Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em: Gia đình, người chăm sóc trẻ cần quan tâm nhiều hơn
Thời gian qua, tỉnh ta đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Tuy nhiên, các trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích vẫn xảy ra khá nhiều. Hiện tượng này tiếp tục cảnh báo phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần quan tâm đến các em nhiều hơn; các em cần được hướng dẫn để sớm tránh xa nguồn nguy hiểm, tự bảo vệ mình.
Em Nguyễn Bảo Nguyên (7 tuổi, ở KV6, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) trong thời gian điều trị vết thương do tai nạn giao thông gây ra tại Khoa Chấn thương - Bỏng (BVĐK tỉnh).
Chỉ vì một chút bất cẩn
Trường hợp em Nguyễn Bảo Nguyên (7 tuổi, ở KV6, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) là một ví dụ. Nhớ lại vụ tai nạn giao thông xảy ra với con mình, chị Nguyễn Thị Ái Lành - mẹ của em Nguyên không cầm được nước mắt: “Hôm đó, cả nhà đi làm hết, bé Nguyên ở nhà với bà ngoại. Trời chiều mát, bé chạy ra khoảng đường trước nhà chơi. Bà ngoại thấy vắng xe không để ý nhiều. Vừa lơ đễnh là cháu bị xe máy đụng!”.
Bác sĩ CK2 Nguyễn Thành Nhân (Khoa Chấn thương - Bỏng, BVĐK tỉnh)cho biết: “Em Nguyên bị gãy 2 xương cẳng chân bên trái, bị bô xe đè lên cẳng chân phải nên vết bỏng rất sâu. Để xử lý vết bỏng, chúng tôi phải lấy da đùi của em vá vào phần chân bị phỏng bô. Sau khi xuất viện, em Nguyên cũng phải mất vài tháng điều dưỡng mới có thể đi đứng bình thường được”.
Vết thương của em Nguyễn Bảo Nguyên dù nặng nhưng có khả năng phục hồi, còn với trường hợp em Phạm Thiên Hưng (8 tuổi, ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát) lại khác. Tai nạn thương tích đã lấy đi của em 2 ngón tay ở bàn tay phải - tay thuận của em. Các bác sĩ ở BVĐK tỉnh đã tích cực điều trị nhưng không thể cứu hết cả 5 ngón tay của em. Trường hợp của em Hưng là một trường hợp vô cùng đáng tiếc.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, mẹ của em Hưng kể: “Khi đứng xem người ta xay mía, bé hiếu động đưa tay vào lúc máy xay đang chạy. Hành vi của cháu quá bất ngờ nên tôi trở tay không kịp. Tôi hối hận vô cùng!”.
Một lớp dạy bơi miễn phí trong khuôn khổ Chương trình Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em của tỉnh tại phường Đập Đá, TX An Nhơn.
Đẩy mạnh tuyên truyền để phòng chống
Thời gian qua, cùng với nhiều địa phương trong tỉnh, huyện Tuy Phước đã xây dựng và tổ chức được nhiều hoạt động tuyên truyền về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, hướng dẫn sơ cấp cứu cho học sinh tại các điểm trường. Mỗi dịp hè, với nguồn hỗ trợ từ Trung ương và địa phương, huyện phối hợp mở 3 - 5 lớp dạy bơi cho trẻ em. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Tuy Phước vẫn là một trong những địa phương có tỉ lệ trẻ em mắc và tử vong do tai nạn thương tích rất cao. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã có 48 em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có 40 em do đuối nước. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, huyện đã có 5 em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có 4 em do đuối nước.
Bà Cao Hoàng Mộng Tiên, Trưởng phòng LĐ-TB&XH Tuy Phước, chia sẻ: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh vận động các gia đình đưa con em tới học bơi tại các hồ bơi an toàn, đồng thời nâng cao dạy kỹ năng bơi cho trẻ em, tránh tự phát dạy bơi tại ao hồ sông bởi nguy cơ đuối nước rất cao”.
Bà Lê Thị Vinh Hương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, tâm sự: “Trong phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, chúng tôi vẫn gặp một số khó khăn: thứ nhất là ý thức bảo vệ giám sát, hướng dẫn con em mình của một số phụ huynh, người chăm sóc trẻ chưa cao; thứ hai là việc dạy bơi miễn phí cho trẻ em vẫn gặp nhiều trở ngại do có nhiều địa phương không có hồ bơi, hoặc có mà không đảm bảo các mặt an toàn kỹ thuật để dạy bơi cho trẻ; thứ ba là kinh phí cho chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em ở nhiều địa phương vẫn còn hạn chế”.
Trong giai đoạn cuối năm, Chương trình Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em 2017 sẽ tập trung đổi mới truyền thông tại những địa bàn có tỉ lệ trẻ em mắc và tử vong cao. Chương trình sẽ tập trung nhiều chuyên đề, lồng ghép trong một buổi truyền thông như biểu diễn tiểu phẩm, phát tờ rơi; hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu về các dạng tai nạn thương tích thường gặp cho trẻ em; hướng dẫn cách phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em; hướng dẫn xây dựng môi trường gia đình an toàn... Tuy nhiên, như đã nói để Chương trình Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em của tỉnh triển khai hiệu quả thì cần hơn nữa sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là các bậc cha mẹ và người trực tiếp chăm sóc trẻ.
Theo thống kê của Khoa Chấn thương - Bỏng (BVÐK tỉnh), trong 6 tháng gần đây, Khoa tiếp nhận điều trị hơn 6.000 ca tai nạn thương tích (trong đó 190 ca do bỏng, 374 ca tai nạn giao thông, 1.658 ca tai nạn lao động, 2.744 ca tai nạn sinh hoạt); riêng các trường hợp trẻ em là 220 ca. Phần lớn các em bị bỏng là do nước sôi, điện, lửa gây ra. Trong đó nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em do phần lớn gia đình và người chăm sóc trẻ chưa thật sự quan tâm đến an toàn của trẻ trong môi trường gia đình, trường học và nơi công cộng.
LÊ DUYÊN