Quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Vân Canh: Còn lắm gian nan
Nhờ đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR), nên nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép trên địa bàn huyện Vân Canh từ đầu năm 2017 đến nay có phần lắng dịu. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh, thì cuộc chiến BVR ở địa phương vẫn còn lắm gian nan.
Gỗ khai thác trái phép bị Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh bắt giữ.
Vân Canh là địa phương có diện tích rừng lớn, với hơn 69.000 ha rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp; trong đó, riêng diện tích đất có rừng tự nhiên hơn 36.000 ha, rừng trồng hơn 21.500 ha. Diện tích rừng ở Vân Canh phân bổ rộng, địa hình rừng núi hiểm trở, đi lại khó khăn, có nhiều vùng rừng giáp ranh với các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, TP Quy Nhơn và tỉnh Phú Yên, Gia Lai. Do vậy, công tác QL-BVR ở Vân Canh gặp rất nhiều khó khăn.
Rừng vẫn bị tàn phá
Theo ông Phạm Văn Lộc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp gần đây tuy có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong 8 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 47 vụ vi phạm pháp luật về QL-BVR; trong đó, có 39 vụ vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép và 1 vụ phá rừng với diện tích bị phá 5.200m2, 4 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 4,5 ha và 3 vụ khai thác rừng trái phép với số lượng hơn 16m3 gỗ các loại. Hạt Kiểm lâm huyện đã lập biên bản, xử lý hành chính 30 vụ, tịch thu hơn 45m3 gỗ xẻ từ nhóm IIA đến nhóm VI, 4 mô tô, 3 tấn than hầm...
Tình trạng phá rừng ở vùng giáp ranh thuộc tiểu khu 366, làng Canh Giao, xã Canh Hiệp (Vân Canh) với xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đang trở thành điểm nóng. Trong 2 ngày 25 và 26.8, Hạt Kiểm lâm huyện đã kiểm tra, phát hiện bắt giữ được 10 cây gỗ chò chỉ (thuộc nhóm V) có khối lượng gần 3,5m3 tại khu vực này. Ngoài ra, nạn phá rừng phòng hộ ở các xã Canh Thuận, Canh Liên, Canh Hiệp để trồng rừng kinh tế vẫn âm ỉ diễn ra. Như cuối tháng 7.2017, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh đã phát hiện ông Trần Văn Lợi (SN 1965, trú làng Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh) thuê người vào chặt hạ 5.200m2 rừng phòng hộ và khoảng hơn 3,5 ha đất lâm nghiệp quy hoạch chức năng phòng hộ ở khu vực hồ Suối Đuốc thuộc khoảnh 3, tiểu khu 357B, xã Canh Thuận nhằm mục đích trồng rừng kinh tế.
Ông Đoàn Văn Tây, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh, cho rằng: “Nguyên nhân của tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp còn diễn biến phức tạp là do giá trị cây keo, bạch đàn tăng cao nên nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp để trồng rừng nguyên liệu giấy của người dân rất lớn. Nhiều hộ gia đình nhận khoán BVR không thực hiện việc kiểm tra rừng nên không phát hiện kịp thời rừng bị phá. Cơ quan quản lý nhà nước chưa kiên quyết xử lý việc sử dụng, sang nhượng, mua bán, lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp, nhất là đối với đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn nhân lực làm nhiệm vụ BVR còn thiếu hụt trầm trọng. Một số xã chưa làm tốt trách nhiệm của mình trong công tác đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này”.
Làm gì để giữ rừng?
Ông Phạm Văn Lộc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh, cho hay, để ngăn chặn tình trạng phá rừng, Hạt đang tăng cường cán bộ xuống các địa bàn, mỗi xã có ít nhất 1 cán bộ kiểm lâm để thường xuyên tuần tra. Đồng thời, lực lượng kiểm lâm cùng UBND các xã tổ chức canh gác, kiểm tra ở 6 điểm chốt giữ rừng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an tiến hành truy quét, ngăn chặn các đối tượng khai thác trái phép.
Về giải pháp ngăn chặn nạn phá rừng ở vùng giáp ranh, ngày 29.8, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có văn bản gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đề nghị đơn vị này chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh, chủ rừng và các địa phương tăng cường công tác BVR, thường xuyên tổ chức kiểm tra, truy quét các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; tổ chức chốt chặn tại các vùng giáp ranh; phối hợp chặt chẽ trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ - phát triển rừng.
Ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết: “Trước tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai ngay các biện pháp BVR; giao các xã thành lập các đội tuần tra bảo vệ, nhất là các xã vùng trọng điểm có nguy cơ phá rừng cao; tổ chức tuyên truyền vận động các hộ dân không tham gia khai thác, vận chuyển gỗ trái pháp luật. Tổ chức kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động các chốt kiểm tra lâm sản tại các địa bàn trọng điểm và các trục đường giao thông quan trọng mà các đối tượng phá rừng thường xuyên vận chuyển lâm sản để kịp thời phát hiện, xử lý”.
TRỌNG LỢI