Việt Nam trở thành quốc gia thuộc “top 5” về tốc độ già hóa dân số
Việt Nam là một trong 5 quốc gia có độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự kiến đến năm 2050, Việt Nam sẽ là một quốc gia có dân số “siêu già”.
Thông tin trên được nêu ra tại Hội nghị định hướng truyền thông về dân số và phát triển giai đoạn 2016-2020 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 6.9. TS Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Dân số - Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2011 khi tỷ lệ người cao tuổi đạt trên 10% dân số. Dự báo đến năm 2032, Việt Nam sẽ thành quốc gia có dân số già khi tỷ lệ người cao tuổi chạm ngưỡng 20% dân số.
Điều đáng lo ngại là quá trình “già hóa dân số” của nước ta ngắn hơn rất nhiều so với các nước, chỉ trong khoảng 16-18 năm là đã đạt đến ngưỡng dân số già. Trong khi quá trình này ở các nước phát triển như Mỹ là 69 năm, Australia 73 năm, Thụy Điển 85 năm, thậm chí Pháp là 115 năm.
Với tốc độ già hóa nhanh chóng như hiện nay, dự báo đến năm 2050, Việt Nam là quốc gia có dân số rất già. Bên cạnh đó, tỷ lệ người cao tuổi có chất lượng sống tốt đang ở mức rất thấp. Đó là một gánh nặng lớn đối với xã hội.
Theo thống kê, 70% người cao tuổi Việt Nam chủ yếu ở nông thôn, làm nông nghiệp và có đến 72% sống với con cháu. 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất, 18% thuộc diện nghèo. Trong khi đó, hệ thống bảo trợ, an sinh xã hội chưa đủ đáp ứng, chỉ 30% có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách nhà nước.
Theo TS Lê Cảnh Nhạc, vấn đề già hóa dân số quá nhanh cũng để lại nhiều hệ lụy đáng lo ngại như thiếu hụt lao động, gánh nặng về chính sách chăm sóc người cao tuổi…Do vậy, TS Lê Cảnh Nhạc cho rằng, để nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi cần cải cách chế độ hưu trí hiện hành, đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm cho người cao tuổi, mở rộng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi dễ bị tổn thương hướng tới một hệ thống toàn cầu, tập trung đặc biệt vào người cao tuổi sinh sống ở khu vực nông thôn, phụ nữ cao tuổi.
Mặt khác, vấn đề dịch vụ y tế và mở rộng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cần được quan tâm. Ngoài ra, khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi nhằm chia sẻ trách nhiệm, hỗ trợ tài chính.
Theo Minh Phạm (LĐ)