Hoài Ân: Tích cực hỗ trợ xuất khẩu lao động
Ðể đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLÐ), góp phần giải quyết việc làm, giúp nhiều hộ dân vươn lên ổn định cuộc sống, huyện Hoài Ân đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia XKLÐ.
Thay đổi cuộc sống
Hàng năm, huyện Hoài Ân có khoảng 40 lao động đi làm việc tại các thị trường lao động tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Nhiều người XKLĐ trở về địa phương đã có cuộc sống ổn định, có vốn tích lũy để mở rộng sản xuất kinh doanh; đặc biệt, là vẫn tiếp tục với các công việc đã làm ở nước bạn như gò, hàn, sản xuất nông nghiệp… tại địa phương.
Một phiên tư vấn xuất khẩu lao động cho thanh niên tại Hoài Ân.
Điển hình như anh Lê Tấn Lực, ở thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông. Sau khi học xong THPT, anh Lực học cao đẳng nghề 3 năm và làm việc tại một công ty với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2014, qua tìm hiểu nhiều kênh thông tin và được sự động viên của gia đình cùng chính sách mà địa phương ưu tiên cho những gia đình khó khăn có nhu cầu XKLĐ, anh Lực quyết định đi XKLĐ sang Nhật Bản. Ở Nhật, anh Lực tích lũy được số vốn kha khá, gửi về trả hết nợ và để dành. Đầu năm 2017, hết hạn hợp đồng XKLĐ, anh Lực trở về nước. Nhờ chịu khó, cộng với vốn tiếng Nhật tốt, anh đã được một công ty nhận vào làm với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Anh Lực phấn khởi chia sẻ: “Xác định lao động tại đất bạn để thay đổi cuộc sống, nên tôi đã nỗ lực trau dồi kỹ năng, nhờ vậy mới đáp ứng tốt yêu cầu công việc và có thu nhập tốt. Giờ về nước, tôi thấy tự tin hơn với vốn kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để áp dụng vào công việc đang làm”.
Theo số liệu thống kê của Phòng LÐ-TB&XH huyện Hoài Ân, từ năm 2010 đến nay, trung bình hàng năm huyện có khoảng 40 người đi XKLÐ ở các thị trường Nhật Bản, Ðài Loan, Hàn Quốc. Ðến cuối năm 2016, toàn huyện đã có 127 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Riêng từ đầu năm đến nay, có khoảng 200 lao động đã đi và đang làm thủ tục chờ đi XKLÐ.
Cũng như anh Lực, gia đình chị Trần Thị Nga, ở thôn Thạch Long, xã Ân Tường Đông, trước đây thuộc diện hộ nghèo của địa phương, nay đã vươn lên thoát nghèo, kinh tế ổn định và ngày càng khấm khá nhờ cháu Võ Thị Mỹ Linh, con gái chị, đang lao động tại Nhật Bản.
Để giúp người dân tin tưởng và kịp thời nắm bắt cơ hội làm việc tại nước ngoài, thời gian qua, huyện Hoài Ân đã tạo mọi điều kiện thuận lợi về vay vốn; thực hiện các chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo, gia đình chính sách. Bên cạnh đó, địa phương thường xuyên tổ chức hội thảo, đối thoại trực tiếp với người lao động về tiêu chuẩn tuyển lao động, quy trình tư vấn tuyển và xuất cảnh; phổ biến luật và hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho người lao động; phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức liên kết, tư vấn tạo nguồn với các công ty uy tín để đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài.
Song hành cùng người lao động
Ân Tường Tây là xã được đánh giá dẫn đầu về số lượng lao động xuất khẩu, với khoảng 100 lao động đang làm việc tại nước ngoài. Nói về giải pháp kích cầu XKLĐ, ông Võ Trọng Thu, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây, cho biết: “Phong trào XKLĐ tại xã phát triển mạnh từ năm 2013. Để hỗ trợ người lao động, xã tăng cường phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm để người dân nắm bắt thông tin về XKLĐ, nhất là những lao động đang có nhu cầu việc làm. Riêng từ đầu năm đến nay, xã đã tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm và đã có 80 lao động đang hoàn tất thủ tục để sang Nhật Bản, Hàn Quốc làm việc”.
Có thể thấy, XKLĐ đã đem lại cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân tại huyện Hoài Ân. Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: “Để công tác XKLĐ tiếp tục đạt hiệu quả lâu dài trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền trên các kênh thông tin; đồng thời tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý và đào tạo nghề cho người lao động. Với các gia đình khó khăn, huyện sẽ khuyến khích các hội, đoàn thể ở địa phương vận động giúp đỡ ngày công để con em họ yên tâm làm việc tại nước bạn”.
KIỀU ANH