Sân khấu Bình Ðịnh với đề tài lịch sử quê hương: Tâm huyết sáng tạo và thành công
Sân khấu Bình Ðịnh vừa có thêm 2 kịch bản mới: “Quan khiên võng” - viết về danh thần Lê Ðại Cang - của tác giả Văn Trọng Hùng và “Thủ lĩnh Truông Mây” - nói về Chàng Lía - của tác giả Ðoàn Thanh Tâm. 2 kịch bản mới là sự bổ sung, làm giàu đẹp thêm danh mục tác phẩm sân khấu về đề tài lịch sử Bình Ðịnh.
Trong quá trình hoạt động nghệ thuật của mình, Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định rất có ý thức trong khai thác, dàn dựng nhiều vở diễn về đề tài lịch sử của quê hương.
Từ dư âm đẹp của “Khúc ca bi tráng” (2013), khán giả đang mong chờ những vở diễn mới, chất lượng nghệ thuật cao về đề tài lịch sử Bình Định.
Nhiều vở diễn về đề tài lịch sử Bình Ðịnh
Loại hình tuồng, số lượng vở diễn nhiều hơn, có thể kể đến những vở tiêu biểu trong pho tuồng gồm hàng chục vở về phong trào Tây Sơn như: “Tây Sơn tụ nghĩa”, “Quang Trung đại phá quân Thanh”, “Trời Nam”, “Đêm sáng phương Nam”…; các vở về một số nhân vật lịch sử khác như “Đô đốc Bùi Thị Xuân”, “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc”, “Đi tìm chân chúa” (về Đào Duy Từ), “Bông mai đỏ” (về Mai Xuân Thưởng)…
“Viết những kịch bản và sau đó dựng thành những vở diễn lấy cảm hứng, đề tài khai thác về lịch sử quê hương vốn được xem là truyền thống và thế mạnh sáng tạo của sân khấu Bình Ðịnh. Bằng chứng là đã có rất nhiều vở diễn thành công”
Nghệ sĩ nhân dân HÒA BÌNH - Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Bình Định
Dân ca bài chòi có số lượng vở diễn ít hơn, với 3 vở: “Huyền Trân công chúa”, “Anh hùng với giai nhân” (về Nguyễn Huệ - Ngọc Hân), “Khúc ca bi tráng” (xoay quanh những trung thần của hai nhà Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn Gia Miêu).
Điều đáng nói là, trong đó có khá nhiều vở từ khâu đầu là kịch bản đến chuyển thể, dàn dựng và cuối cùng là biểu diễn, phổ biến, đưa đến công chúng đều do người Bình Định tổ chức, thực hiện. Cả 3 vở dân ca bài chòi nói trên đều của tác giả Văn Trọng Hùng, qua dàn dựng của đạo diễn - NSND Hoài Huệ và biểu diễn của Đoàn Ca kịch bài chòi. Bên lĩnh vực tuồng, vở diễn lịch sử về đề tài Bình Định mới nhất của Nhà hát tuồng Đào Tấn là vở “Bông mai đỏ” của Đoàn Thanh Tâm- nghệ sĩ hoạt động sáng tác và chuyển thể kịch bản (thuộc Nhà hát), do đơn vị nghệ thuật này biểu diễn…
Với vở “Bông mai đỏ”, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã tiên phong đưa nhân vật lịch sử Mai Xuân Thưởng vào sân khấu.
Tâm huyết sáng tạo và thành công
Có thể thấy, đề tài về lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử quê hương Bình Định nói riêng có sức hút lớn với giới hoạt động sân khấu trong tỉnh. Bên cạnh cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, sâu xa hơn còn là lòng tự hào, tình cảm, trách nhiệm của những người con hậu thế đối với đất nước, quê hương.
Nhà viết kịch Văn Trọng Hùng chia sẻ, duyên nợ với sân khấu, và nhất là khi xác định kịch lịch sử là thế mạnh và đam mê lớn nhất của mình, ông càng muốn đưa vào sân khấu những nhân vật lịch sử mà mình kính trọng, ngưỡng mộ, yêu quý và tâm đắc, không chỉ bởi công lao của họ với dân tộc mà còn ở nhân cách và tài năng. Đồng thời, bên cạnh tôn vinh, tri ân, kịch lịch sử là cách hiệu quả nhất để “mượn xưa nói nay”.
Ở góc độ đạo diễn, NSND Hoài Huệ tâm sự, tuy lượng vở diễn về đề tài lịch sử của Đoàn không nhiều, nhưng làm vở lịch sử luôn khiến ông say sưa, lao tâm, muốn “bung xung nghề” hơn hết. Ít vở cũng là điều dễ hiểu, vì xét về đặc điểm loại hình, sở trường của dân ca bài chòi không phải là lịch sử mà là dân gian, tiểu thuyết, hiện đại, tâm lý xã hội… Tuy vậy, cả 3 vở khai thác về đề tài lịch sử Bình Định đều rất thành công.
Tại các kỳ thi, liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, “Huyền Trân công chúa” đoạt HCB năm 1995, “Anh hùng với giai nhân” đoạt giải nhì năm 1999. Thành công vang dội nhất chính là “Khúc ca bi tráng”: HCV đầu bảng cho vở diễn cùng giải tác giả xuất sắc nhất tại Cuộc thi sân khấu tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2013, giải A vở diễn và giải đạo diễn xuất sắc nhất - giải thưởng năm 2013 của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Đạo diễn - NSND Hoài Huệ tâm sự: “Làm vở về đề tài lịch sử Bình Định, cũng có nghĩa là mình nói về mình, không phải vay mượn của ai, nơi nào. Yếu tố này theo tôi là rất quan trọng, vì khi xuất phát chính từ tình cảm, tâm tư của người trong cuộc, người Bình Định hôm nay nói về quê hương mình, dùng tiếng chuông của lịch sử làm thông điệp cho đời, độ chân thành và lay động cao hơn, thấm thía hơn. Bên cạnh việc phả vào tác phẩm tình cảm, tâm tư, những đặc điểm tính cách nổi trội của người Bình Định cũng hiện lên trong đó. Do vậy, mỗi khi làm vở về vấn đề của Bình Định, tôi rất xúc động và hạnh phúc”.
Với tấm lòng hướng về cội nguồn dân tộc và tình yêu quê hương, cùng thế mạnh trong khai thác, xây dựng các vở diễn về đề tài lịch sử của những người làm sân khấu truyền thống trong tỉnh, chắc chắn sẽ còn nhiều kịch bản, vở diễn về con người, câu chuyện lịch sử của Bình Định. Sau “Quan khiên võng”, tác giả Văn Trọng Hùng lại tự đặt trên vai mình những trách nhiệm mới, với nỗi canh cánh trong lòng kịch bản về hai nhân vật: Tăng Bạt Hổ và Trần Đức Hòa.
SAO LY