Giòn thơm bánh tráng củ lang
Ai cũng biết người Bình Định ghiền ăn bánh tráng. Trong rất nhiều loại bánh tráng ở xứ này, có bánh tráng củ lang. Ở Tam Quan (Hoài Nhơn) giờ vẫn còn nhiều nhà làm loại bánh này. Bánh tráng củ lang có thể ăn ngay khi vừa mới làm xong, phơi một cữ nắng chiều. Bánh nướng lên sẽ béo, giòn. Nếu không nướng có thể ngồi nhai túc tắc, xé từng miếng nhỏ cho bánh tan nhẹ vào miệng. Thơm ngon đã đời.
Cách làm bánh tráng củ lang sơ bộ là thế này: củ lang sau khi luộc thì cho vào máy xay thành bột nhuyễn rồi trộn đều với gia vị như dừa xay, nước đường, gừng, bột mì chín; nhồi cho kỹ, đều gia vị. Sau khi chuẩn bị xong, thực hiện cán bột củ lang bằng ống nhựa. Dùng một miếng nhựa vuông để làm miếng lót, đặt trên bàn cán trước. Cho một ít bột củ lang lên. Dùng ống nhựa cán cho phẳng và mỏng. Kết hợp lấy khuôn bằng một vòng sắt (đã có thoa dầu lên vòng cho khỏi dính), đặt khuôn lên trên phần bột đã cán phẳng, định thành hình tròn. Phần bột củ lang dư ra bên ngoài (rẻo), bỏ lại vô thau bột. Mang nguyên phần bánh đã thành hình, úp lên mặt phên, sau đó gỡ miếng lót nhựa ra.
Củ lang luộc ăn đã ngon, nấu canh càng bùi, mà hóa thân vào bánh tráng thì đúng là chỉ có góc nhìn của người sáng tạo ẩm thực mới nghĩ ra được. Trong những lúc nông nhàn, người dân ngồi nấu rồi lột vỏ củ lang, ông bà phụ nhau ngồi làm, đến chiều có bột rồi thì mỗi người một tay, người bỏ bánh thành khuôn tròn, người để bánh lên phên rồi mang ra phơi. Buổi chiều con bé cháu rảnh tay không học hành gì thì ra lấy bánh ra xếp giùm bà.
Thích nhất là cảm giác ung dung khi ăn bánh tráng. Nghe mùi thơm lựng, cùng đủ vị cay cay, beo béo. Ăn bánh tráng củ lang là ăn cả cái khéo của người nướng nhanh tay “lật”, “trở” trên lò than thiệt hừng, biết quạt phất qua phất lại để lửa đủ giòn bánh, không cháy cũng không sượng, khó nhai. Như thế, khi ăn mới nghe được trong tai cái giòn, cái lốp rốp khi bỏ vào miệng ăn. Thế mới gọi là hấp dẫn.
Ð.T.L