Nghiên cứu, biên soạn lịch sử Ðảng: Khắc phục khó khăn, đảm bảo tiến độ, chất lượng
Nghiên cứu, biên soạn lịch sử Ðảng được coi là công việc “khó, khô, khổ”, ít người muốn tham gia. Dù vậy, với nhiều nỗ lực, đã có nhiều tác phẩm được xuất bản, mang lại tác động tích cực trong công tác tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ.
Thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, từ năm 2002 đến nay, toàn tỉnh đã xuất bản 191 tác phẩm. Trong đó, lịch sử cấp tỉnh có 6 tác phẩm; lịch sử, truyền thống các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh có 60 tác phẩm; lịch sử Đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố, Đảng bộ trực thuộc tỉnh và các hội, ngành, đoàn thể trực thuộc huyện có 32 tác phẩm; truyền thống cách mạng xã, phường, thị trấn có 93 tác phẩm.
Ông Trần Duy Đức là người chuyên biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử ngành.
Ghi nhận những nỗ lực
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Giờ, số lượng, chất lượng các công trình và ấn phẩm xuất bản được nâng lên rõ rệt. Giá trị khoa học và thực tiễn của các công trình lịch sử đã góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Qua đó, đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá công cuộc đổi mới đất nước ta.
An Nhơn là một trong những địa phương dẫn đầu trong thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW. Ở cấp thị xã đã xuất bản 3 tập sách: Lịch sử Đảng bộ huyện An Nhơn giai đoạn 1930-1975, giai đoạn 1975-2010 và Chi bộ Hồng Lĩnh - Tiền thân Đảng bộ An Nhơn. Đối với lịch sử ngành, đã xuất bản Truyền thống đấu tranh LLVT huyện An Nhơn giai đoạn 1930-2005; Truyền thống CAND huyện An Nhơn giai đoạn 1930-2005. Có 11/15 xã, phường biên soạn truyền thống đấu tranh cách mạng giai đoạn 1930-2005, 3 đơn vị biên soạn giai đoạn 1930-2000 (Nhơn An, Nhơn Hạnh, Nhơn Hòa), Đảng ủy phường Bình Định biên soạn giai đoạn 1930-1994 (đang triển khai biên soạn giai đoạn 1995-2015).
Theo ông Nguyễn Tiến Toàn - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy An Nhơn, một trong những động lực quan trọng để đảm bảo hiệu quả của công tác nghiên cứu, xuất bản lịch sử Đảng ở địa phương là giải quyết khó khăn về kinh phí. Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo bố trí kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng từ nguồn ngân sách của thị xã. Các xã, phường cũng đã chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương để phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn truyền thống đấu tranh cách mạng. Ngoài ra, năm 2008, Ban Thường vụ Thị ủy đã thống nhất hỗ trợ 15 triệu đồng cho mỗi xã, phường biên soạn và xuất bản tập sách truyền thống địa phương.
Đảm bảo kinh phí cũng là vấn đề được chú trọng tại huyện Hoài Nhơn. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hoài Nhơn Trần Hồng Hải cho hay, mỗi công trình biên soạn truyền thống đảng bộ xã, thị trấn hoàn thành được UBND huyện hỗ trợ từ 20 triệu đồng trở lên. “Ngoài nguồn ngân sách tại chỗ, các địa phương cũng được phép huy động nguồn xã hội hóa để thực hiện”, ông Hải nói.
Khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ
Trong giới “làm sử” ở Bình Định, cái tên Trần Duy Đức không còn xa lạ. Khởi nghiệp sử từ năm 1996, đến nay ông đã hoàn thành hơn 20 đầu sách, trong đó có lịch sử đảng bộ của tất cả 15 xã, phường của An Nhơn. Với công trình mới nhất là Chi bộ Hồng Lĩnh - Tiền thân Đảng bộ An Nhơn, ông phải mất hơn 2 tháng để thu thập tư liệu, có cả nhiều chuyến đi ngoài tỉnh.
“Đi, tìm tư liệu đã khổ, nhưng ngán nhất là xác định được độ tin cậy của tư liệu. Cùng một sự kiện, nhưng chín người mười ý, nhiều người muốn đề cao công lao của mình nên kể lệch hướng. Có người không tham gia trực tiếp, không am tường sự việc nhưng nghe đâu kể đó, mình không tỉnh táo, thiếu kiến thức là hỏng ngay”, ông Đức nói.
Có một thực tế không thể phủ nhận là đội ngũ cán bộ có khả năng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh còn mỏng, trình độ không đồng đều, phần lớn là kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian, tâm huyết vào công tác lịch sử Đảng. “Đội ngũ biên tập còn yếu tay nghề, số lượng ít, còn mang tính nghiệp dư nên biên soạn rất lâu, như Lịch sử Đảng bộ huyện Tuy Phước sau 10 năm mới xuất bản được”, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tuy Phước Tạ Công Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, một số tác phẩm, công trình lịch sử chất lượng chưa cao, nội dung còn mang tính liệt kê sự kiện, chưa thể hiện rõ mạch lịch sử và tính logic. Việc phát huy giá trị truyền thống của các tác phẩm lịch sử còn hạn chế, nhiều công trình sau xuất bản lại “cất tủ”.
Trước tình hình đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn yêu cầu các cấp ủy đảng, các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh cần xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ trực tiếp phụ trách và đẩy nhanh tiến độ sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ, truyền thống cách mạng ngành, địa phương. Các cấp ủy đảng cần quan tâm bố trí cán bộ làm công tác nghiên cứu lịch sử Đảng bảo đảm các tiêu chuẩn về chính trị, tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ.
“Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phát huy giá trị các tác phẩm đã được xuất bản bằng nhiều hình thức đa dạng, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, kế thừa và phát huy các giá trị lịch sử để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Ngoài ra, phải đưa lịch sử, truyền thống cách mạng vào chương trình giáo dục cho học sinh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh”, Phó Bí thư nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG