Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong mùa mưa:Không được chủ quan, lơ là
Hiện nay, thời tiết ở tỉnh ta sắp bước vào mùa mưa, là thời điểm các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) có nguy cơ tái phát cao. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn GSGC trong mùa mưa.
Lực lượng thú y huyện Tây Sơn hỗ trợ người chăn nuôi tiêm phòng dịch cúm gia cầm cho đàn vịt.
- Thời điểm này, tại một số địa phương trong nước đã bùng phát nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn GSGC, ông có thể cho biết nguy cơ xuất hiện dịch bệnh trên đàn GSGC tại tỉnh ta hiện nay?
* Toàn tỉnh hiện có gần 300 ngàn con trâu, bò; 6,9 triệu con gia cầm và 700 ngàn con heo. Trong thời gian này, người chăn nuôi ở các địa phương trong tỉnh đang xuất bán vật nuôi đã đủ tuổi, đồng thời tập trung tái đàn nhằm phục vụ nhu cầu thị trường thực phẩm cuối năm, nên đàn GSGC có sự biến động lớn.
Việc đầu tư phát triển đàn GSGC trong thời điểm hiện nay gặp nhiều bất lợi, bởi thời tiết đang chuyển mùa, mưa nắng bất thường, sức đề kháng của vật nuôi giảm. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để vi-rút gây ra các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn GSGC đang tồn tại trong môi trường bùng phát. Theo thông tin từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), dịch cúm A (H5N1) đã xuất hiện tại tỉnh Bạc Liêu, nguy cơ lây lan dịch bệnh ra diện rộng là rất cao. Ngoài ra, một số chủng vi-rút cúm gia cầm: A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8 chưa có ở Việt Nam có nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Cũng theo Cục Chăn nuôi, dịch lở mồm long móng đã xuất hiện ở các tỉnh Gia Lai và Đăk Lắk, có nguy cơ lây lan sang địa bàn các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh của tỉnh ta. Ngoài ra, trong mùa mưa cũng thường xuất hiện bệnh dịch tả heo. Đáng lo ngại là một bộ phận người chăn nuôi ở các huyện miền núi, vùng cao vẫn còn tập quán thả rông đàn gia súc; không chuẩn bị, dự trữ thức ăn tại chỗ cho gia súc và cũng chưa quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh. Khi đàn gia súc bị dịch bệnh rất khó phát hiện và điều trị, các loại vi-rút phát tán và lây lan nhanh, hậu quả rất khó lường.
- Trước tình hình dịch bệnh trên đàn GSGC có nguy cơ tái phát cao, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai những biện pháp gì nhằm bảo vệ vật nuôi trong mùa mưa lũ năm nay, thưa ông?
* Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC, tỉnh ta đã mua bổ sung 10 triệu liều vắc-xin cúm A H5N1, H5N6; 500 ngàn liều vắc-xin dịch tả; trên 600 ngàn liều vắc-xin lở mồm long móng heo bò. Tỉnh cũng hỗ trợ các địa phương thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi. Ngoài ra, các huyện miền núi được Trung ương hỗ trợ thêm một số loại vắc-xin theo Chương trình 30a phục vụ tiêm phòng dịch bệnh cho GSGC trong mùa mưa.
Công tác tiêm phòng dịch bệnh đã được Chi cục và chính quyền các địa phương thực hiện đạt kết quả cao. Từ đầu tháng 7, lực lượng thú y 11/11 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai tiêm phòng dịch cúm gia cầm đợt 2 cho đàn gia cầm. Đến nay đã có trên 1,34 triệu con gia cầm được tiêm phòng.
Lực lượng thú y cũng đã hỗ trợ người chăn nuôi phun thuốc tiêu độc khử trùng cho hàng chục triệu m2 chuồng trại chăn nuôi. Công tác kiểm tra, giám sát các phương tiện vận chuyển động vật ra vào tỉnh cũng được tăng cường. Chi cục cũng phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ, hướng dẫn 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng 2 cơ sở giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn TP Quy Nhơn.
- Vai trò của chính quyền các cấp và người chăn nuôi trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC là rất quan trọng, Chi cục có đề nghị, khuyến cáo gì đối với chính quyền và người chăn nuôi?
* Ngành chăn nuôi có đóng góp quan trọng, góp phần thúc đẩy KT-XH các địa phương phát triển. Chính vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Thú y, chúng tôi đề nghị chính quyền và người chăn nuôi cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC, nhất là trong thời điểm hiện nay.
Chi cục cũng đã có văn bản yêu cầu Trạm Thú y tham mưu cho các phòng kinh tế, phòng nông nghiệp và UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định vùng có nguy cơ xảy ra dịch bệnh; vùng thường có trâu, bò bị chết do đói, rét; hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cho GSGC trong mùa mưa. Trong đó, chú ý hướng dẫn người chăn nuôi đưa trâu, bò thả núi về nuôi nhốt tại chuồng trại gần nhà để tiện chăm sóc. Đối với trâu bò già yếu, hướng dẫn vỗ béo để bán giết thịt. Hướng dẫn người chăn nuôi thu gom các loại phụ phẩm nông nghiệp chế biến làm thức ăn cho gia súc; kiểm tra, gia cố chuồng trại đảm bảo độ ẩm, thực hiện phun thuốc sát trùng chuồng trại; bổ sung thức ăn tinh, như cám gạo, bột bắp, bột mì hoặc cháo muối cho vật nuôi.
Trạm thú y các địa phương tổ chức tốt công tác tiêm phòng và tăng cường giám sát đàn GSGC ở địa phương, nhất là tại các địa phương có ổ dịch cũ, kịp thời thông tin tình hình dịch bệnh về Chi cục để xử lý. Người chăn nuôi cũng cần phải thực hiện nghiêm túc quy trình đầu tư, chăm sóc vật nuôi; đăng ký, kê khai đàn GSGC để vừa phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi tốt hơn, vừa có cơ sở pháp lý xác định vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
- Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)