HỎI - ĐÁP VỀ BHXH, BHYT
Hỏi: Tôi có 16 năm tham gia BHXH, tôi bị suy giảm khả năng lao động 54% do bệnh nghề nghiệp. Vậy chế độ bệnh nghề nghiệp của tôi được giải quyết như thế nào?
Trả lời: Ông/bà bị suy giảm khả năng lao động 54% nên được hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp hằng tháng. Mức trợ cấp được tính như sau:
* Khoản trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động:
- Suy giảm 31% khả năng lao động tương ứng với 30% mức lương cơ sở.
- Suy giảm 23% khả năng lao động tiếp theo được tính bằng 46% mức lương cơ sở (23 x 2% mức lương cơ sở).
Như vậy, khoản trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động của ông/bà là 76% mức lương cơ sở.
* Khoản trợ cấp tính theo số năm đóng BHXH:
- 1 năm đóng BHXH đầu tiên được tính bằng 0,5% tháng tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
- 15 năm đóng BHXH tiếp theo được tính bằng 4,5% mức tiền lương tháng đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị (15 x 0,3% mức tiền lương tháng đóng BHXH).
Như vậy, khoản trợ cấp tính theo số năm đóng BHXH của ông/bà là 5% mức tiền lương tháng đóng BHXH.
* Mức trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng của ông/bà là tổng hai khoản trợ cấp nêu trên: 76% mức lương cơ sở + 5% mức tiền lương tháng đóng BHXH.
Hỏi: Tôi là nữ công chức, làm việc cho một cơ quan nhà nước. Đến tháng 10.2017 tôi đủ 55 tuổi và có thời gian đóng BHXH là 25 năm. Vậy, cách tính lương hưu có gì thay đổi hay không?
Trả lời: Mức lương hưu hằng tháng được quy định tại Điều 56 của Luật BHXH. Theo đó, đối với người lao động nghỉ hưu trong giai đoạn từ ngày 1.1.2016 đến trước ngày 1.1.2018, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
Đối chiếu với quy định nêu trên, trường hợp của bà nghỉ việc hưởng lương hưu tháng 10.2017 nên tỉ lệ hưởng lương hưu của bà là 75% (15 năm tương ứng với tỉ lệ hưởng 45%, sau đó mỗi năm đóng tính thêm 3%).
BHXH TỈNH