Không né tránh mới chống được tham nhũng
“Do năng lực hay do anh không dám chỉ ra? Vấn đề là tìm ra nhưng không dám chỉ rõ trách nhiệm...”
Chiều 5.9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 7 thảo luận về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 do ông Đặng Công Huẩn – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày.
Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Công khai kết luận thanh tra để dân giám sát
Nêu ý kiến tại phiên họp, ông Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị nên mạnh dạn đánh giá nguyên nhân phòng chống tham nhũng chưa tốt có ý thức người cán bộ công chức và đây là nguyên nhân quan trọng.
Về những người làm công tác phòng chống tham nhũng, ông Nguyễn Mai Bộ cũng đặt vấn đề về trách nhiệm chứ không hẳn cho trình độ năng lực. Bởi có những báo cáo không chỉ ra được trách nhiệm của bộ ngành nào.
“Cái đó do năng lực hay do anh không dám chỉ ra? Vấn đề là tìm ra nhưng không dám chỉ rõ trách nhiệm, cứ loanh quanh mãi như thế thì mất thế trận lòng dân là mất hết” – ông Nguyễn Mai Bộ thẳng thắn và đề nghị phải nhìn rõ vào sự thật, nói thẳng sự thật, không né tránh thì mới chống được tham nhũng.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng (Đà Nẵng) tán thành với nhiều đánh giá trong báo cáo nhưng cho có vấn đề tồn tại từ lâu không thấy nêu trong báo cáo.
Theo ông Nguyễn Bá Sơn, cán bộ ở địa phương nghèo phải nhận hỗ trợ ngân sách Trung ương nhưng xây “biệt phủ” rồi có những giải thích kiểu coi thường dư luận về tài sản mình có. Hay câu chuyện các dự án thua lỗ, lãng phí; công trình gây bức xúc vẫn chưa có câu trả lời ở đó có tham nhũng hay không? Rồi mục tiêu là phải thu hồi được tài sản tham nhũng cũng chưa đạt hiệu quả cao….
Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nhấn mạnh việc công khai kết luận thanh tra rất cần thiết để đấu tranh phòng chống tham nhũng, tuy nhiên có ý kiến lại e ngại công khai kết luận thanh tra sẽ làm tình hình phức tạp. “Không công khai sao người dân, cộng đồng giám sát được. Cái này luật đã quy định rồi, cần phải cần phải có chỉ đạo mạnh hơn trong thời gian tới”, ông Ngô Sách Thực đề nghị.
Dự báo tham nhũng có chiều hướng giảm
Theo Thanh tra Chính phủ, qua kiểm tra tại 3.622 cơ quan tổ chức đơn vị, đã phát hiện 22 đơn vị có vi phạm. Kiểm tra cho thấy còn tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai những nội dung cần phải công khai, minh bạch hoặc thu hẹp đối tượng, hình thức công khai, gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của người dân và doanh nghiệp.
Về minh bạch tài sản, thu nhập, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,1 triệu người, tỷ lệ kê khai và công khai đều trên 99,8%. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cấp cao.
Báo cáo cũng cho biết, đã có 4 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn lúng túng trong việc xác định mức độ trách nhiệm của người đứng đầu, hoặc trong trường hợp sai phạm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị, bộ phận.
Thanh tra Chính phủ cũng nhìn nhận, tình hình tham nhũng năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục có dấu hiệu giảm. Sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng sẽ củng cố tốt hơn nữa niềm tin trong nhân dân, có tác dụng răn đe rõ rệt, vừa cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng vừa khích lệ các nhân tố tích cực tham gia phòng chống tham nhũng./.
Theo Hiếu Minh (VOV)