Ðẩy mạnh thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa: Chú trọng công tác truyền thông
Hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được kỳ vọng sẽ sâu rộng và thực chất hơn, với việc tỉnh đang tích cực triển khai Ðề án truyền thông về phát triển phong trào này đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Vai trò quan trọng
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng Nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở VH-TT), thực tiễn thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (gọi tắt là Phong trào) trong suốt gần 20 năm qua cho thấy, công tác thông tin, tuyên truyền đóng một vai trò rất quan trọng. Việc người dân biết, hiểu và nhận thấy rõ những lợi ích thiết thực mà Phong trào mang lại làm nền tảng cho việc họ hưởng ứng, tham gia trong tinh thần chủ động, tự giác.
Thực hiệu hiệu quả Phong trào góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho người dân ở cơ sở, khuyến khích nhân dân lao động, sáng tạo.
- Trong ảnh: Hội thi nhà nông đua tài do Hội Nông dân tỉnh tổ chức.
Đề án phát triển Phong trào đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án) ra đời nhằm tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về Phong trào bằng các hình thức phong phú, đa dạng. Qua đó, góp phần củng cố, nâng cao nhận thức về Phong trào và trách nhiệm thực hiện Phong trào của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể, tầng lớp nhân dân và toàn xã hội. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa trong từng gia đình, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tất cả hướng đến mục đích to lớn: Góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Để đạt các mục đích trên, Đề án đặt ra 3 nhiệm vụ, nội dung. Cụ thể là: Thông tin, tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Phong trào. Thông tin, tuyên truyền về 7 phong trào cụ thể thuộc Phong trào. Thông tin, tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm về những điển hình tiên tiến trong thực hiện Phong trào.
Thí điểm truyền thông trên mạng xã hội
Trong 5 phương thức thực hiện Đề án, bên cạnh cung cấp tài liệu nghiệp vụ, tài liệu hỏi/đáp về Phong trào, hoạt động thông tin, tuyên truyền qua nhiều kênh, với nhiều hình thức được chú trọng thực hiện. Trong đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là báo, đài, tạp chí địa phương, một số chuyên mục về Phong trào sẽ được xây dựng, đăng tải. Tại trang tin điện tử của các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo Phong trào các cấp cũng sẽ thực hiện đưa thông tin, tuyên truyền về Phong trào. Đặc biệt, việc thí điểm thông tin, tuyên truyền về Phong trào trên mạng xã hội hứa hẹn sẽ tạo nên những hiệu ứng tuyên truyền mới mẻ, phạm vi lan tỏa rộng rãi.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Phong trào thông qua tổ chức các sân chơi văn hóa văn nghệ, thể thao được xem là hình thức mềm mại và đạt hiệu quả cao. Phong trào thời gian đến sẽ có thêm một số hoạt động mang tính định kỳ: liên hoan văn nghệ quần chúng giữa các làng, thôn, khu phố văn hóa/cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh (5 năm/lần); liên hoan gia đình văn hóa tiêu biểu (2 năm/lần), giải thưởng “Văn hóa doanh nghiệp” (5 năm/lần)… Ngoài ra tăng cường tổ chức biểu diễn lưu động các chương trình tuyên truyền cổ động về Phong trào, tổ chức liên hoan văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng tại cơ sở, thi sáng tác và phổ biến ảnh nghệ thuật, ca khúc, tác phẩm múa… về Phong trào.
Ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết, trên cơ sở kế hoạch thực hiện Đề án của tỉnh, các địa phương và một số ngành liên quan trong tỉnh đang gấp rút xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Đề án cho địa phương, ngành mình. “Được biết, một số địa phương, ngành như TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh đoàn… đang lên kế hoạch tổ chức một số hoạt động như hội thi, liên hoan văn nghệ, thể thao, hướng về cơ sở, phục vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Ở phạm vi toàn tỉnh, Cuộc thi tìm hiểu, viết về Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đang diễn ra có thể xem là đầu việc khởi động thực hiện Đề án. Đề án đang mang lại khí thế mới cho Phong trào, trước mắt trong năm tới 2018, Phong trào trên toàn tỉnh chắc chắn có thêm nhiều hoạt động sôi nổi…”, ông Nguyễn Văn Ngọc phấn khởi.
“Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là cuộc vận động phù hợp với lòng dân, mang ý nghĩa toàn diện và sâu sắc. Qua thời gian dài triển khai thực hiện, Phong trào đã làm chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp chính quyền và nhân dân, góp phần tạo đời sống văn hóa tinh thần ngày càng cao cho nhân dân, xây dựng cộng đồng dân cư văn minh… Việc Chính phủ ban hành Ðề án truyền thông về phát triển Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, làm cơ sở cho các địa phương trong cả nước xây dựng kế hoạch triển khai Ðề án tại mỗi địa phương, chính là bước khẳng định lại tầm quan trọng của Phong trào và xác định lại trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo, triển khai thực hiện”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN TUẤN THANH, Trưởng Ban chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh.
(Trích phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai Đề án)
SAO LY