Chuyện rau Thuận Nghĩa
Sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch - an toàn đang là một xu thế của đời sống xã hội, bao gồm cả sản xuất và tiêu dùng. Trong bối cảnh có nhiều cảnh báo về việc lạm dụng chất cấm, chế phẩm hóa học trong chăn nuôi, trồng trọt, việc có các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn là một sự “đảm bảo bằng vàng” cho nhà sản xuất. Riêng đối với trồng trọt, các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP luôn được người tiêu dùng tin tưởng và đón nhận.
Tại Bình Định, những năm gần đây với sự nỗ lực của ngành chức năng, sự hỗ trợ quốc tế và sự hưởng ứng của nhà nông tại địa phương đã hình thành một số địa chỉ sản xuất rau an toàn. Trong đó, phải kể đến làng rau an toàn ở thôn Thuận Nghĩa, huyện Tây Sơn. Từ năm 2010 đến năm 2014, vùng trồng rau Thuận Nghĩa đã được tham gia Dự án Sinh kế nông thôn bền vững do New Zealand tài trợ. Với việc trồng rau theo hướng an toàn- VietGAP, HTXNN Thuận Nghĩa đã phát triển được thương hiệu rau an toàn Thuận Nghĩa. Từ đây, rau Thuận Nghĩa có chỗ đứng trên thị trường, vào kệ tại Co.opmart Quy Nhơn và nhiều địa phương ngoài tỉnh.
Với thời gian canh tác như nhau nhưng rau trồng VietGAP được bán với giá cao hơn so với giá rau không trồng theo quy trình này đã cho thấy lợi ích thiết thực của sản phẩm có thương hiệu sạch. Đây được xem là một trong những “đòn bẩy” cho sản phẩm rau địa phương vững vàng bước vào thị trường trước cánh cửa hội nhập.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một năm sau khi được cấp, Giấy chứng nhận (GCN) VietGAP của rau Thuận Nghĩa đã bị Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 (Bộ NN&PTNT) đình chỉ hiệu lực kể từ ngày 4.7.2017 dù đến ngày 22.8.2018 mới hết hiệu lực. Lý do là HTX không phối hợp đánh giá, giám sát quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Việc bị đình chỉ hiệu lực GCN VietGAP rau Thuận Nghĩa ít nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu và hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX. Để khắc phục HTX đã phải mời Trung tâm vào cùng phối hợp kiểm tra, đánh giá giám sát quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để họ hủy bỏ Quyết định đình chỉ. Nhờ sự nỗ lực xử lý “sự cố” của HTX và các cơ quan chức năng địa phương, ngày 1.9.2017 Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 đã có quyết định về việc duy trì hiệu lực GCN VietGAP trồng trọt đối với HTXNN Thuận Nghĩa đến ngày 22.8.2018 như đã cấp.
Có thể xem câu chuyện về “sự cố” về GCN VietGAP của rau Thuận Nghĩa như là một bài học về việc thực hành sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch. Để phát triển được một thương hiệu cho nông sản, làm cho nó trở thành một thương hiệu mạnh của địa phương không phải là quá khó, nhưng cũng không phải là chuyện dễ dàng. Điều quan trọng là phải quản lý tốt, bảo đảm thực hiện đúng quy trình, có sự liên kết chặt chẽ, nghiêm ngặt. Đặc biệt là không thể mạnh ai nấy làm một cách tùy tiện sẽ dẫn đến nguy cơ mai một hoặc tệ hơn là mất thương hiệu.
Hy vọng, câu chuyện rau Thuận Nghĩa sẽ là bài học kinh nghiệm bổ ích cho các địa phương khác trong việc xây dựng và duy trì thương hiệu sản phẩm.
H.Đ