “Đành rằng bị hại có lỗi khi chủ động đánh bị cáo, nhưng thương tích nạn nhân gây ra cho bị cáo có đáng bằng việc bị cáo dùng dao tước đoạt mạng sống của bị hại không?”. H. không trả lời, trên gương mặt non nớt lấp loáng giọt nước mắt hối lỗi.
Không như trường hợp trên, bị cáo Phan Xuân Vương (SN 1991, huyện Tuy Phước) gây án là do túng thiếu. Vương nợ tiền và bị bạn đòi, nên đã đi cướp tài sản để trả nợ. Trong phiên tòa xử hôm ấy, bị cáo Vương đã khóc và cúi xin mẹ tha lỗi. Tại tòa, anh ta chỉ biết im lặng khi hội đồng xét xử phân tích hành vi nguy hiểm mà anh ta gây ra và nếu khi đó, Vương sáng suốt hơn thì đã không phải đứng trước vành móng ngựa như hôm nay. Hay như trường hợp của bị cáo Nguyễn Công Lý (SN 1989, Hoài Nhơn) từng có 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản. Thế nhưng để có tiền tiêu xài, Lý lại trộm cắp tài sản để nhận tiếp mức án 1 năm tù giam dù bản thân vừa mới mãn hạn tù.
Nỗi đau của người thân
Dự tòa với tư cách là đại diện cho bị hại, bà Dương Thị Liên, mẹ của bị cáo Phạm Hữu H., đã xin HĐXX giảm án cho các bị cáo đã gây thương tích cho con trai mình, đồng thời không nhận bồi thường. Còn với tư cách là đại diện hợp pháp cho bị cáo, bà Liên xin bồi thường các khoản mà gia đình bị hại nêu, với mong muốn bù đắp một phần tổn thất cho gia đình nạn nhân. Bà Liên giãi bày: “Con tôi đã gây tội, phận làm cha mẹ tôi phải có trách nhiệm”.
Sau khi phân tích hành vi và hậu quả mà các bị cáo đã gây ra, tòa cũng nêu rõ trách nhiệm của các bậc phụ huynh khi đã để con em mình tụ tập, đi chơi game đến 1- 2 giờ sáng.
Phía trước các bị cáo là vành móng ngựa và sự nghiêm minh của pháp luật. Phía sau các bị cáo là cha mẹ đang quay quắt với những nỗi niềm không thể gọi tên. Như mẹ của bị cáo Phan Xuân Vương, suốt phiên xử hôm ấy, đã chỉ biết khóc vì xấu hổ khi con trai gây ra tội lỗi. Bà lo lắng cho tương lai của con mình, liệu nó có cố gắng cải tạo để làm lại cuộc đời được hay không. Vậy mới nói, mỗi khi có sự việc đau lòng xảy ra, bị cáo là người đền tội trước pháp luật nhưng gia đình, người thân bị cáo cũng sẽ cùng chịu chung nỗi dằn vặt lương tâm. Vậy nên rất mong ai khi hành động nông nổi, hãy nghĩ đến người thân của mình.
K.ANH