Tiêu chí nào để xếp hạng các trường đại học Việt Nam ?
Bảng xếp hạng 49 trường đại học của Việt Nam do một nhóm 6 chuyên gia độc lập thực hiện đang thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Kết quả bảng xếp hạng gây ngạc nhiên cho nhiều người khi các trường vốn được coi là thương hiệu hàng đầu lại chỉ đứng ở vị trí trung bình, như Đại học Ngoại thương (vị trí 23), Đại học Y Hà Nội (vị trí 20), Đại học Kinh tế Quốc dân (vị trí 30). Trong khi các trường vốn có điểm đầu vào thấp lại xếp ở vị trí cao như Đại học Tôn Đức Thắng (xếp thứ 2), Đại học Huế (xếp thứ 8), Đại học Duy Tân (xếp thứ 9). Câu hỏi được nhiều người đặt ra là bảng xếp hạng đã được các tác giả đưa ra dựa trên những tiêu chí nào?
Đại học Quốc gia Hà Nội đứng đầu trong bảng xếp hạng 49 trường đại học. (Ảnh: vnu.edu.vn)
10 tiêu chí xếp hạng Tiến sỹ Lưu Quang Hưng, thành viên nhóm tác giả cho biết, bộ tiêu chí để xếp hạng các trường được nghiên cứu rất kỹ lưỡng trên cơ sở nghiên cứu các tiêu chí xếp hạng quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Cụ thể, có 10 tiêu chí, được chia thành ba nhóm dùng để xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam gồm: nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, cơ sở vật chất và quản trị. Mỗi nhóm tiêu chí có trọng số tương ứng khác nhau. “Các tiêu chí này phản ánh góc nhìn riêng của nhóm, được thiết kế thông qua thảo luận nội bộ và tham khảo các bảng xếp hạng đã có trên thế giới. Hai nhiệm vụ chính của nhà trường, bao gồm đào tạo và nghiên cứu khoa học, được đánh giá là quan trọng như nhau, nên mỗi bên đều chiếm 40% trọng số. Tuy nhiên, để có thể làm tốt được việc đào tạo và nghiên cứu thì cơ sở vật chất, chất lượng quản trị nhà trường, cũng có đóng góp quan trọng và chiếm 20% trọng số còn lại,” ông Hưng nói. Các tiêu chí lớn lại được chia thành các tiêu chí nhỏ hơn, với các trọng số tương ứng. Cũng theo tiến sỹ Lưu Quang Hưng, mỗi tiêu chí thành phần được lựa chọn phải thỏa mãn các điều kiện sau: phản ánh chất lượng của cơ sở giáo dục; lượng hóa được dưới dạng số liệu; giúp phân biệt được một cách định lượng cao thấp giữa các trường với nhau; số liệu cho tiêu chí phải thu thập được từ các nguồn công khai; số liệu cho tiêu chí phải hiện hữu trên đa số trường được lựa chọn.
+ Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ đứng vị trí thứ 7. (Ảnh: hust.edu.vn)
Khó áp dụng tiêu chí quốc tế Giải thích về việc không thể áp dụng các tiêu chí của các bảng xếp hạng quốc tế, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Anh, thành viên nhóm tác giả bảng xếp hạng, cho biết, có nhiều tiêu chí mà ở Việt Nam không thể áp dụng. Ví dụ, hệ thống xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải đưa ra các tiêu chí như: chất lượng giáo dục được thể hiện qua số cựu sinh viên được giải Nobel và Field, chất lượng cán bộ dựa trên số giải thưởng Nobel và Fields. Trong khi ở Việt Nam chưa có ai đạt các giải này. Hoặc hệ thống xếp hạng của QS đưa ra các tiêu chí khác: uy tín học thuật dựa trên kết quả khảo sát ý kiến của khoảng 70.000 cá nhân trên toàn thế giới (chiếm tỷ trọng 40%); uy tín trong tuyển dụng dựa trên kết quả khảo sát trên 30,000 nhà tuyển dụng trong và ngoài nước (chiếm tỷ trọng 10%). "Chúng tôi phải đưa ra các tiêu chí phù hợp với điều kiện Việt Nam," tiến sỹ Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ. Dưới đây là bảng tiêu chí cụ thể của nhóm tác giả.
Thước đo xếp hạng
Trọng số xếp hạng
Tiêu chí đánh giá
Trọng số thành phần
Chỉ số đánh giá
Nghiên cứu khoa học
40%
Quy mô và chất lượng nghiên cứu
20%
Số bài báo khoa học ISI hàng năm
Ảnh hưởng trong khoa học
10%
Số trích dẫn khoa học dành cho các bài ISI này
Năng suất nghiên cứu
Số bài báo ISI trên mỗi giảng viên
Giáo dục và đào tạo
Quy mô đào tạo
Số sinh viên đại học và sau đại học đang theo học
Đội ngũ giảng dạy
Số giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sỹ trở lên
Chất lượng giảng dạy
Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ trên sinh viên
Chất lượng sinh viên
Xếp hạng sinh viên dựa trên điểm thi đại học
Cơ sở vật chất và quản trị
Giảng đường
5%
Tỷ lệ diện tích giảng đường trên sinh viên
Thư viện
Tỷ lệ đầu sách trên mỗi sinh viên
Chất lượng quản trị
Chỉ số minh bạch thông tin
Theo PHẠM MAI (VIETNAM+)