Người “cãi Hà Bá” trên dòng sông Côn
Nhiều năm làm nghề chài lưới trên dòng sông Côn, anh Trần Văn Hiếu (30 tuổi, ở khối 1, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) đã giành lại sự sống cho nhiều người bị đuối nước và tham gia vớt những thi thể của người chết đuối trên sông.
Hàng ngày anh Trần Văn Hiếu hành nghề chài lưới trên sông Côn, khi phát hiện có người bị đuối nước anh không nề hà cứu giúp.
Ngoại trừ mùa lũ hoặc khi thủy điện xả nước bất thường, dòng sông Côn chảy qua địa bàn thị trấn Phú Phong luôn êm ả ở cả đôi bờ. Song ẩn sâu dưới dòng nước hiền hòa đó là vực nước xoáy nguy hiểm, chực chờ gây họa với những ai chủ quan, không lượng sức mình. Nhiều vụ việc người tắm sông bị nước cuốn đã xảy ra ở khu vực này, song may mắn được cứu sống nhờ sự tận tâm của người dân địa phương mà điển hình nhất là anh Trần Văn Hiếu. Mỗi khi nghe tiếng kêu cứu hoặc phát hiện có sự cố trên sông, anh Hiếu luôn là những người đầu tiên có mặt để tham gia cứu vớt cũng như tìm kiếm thi thể các nạn nhân.
Gần đây nhất, vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 27.6.2017, một nhóm học sinh cấp III rủ nhau ra sông Côn đoạn chảy qua thị trấn Phú Phong tắm. Trong lúc tắm, 6 học sinh cùng nhau bơi qua sông, nhưng do đoạn sông quá rộng, khi bơi đến giữa dòng thì 4 em bị đuối sức, kêu cứu. Lúc này, anh Trần Văn Hiếu đang ngồi uống cà phê cách sông chừng 50 m, nghe có người chạy đến báo tin về vụ việc, anh nhanh chóng chạy thẳng ra bờ sông, đẩy chiếc xuồng làm nghề chài lưới của mình bơi ra giữa dòng lần lượt cứu được 3 em với sự giúp sức của bà con xung quanh, đưa vào bờ. Đáng tiếc là có 1 em không may đã bị dòng nước cuốn trôi. Không cứu được người sống thì cũng quyết tìm cho được xác. Từ chiều hôm đó đến trưa ngày hôm sau, anh Hiếu cùng với người thân của nạn nhân dầm mình dưới nước lần tìm dọc theo dòng sông và cuối cùng đã tìm được thi thể nạn nhân đưa về cho gia đình mai táng.
Từ khi còn bé, anh Hiếu đã gắn bó với dòng sông Côn và khi trưởng thành thì kiếm sống chủ yếu bằng nghề đánh cá trên sông nên hiểu rất rõ về đặc điểm dòng chảy. “Thường xuyên đánh cá trên đoạn sông này nên tôi biết chỗ nào nông, chỗ nào sâu, chỗ nào có dòng nước xoáy. Vì vậy khi đánh cá trên sông, gặp các em học sinh rủ nhau xuống tắm là tôi nhắc ngay, không để xảy ra tai nạn. Hôm nhóm học sinh xuống tắm và 1 em bị chết đuối là do tôi vừa bủa lưới xong lên bờ uống ly cà phê, chứ hôm đó tôi ở dưới sông thì có thể đã cứu được hết rồi”, anh nói như có phần tự trách mình.
Anh Trần Văn Hiếu (bên trái) trong một lần lặn tìm thi thể một trường hợp bị chết đuối trên sông Côn.
Bởi nhà cũng nằm sát bờ sông nên mỗi khi phát hiện hoặc nghe tiếng kêu cứu thì anh Hiếu là người đầu tiên bơi ra cứu người. “Cứ nghe tiếng kêu cứu, như một phản xạ, tôi nhảy liền xuống sông cứu người, đến khi xong việc nghĩ lại có lúc cũng thấy mình hơi liều. Nhưng người ta gặp nạn, đứng giữa sự sống với cái chết chỉ trong tích tắc, ai nỡ lòng nào đứng nhìn. Nghĩ đến việc cứu được người là vui rồi chứ chưa bao giờ tôi nghĩ ai đó phải biết ơn mình”, anh Hiếu tâm sự.
Khi nghe hỏi, anh đã tham gia cứu bao nhiêu trường hợp bị đuối trên đoạn sông Côn này thì anh Hiếu gãi đầu, cười xòa: “Cũng nhiều trường hợp rồi nhưng cứu người ai mà đi tính cụ thể làm gì”. Còn thượng úy Phan Quốc Hùng, cảnh sát khu vực, CA thị trấn Phú Phong, thì cho biết: “Từ khi tôi về nhận công tác được 2 năm nay thì khu vực này đã xảy ra 3 vụ đuối nước. Trong cả 3 lần đó, anh Hiếu luôn là người đầu tiên có mặt và nhiệt tình tham gia cứu người. Không chỉ Hiếu mà cha của anh Hiếu cũng là người tích cực tham gia cứu người bị đuối nước”.
Cứu một mạng người đã quý, vậy mà cha con anh Hiếu và những người dân ở ven dòng sông Côn đã cứu được hơn chục người bị đuối nước. Hành động dũng cảm cứu người của anh Trần Văn Hiếu được chính quyền địa phương nhiều lần khen thưởng, được mọi người trân trọng.
MINH NGỌC