Tàu vỏ thép gỉ sét vẫn nằm bờ
Đã nhiều tháng trôi qua kể từ ngày doanh nghiệp kéo những con tàu vỏ sắt đóng theo Nghị định 67 bị hư hỏng do doanh nghiệp làm dối lên cạn để khắc phục.
Tàu vỏ thép bị gỉ sét nằm phơi nắng tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định) chờ sửa chữa
Đến nay ở Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (Hoài Nhơn - Bình Định) vẫn còn đó những con tàu bỏ khô với cái xác sắt hư hỏng, gỉ sét nặng. Trong khi đó, 2 “tác giả” của 18 con tàu này vẫn đang cố tình “kéo cưa”, viện lý do để trì hoãn việc khắc phục tàu, khiến ngư dân mòn mỏi đợi biển đến khô héo gan ruột.
Tàu nằm bờ, ngư dân khổ Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ), chủ tàu vỏ thép BĐ 99567 TS, một trong 5 tàu vỏ thép bị hư hỏng, gỉ sét do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Công ty Đại Nguyên Dương) đóng, đặt câu hỏi: “Nếu chưa khắc phục thì cứ để tàu chúng tôi dưới nước, tuy gỉ sét vậy nhưng còn bòn chài được vài chuyến biển. Giờ kéo lên bờ gần 2 tháng nay thì có phải muốn gài ngư dân vào cảnh nợ nần?”. Ông Mạnh lại kể: “Tàu bị bỏ khô suốt 2 tháng nay, lưới chài tôi đem về nhà cất giữ sinh chật chội; rồi chuột bọ cắn rách nát hết lưới chài, còn đánh bắt sao được. Cách đây 2 hôm, tui ra xem tàu rồi mở xem hầm máy thấy máy móc gỉ sét hết, sắp thành đống sắt vụn rồi…”.
Tàu vỏ thép hư hỏng đầu tiên tại Bình Định được sửa chữa
Đặt câu hỏi với ngư dân Mai Văn Chương, chủ tàu vỏ thép BĐ 99179 TS: “Tàu hư hỏng, gỉ sét như vậy giờ ông muốn nhà máy khắc phục như thế nào?”. Ông Chương chua chát trả lời: “Đâu phải muốn là được, phải “nịnh” nhà máy chứ không thì tàu mình sẽ bị bỏ khô vài tháng nữa cũng nên. Mới đây họ đòi quay sang kiện chúng tôi nữa đó”. Rồi ông Chương gắt giọng: “Gần 2 tháng nay, không biết bao nhiêu cuộc họp. Đủ mọi người họp. Bây giờ quan điểm của tôi cũng như 3 chủ tàu còn lại là nhà máy phải khắc phục đúng theo hợp đồng. Nếu nhà máy không chịu, tôi yêu cầu tháo hết thép trên tàu ra, nằm bờ để kiện lại nhà máy”.
Cách đây vài ngày, ngư dân Võ Tuân (xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu vỏ thép BĐ 99018 TS, trực tiếp liên hệ với phóng viên Báo SGGP để phản ánh: Mấy hôm trước ra cảng Tam Quan để giám sát việc khắc phục tàu của doanh nghiệp, thấy công nhân bắn cát phun sơn lại, tưởng sẽ xong sớm mà trở lại với biển. Thế nhưng, đùng một cái doanh nghiệp cho công nhân về hết, đến giờ vẫn chưa thấy trở lại để sửa tàu.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, Công ty TNHH MTV Nam Triệu trình bày rằng do trên địa bàn thời gian qua mưa nhiều, độ ẩm cao khiến việc phun sơn gặp khó. Doanh nghiệp này đã đề nghị kéo dài thời gian khắc phục đến 30.9. Tuy vậy, trả lời báo chí, ông Bùi Hữu Hùng, Phó Giám đốc Công ty Nam Triệu lại cho biết, thời gian phải kéo dài đến ngày 15.10.
Như vậy, đã 3 tháng trôi qua từ khi Công ty Nam Triệu kéo 7 con tàu lên đà khắc phục tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan, nhưng đến nay, doanh nghiệp này mới chỉ khắc phục xong và cho hạ thủy được 1 con tàu của ngư dân Lê Ngô Hát; 14 tàu còn lại chưa biết bao giờ xong.
Còn lão ngư Trần Đình Sơn, gương mặt quen thuộc trong những cuộc họp liên quan đến tàu vỏ thép, mong mỏi: “Sau khi tàu được sửa xong, tôi quyết định từ giã vợ con để cùng 12 bạn tàu vượt biển vào ngư trường Phú Quốc để đánh bắt, sẽ khó khăn hơn nhiều vì xa gia đình, vợ con. Nhưng chỉ còn đường ấy, tôi mới có thể giải quyết hết nợ nần. Không thể trông đợi vào ai được, mình phải tự cứu mình chắc ăn hơn…”.
Phải bồi thường thiệt hại
Tại cuộc họp báo để trả lời báo chí về những vấn đề nóng có liên quan đến các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân vào chiều 6.9 tại Hà Nội, do Bộ NN-PTNT tổ chức, nhiều phóng viên đặt câu hỏi về tiến độ khắc phục tàu vỏ thép của ngư dân đóng theo Nghị định 67 như thế nào… khi rất nhiều ngư dân đang chịu thiệt hại kép do tàu đóng xong bị hỏng, phải nằm bờ nhiều tháng nay mà không thể ra khơi hoạt động. Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, đối với vụ 13 con tàu vỏ thép do Công ty Nam Triệu đóng cho ngư dân ở tỉnh Bình Định gặp sự cố, hiện vẫn còn 12 con tàu chưa được sửa chữa khắc phục. Công ty Nam Triệu đã có báo cáo khẳng định đang khẩn trương đưa 6 trong 12 con tàu lên đà sửa chữa và sẽ cố gắng hạ thủy, bàn giao vào ngày 15-9 sắp tới; 6 tàu còn lại sẽ tiếp tục được sửa chữa, hạ thủy vào cuối tháng 9-2017. 12 tàu thuộc trách nhiệm sửa chữa của Công ty Nam Triệu được xác định là có sự cố về máy tàu; Tổng cục Thủy sản đã yêu cầu công ty này phải thay lại bằng toàn bộ máy hiệu Mitsubishi đảm bảo tiêu chuẩn.
Đối với 5 con tàu bị sự cố do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản xác định các tàu này không bị sự cố máy tàu mà chỉ bị sự cố vỏ tàu (gỉ sét). Tuy nhiên về giải pháp khắc phục sửa chữa, giữa nhà máy đóng tàu và chủ tàu vẫn chưa ngã ngũ. Vì vậy vào ngày 7.9, giữa hai bên sẽ có cuộc họp để thỏa thuận và thống nhất về những sự cố thực tế, từ đó đưa ra biện pháp khắc phục đáp ứng theo yêu cầu của cả chủ tàu lẫn công ty đóng tàu. Về việc chỉ số mangan của thép làm vỏ tàu không đủ tiêu chuẩn quy định, Bộ NN-PTNT đã thống nhất với UBND tỉnh Bình Định mời chuyên gia để đánh giá độc lập và yêu cầu đơn vị đóng tàu phải làm theo tư vấn của chuyên gia đánh giá.
Trao đổi thêm với phóng viên Báo SGGP về việc các tàu vỏ thép bị hỏng đã nằm bờ nhiều tháng nay, ngư dân khắc khoải đợi chờ sửa chữa để vươn khơi nhưng doanh nghiệp đang chây ỳ trách nhiệm bồi thường, ông Nguyễn Ngọc Oai cho biết, sau khi sửa chữa xong, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm bồi thường cho ngư dân và sẽ có cơ quan nhà nước đứng làm trọng tài để giám sát. Đối với trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm đã để xảy ra sự cố hàng loạt con tàu bị hỏng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết Bộ NN-PTNT sẽ kiểm tra toàn diện để đánh giá trách nhiệm liên quan của các đơn vị đăng kiểm và xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm.
Theo NGỌC OAI - VĂN PHÚC (SGGP)