Cư dân làng biển chung sức giữ rừng núi Cấm
Rừng phòng hộ trên núi Cấm được cư dân ở làng biển Tân Phụng 1 và Tân Phụng 2, xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ) coi như “báu vật”, bởi suốt gần 100 năm qua, cánh rừng rộng hơn 65 ha này đã trở thành “phên giậu” chắn cát bay, cản gió, giữ nước cho làng. Chính vì vậy, người dân làng biển nơi đây đang chung sức giữ rừng để những thảm cây xanh ngát mãi cộng sinh, trường tồn.
Làng biển Tân Phụng 1 được rừng phòng hộ núi Cấm bao bọc, ngăn chặn nạn cát bay, gió biển lùa nên cuộc sống luôn bình yên.
“Rừng tàn, làng mạt”
Đó là câu nói cửa miệng của ông Nguyễn Văn Ba, Chi hội trưởng Chi hội ngư dân thôn Tân Phụng 1 mỗi khi nhắc nhở, vận động, tuyên truyền bà con ở địa phương cùng chung sức, đồng lòng để giữ rừng núi Cấm. Ông bảo đây cũng là quan niệm dân gian được lưu truyền từ ngày đầu con người tới khai khẩn vùng đất này. Rừng cây trên núi Cấm vì vậy được người làng giữ gìn, coi như báu vật mang lại bình yên cho cuộc sống của họ.
Góp lời, ông Trần Thành Liên, Trưởng thôn Tân Phụng 1, kể: “Cư dân ở làng biển này không nhớ rõ lắm về quá trình hình thành núi Cấm. Nhưng, tôi chắc một điều núi Cấm là căn cứ hoạt động cách mạng của quân, dân ta trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngày đó, bom đạn của quân thù thả xuống núi Cấm khá nhiều, nên cây cối cũng bị bom đạn cày xới. Khi chiến tranh lùi xa, cây lại phủ xanh và rừng giúp dân làng vượt qua bao tai ương biến chướng của thiên tai. Cứ thế, cư dân ở đây đều chung sức, đồng lòng để giữ rừng”.
Người dân ở thôn Tân Phụng 1 và Tân Phụng 2 cũng cho rằng: Cái lớn nhất mà rừng trên núi Cấm đem lại là chắn cát bay, cản gió, bão tố cho làng, xã. Bởi, thời gian qua, có không ít vùng ven biển khác của huyện Phù Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do cát bay, nhưng ở đây nhờ có rừng cây này mà cát biển được che chắn, cuộc sống bình yên.
Vào thời điểm nắng nóng gay gắt, ở nhiều làng biển khác bà con phải sống trong cảnh thiếu nước, phần vì không khí hầm hập đến ngột ngạt. Ấy vậy mà, làng biển Tân Phụng 1 và Tân Phụng 2 vẫn rợp bóng mát nhờ khu núi Cấm chắn phía biển. Để chứng minh giá trị của khu rừng này mang lại cho cư dân làng biển nơi đây, ông Trần Thành Liên vục tay xuống lớp cát, nói: “Dưới lớp cát trắng phau, thoạt đầu nhìn vào tưởng như không còn một chút ẩm nào, nhưng khi đào sâu xuống vài tấc đã thấy nước, đó là nhờ rừng cây đã giữ nước. Hơn nữa, nhiều diện tích đất trồng hoa màu của thôn nằm sát đồi cát, nhưng hiếm khi thấy bị hạn đến độ phải bỏ hoang”, ông Liên cho biết thêm.
Giữ “báu vật” cho làng biển
Người dân ở làng biển Tân Phụng 1, Tân Phụng 2 coi rừng ở núi Cấm như báu vật. Ông Nguyễn Văn Ba lý giải cho tên gọi “núi Cấm” xuất phát từ ý nghĩa là để giữ rừng. Muốn giữ được rừng thì phải cấm tất cả các hành vi xâm hại tới rừng. Vì vậy, núi Cấm ra đời từ lý do này.
Phong trào giữ rừng núi Cấm có từ khi sau ngày đất nước giải phóng. Kể từ đó đến nay, hiện tượng xâm hại rừng chưa từng diễn ra. Để công tác giữ rừng mang lại hiệu quả, mỗi thôn thành lập một tổ bảo vệ rừng với sự tham gia của toàn bộ cư dân đang sinh sống ở địa phương. Ông Trần Thành Liên nhấn mạnh: Quy ước bảo vệ rừng ở đây đặt ra rất đơn giản là “nghiêm cấm xâm hại rừng dưới mọi hình thức”. Bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào xâm hại tới rừng đều bị xử lý công khai. Nhẹ thì kiểm điểm, khiển trách trước toàn thể cư dân. Nặng thì lập biên bản rồi mời xã, huyện và ngành chức năng xuống xử lý. Nhờ ý thức được tầm quan trọng trong việc giữ rừng nên hàng chục năm núi Cấm được bà con ở địa phương gìn giữ, bảo vệ nghiêm ngặt.
Chia sẻ về công tác giữ rừng, ông Nguyễn Văn Ba nói: Ở thôn Tân Phụng 1 có 3 xóm, thôn Tân Phụng 2 có 2 xóm. Theo đó, bà con Tân Phụng 1 có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng nằm ở phía Tây của thôn. Người dân Tân Phụng 2 quản lý khu rừng nằm phía Đông của thôn. Hằng ngày, các xóm đều cử người tham gia tuần tra, kiểm tra rừng. Khi phát hiện có đối tượng xâm hại lập tức ngăn chặn, báo cáo với trưởng thôn để kịp thời giải quyết. Vào mùa nắng nóng, mỗi tháng bà con được thông báo đi phát tuyến để ngăn ngừa cháy rừng. Công tác giữ rừng hiện nay còn có sự giúp sức của bộ đội biên phòng, lực lượng bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ.
Nhận xét về quá trình giữ rừng của cư dân thôn Tân Phụng 1 và Tân Phụng 2, ông Trương Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ), cho rằng: “Rừng núi Cấm thêm xanh là nhờ được cư dân làng biển nơi đây bảo vệ nghiêm ngặt. Người dân ở đây là tai mắt của chính quyền xã, ngành chức năng của huyện trong công tác giữ rừng. Để công tác giữ rừng trong cộng đồng khu dân cư phát huy được hiệu quả, hằng năm, huyện, xã đều hỗ trợ cho cư dân dụng cụ như rựa, cuốc, xẻng… tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân giữ rừng. Phong trào toàn dân giữ rừng núi Cấm cần được phát huy, nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh”.
TRỌNG LỢI